• Zalo

Mổ xuyên đêm tại nhà bệnh nhân, cứu sống một thai phụ nguy kịch

Thời sựThứ Tư, 16/03/2016 11:18:00 +07:00Google News

Người phụ nữ lâm vào tình trạng nguy kịch do vỡ thai ngoài tử cung đã được cứu sống sau ca mổ được thực hiện ngay tại nhà.

Người phụ nữ lâm vào tình trạng nguy kịch do vỡ thai ngoài tử cung đã được cứu sống sau ca mổ được thực hiện ngay tại nhà.

Đêm 13/3, tại xã Quyết Tiến (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra một ca mổ cấp cứu hy hữu ngay tại nhà cho một bệnh nhân nguy kịch do vỡ thai ngoài tử cung.

Sau 3 giờ đồng hồ khẩn trương, căng thẳng với một ca mổ và 3 chuyến xe cấp cứu chi viện, các cán bộ, y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chiến thắng tử thần, giành lại sự sống cho sản phụ trước sự biết ơn, khâm phục vô bờ của gia đình và bà con trong xã.

Theo các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115, 20h đêm 13/3, Trung tâm nhận được điện thoại gọi cấp cứu từ cán bộ Trạm Y tế xã Quyết Tiến, yêu cầu chi viện cấp cứu bệnh nhân Lương Thị Vân, 28 tuổi đang trong tình trạng tiêu chảy, mất nước, trụy mạch. Ngay lập tức, Trung tâm điều kíp trực gồm bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa và lái xe Bùi Duy Toản khởi hành.
Bệnh nhân Lương Thị Vân đang được điều trị sau mổ tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình
Bệnh nhân Lương Thị Vân đang được điều trị sau mổ tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình 
Bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa cho biết, ngay khi đến nhà bệnh nhân, khám trực tiếp trên người bệnh nhân Lương Thị Vân thấy tình trạng bệnh nhân tụt huyết áp mạnh (60/40), mạch nhanh, nhỏ, bệnh nhân tỉnh nhưng mệt lả, da niêm mạc nhợt nhạt, đau chướng bụng.

Trước đó, bệnh nhân chậm kinh 15 ngày, đã siêu âm không có thai trong buồng tử cung, thử text thai hai vạch, bác sĩ Nghĩa chẩn đoán bệnh nhân vỡ thai do chửa ngoài tử cung, mất nhiều máu.

Xác định tình trạng bệnh nhân nguy hiểm "ngàn cân treo sợi tóc”, nếu không được mổ kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng. Song nếu vận chuyển bệnh nhân lên bệnh viện trong tình trạng hiện tại sẽ bị trụy mạch dẫn đến tử vong. Bác sĩ Nghĩa nhanh chóng ra quyết định chống chỉ định vận chuyển, xác định bệnh nhân cần được mổ cấp cứu gấp và lập tức gọi về Trung tâm Cấp cứu 115 xin chi viện kỹ thuật.

Trước tình trạng bệnh nhân trụy mạch, bác sĩ Nghĩa đã khẩn trương đặt kim luồn truyền dịch kịp thời trước khi bệnh nhân bị nặng hơn không thể lấy ven, truyền dịch và thuốc để nâng huyết áp cho bệnh nhân, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị phẫu thuật ngay tại gia đình trong khi chờ kíp cấp cứu chi viện xuống.

Ngay khi nhận điện thoại xin chi viện kỹ thuật, Trung tâm Cấp cứu 115 đã khẩn trương liên hệ với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Khoa huyết học Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình thành lập kíp mổ.

Tuy huy động trong đêm, song chỉ 10 phút sau, xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 đã lăn bánh với kíp mổ chi viện và  mang theo các trang thiết bị dụng cụ, thuốc, dịch phục vụ phẫu thuật và 500ml máu nhóm O.

Tại nhà bệnh nhân, phòng mổ bất đắc dĩ được khẩn trương chuẩn bị gồm bàn mổ là băng ca cấp cứu, huy động cọc truyền, đèn soi, máy sưởi từ Trạm Y tế xã Quyết Tiến, thau chậu từ gia đình người bệnh, dụng cụ phẫu thuật mang từ Bệnh viện Phụ sản.

Do thiếu máy hút nên các bác sĩ phải thấm máu bằng bông gạc, thiếu máy thở nên các bác sĩ phải thay nhau bóp bóng bằng tay hỗ trợ thở cho bệnh nhân.

Xác định bệnh nhân chảy máu trong mất máu quá nhiều nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ huyết học đã khẩn trương xác định nhóm máu bệnh nhân và lập tức điện về Khoa Huyết học xin chi viện thêm 1000ml máu nhóm A truyền cho bệnh nhân.

Đúng lúc này, kíp cấp cứu do lái xe Vũ Công Đô và bác sĩ Trần Thị Phương vừa kịp về đến Thành phố sau chuyến chở bệnh nhân cấp cứu đường dài lên Bệnh viện Bạch Mai, dù chưa kịp về đến Trung tâm, song ngay khi nghe lệnh chi viện liền rẽ luôn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh lấy máu để khẩn trương chi viện cho kíp mổ tại xã Quyết Tiến.

Sau hơn 3 giờ căng thẳng, khẩn trương với một ca mổ, 3 chuyến xe chi viện cấp cứu, sử dụng 5 chai dịch truyền và 1500ml máu, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mổ cấp cứu cứu sống bệnh nhân Lương Thị Vân tại nhà bệnh nhân ngay trong đêm 13/3 trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn trước sự nể phục và biết ơn của gia đình, bà con xóm làng.

Gặp bác sĩ Phương sau ca trực sáng 14/3, bác sĩ Phương tuy còn rất mệt mỏi song không dấu khỏi niềm vui phấn khởi khi kể về cuộc chiến của các bác sĩ đêm qua đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cứu người bệnh hiểm nghèo.

Bác sĩ Phương kể, khi mang máu chi viện về đến nơi, thấy người nhà bệnh nhân và bà con hàng xóm đang lo lắng, thấp thỏm. Trong nhà, các bác sĩ đang căng thẳng phẫu thuật, tuy trời lạnh song trên trán các bác sĩ đều lấm tấm mồ hôi.

Thấy bác sĩ Nghĩa phải bóp bóng bằng tay do thiếu máy thở trong thời gian dài, mồ hôi nhễ nhại, vì vậy dù đang mệt do vừa thực hiện chuyến cấp cứu chặng đường xa từ Thái Bình – Hà Nội, Hà Nội – Thái Bình lại đói vì chưa kịp ăn bữa tối, song bác sĩ Phương vẫn khẩn trương vào phụ cùng các bác sĩ thực hiện phẫu thuật... Sau 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo. Đợi bệnh nhân ổn định sau mổ, 23h30 ngày 13/3, bệnh nhân đã được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình.

Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản sáng 14/3, bác sĩ mổ chính Phí Ngọc Chung cho biết, tình trạng bệnh nhân Lương Thị Vân tốt, đang ổn định và phục hồi, da đã hồng hào trở lại, bệnh nhân có thể uống sữa.

Theo bác sĩ Đoàn Duy Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản: Chửa ngoài tử cung là hiện tượng thai nghén bất thường, thai không nằm ở tử cung, khi vỡ gây chảy máu trong ồ ạt, gây trụy mạch, nếu vận chuyển và không được mổ kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng sản phụ. Đây là ca mổ thứ 2 được thực hiện thành công kịp thời cứu sống bệnh nhân ngay tại nhà sản phụ (ca thứ nhất được thực hiện tại nhà một bệnh nhân ở huyện Vũ Thư vào cuối năm 2013). 

Bác sĩ Mạnh cũng chia sẻ: Cứu sống mỗi bệnh nhân hiểm nghèo ngay tại nhà do không thể vận chuyển lên bệnh viện là niềm vui vô bờ của các bác sĩ. Song khi phẫu thuật cấp cứu tại nhà bệnh nhân, các bác sĩ phải chịu nhiều rất nhiều áp lực, căng thẳng. Ngoài ra áp lực từ người nhà bệnh nhân cũng ảnh hưởng nhiều đến việc mổ cấp cứu của các bác sĩ…

Song trước tình huống đặt công tác cấp cứu lên hàng đầu, các bác sĩ trong kíp mổ đã phải rất nỗ lực, cố gắng mới có thể vượt khó phẫu thuật thành công, cứu được bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần.

Video: Cứu sống thai phụ bị sét đánh

Nguồn: Sức khỏe và Đời sống

Bình luận
vtcnews.vn