• Zalo

MobiFone nên 'ra riêng'?

Kinh tếThứ Tư, 25/09/2013 04:24:00 +07:00Google News

(VTC News) – 9 năm lỗi hẹn, liệu việc cổ phần hóa MobiFone theo chỉ đạo của Chính phủ có được đẩy nhanh khi đề án tái cơ cấu VNPT đã được thông qua?

(VTC News) – 9 năm lỗi hẹn, liệu việc cổ phần hóa MobiFone theo chỉ đạo của Chính phủ có được đẩy nhanh khi đề án tái cơ cấu VNPT đã được thông qua?






Doanh nghiệp viễn thông chậm cổ phần hóa

Việc cổ phần hóa MobiFone bây không phải bây giờ mới được đặt ra khi tiến hành tái cơ cấu VNPT, mà vấn đề này đã được đặt ra từ năm 2004 sau khi kết thúc hợp tác với đối tác Comvik (Thụy Điển).

Thế nhưng, 9 năm qua việc cổ phần hóa MobiFone vẫn bị dậm chân tại chỗ dù VNPT đã bỏ cả đống tiền thuê Credit Suisse  tiến hành định giá doanh nghiệp xong. Sở dĩ việc chậm cổ phần hóa MobiFone vì doanh nghiệp này được xem là "con gà đẻ trứng vàng" của VNPT.
Mobifone sẽ ra riêng
Mobifone sẽ ra riêng? 
Hiện MobiFone đang chiếm tới 70% lợi nhuận của VNPT (6.600 tỷ trên 8.500 tỷ) và đang là doanh nghiệp có lợi nhuận và hiệu quả tốt nhất hiện nay.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng, việc cổ phần hóa MobiFone đã bị chậm và nếu việc cổ phần hóa chậm sẽ mất đi cơ hội cho MobiFone.

"Việc cổ phần hóa là bước tiến ngoạn mục của nền kinh tế và nó cũng giống như cô gái đẹp có 3 thời kỳ; kiêu hãnh, kêu gọi và kêu trời" Bộ trưởng Lê Doãn Hợp ví von.

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp còn cho biết, kinh nghiệm tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn lớn trên thế giới cho thấy cần "bàn tay thép" của Nhà nước và có những doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa họ cảm thấy "không khí nặng nề như có đám" nhưng sau khi cổ phần hóa thì các doanh nghiệp phát triển tốt.

"Nếu ta nhanh chóng thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nhà nước chắc chắn sẽ thu hút được nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới hiện đang muốn đầu tư vào lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam. Khi đó, chúng ta sẽ thu hút, tiếp cận kỹ thuật, công nghệ, phương thức, kinh nghiệm quản lý tạo tiền đề để thúc đẩy Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông", nguyên bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập mạng MobiFone (16/04/1993 – 16/04/2013) sáng 16/04/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tạo điều kiện để MobiFone có đủ nguồn vốn đầu tư, có cơ chế tự chủ cao để MobiFone tiếp tục phát triển, đủ năng lực để vươn ra và cạnh tranh thành công trên thị trường trong nước và quốc tế.

Kịch bản nào?

Cuối tháng 5/2013, Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo VNPT phải thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn khỏi MobiFone theo lộ trình phù hợp trên cơ sở kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, việc sẽ cổ phần hóa MobiFone và để doanh nghiệp này hoạt động độc lập được xem như nằm trong kịch bản quy hoạch thị trường viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.

Theo quy hoạch này, đối với những thị trường dịch vụ quan trọng như di động phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng để tạo sự cạnh tranh và hình thành từ 3 – 4 tập đoàn viễn thông lớn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, trong đề án tái cấu trúc thì VNPT sẽ phải xây dựng phương án cổ phần hóa MobiFone và thoái vốn khỏi công ty này. VNPT sẽ phải làm đề án riêng về cổ phần hóa MobiFone và theo lộ trình phù hợp.

Theo quy định tại Nghị định 25 thì VNPT sẽ không được sở hữu chéo sang MobiFone quá 20%.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết dự kiến trong tháng 9 này sẽ chính thức triển khai tái cơ cấu VNPT.

Việc tái cơ cấu VNPT sẽ phải đảm bảo mạng viễn thông tách ra sẽ hình thành 1 doanh nghiệp viễn thông mạnh quốc gia và bộ phận còn lại cũng vẫn là một tập đoàn mạnh.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu sẽ bảo đảm hình thành và duy trì được thị trường viễn thông có từ 3 - 4 mạng viễn thông tầm cỡ quốc gia đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, MobiFone đã có kinh nghiệm 10 năm với nước ngoài, 20 năm hạch toán độc lập và đang là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nên có thể dễ dàng cổ phần hóa để trở lên mạnh hơn và mang lại lợi ích cho nhà nước cũng như ngành viễn thông.

Hiện MobiFone đang là mạng di động có năng suất bình quân lao động cao nhất trong các doanh nghiệp viễn thông hiện nay và cũng là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam.  

Như vậy, nếu kịch bản tái cơ cấu các doanh nghiệp viễn thông theo hướng cổ phần hóa MobiFone sẽ tạo ra thị trường với 3 trụ là Viettel – VNPT – MobiFone.

Đây là một mô hình khá lý tưởng bởi nó vừa đảm bảo yếu tố cạnh tranh theo quy hoạch của Chính phủ, đồng thời có thêm các thành phần kinh tế khác có thể tham gia vào lĩnh vực viễn thông nhằm tạo ra sự năng động hơn cho thị trường này chứ không chỉ là thị trường của 100% doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Bảo Bình

Bình luận
vtcnews.vn