Cơ quan chức năng khẳng định việc xả lũ hồ Vực Mấu (Nghệ An) là ‘bất khả kháng’ và đúng quy trình, tuy nhiên 2 vạn dân địa phương ‘ngơ ngác’ khi chỉ trong phút chốc, gần 1.000 tỷ đồng đã trôi ra sông, ra biển.
Đúng quy trình
Ngày 4/10, Sở NN&PTNT Nghệ An chủ trì cuộc họp báo, đánh giá lại những thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra.
Rất đông các đại biểu, cơ quan báo đài yêu cầu ngành chức năng mổ xẻ cặn kẽ quy trình xả lũ tại hồ Vực Mấu khiến 2 vạn hộ dân cùng vô số tài sản ngập trong lũ.
PGĐ Sở NN&PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Lập: “Việc xả lũ tại hồ Vực Mấu là hoàn toàn đúng với quy trình” - Ảnh: Cao Thái |
Ồng Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy Lợi Bắc (đơn vị quản lý hồ Vực Mấu) khẳng định, việc vận hành các cửa tràn xả lũ trong khoảng thời gian nói trên là hoàn toàn đúng quy trình.
“7h sáng ngày 30/9 chúng tôi có thông báo bằng điện thoại đến các ngành chức năng địa phương về việc tiến hành xả lũ. Đến 19h tối ngày hôm đó, chúng tôi mới bắt đầu tiến hành mở cửa tràn đầu tiên.
Khoảng thời gian từ lúc thông báo đến khi xả lũ là đủ để các ngành địa phương truyền đạt cho nhân dân và triển khai xong công tác chuẩn bị” – ông Mai khẳng định.
Lãnh đạo đơn vị quản lý hồ Vực Mấu cho biết thêm, do lượng mưa trên địa bàn quá lớn và tập trung, lưu lượng nước đổ về Vực Mấu là khổng lồ nên đơn vị đã xả tiếp các cửa tràn, nếu không nguy cơ vỡ đập dẫn đến thảm họa là hiện hiển.
Kết quả tính toán giai đoạn quản lý vận hành tại hồ Vực Mấu. Ảnh C. Thái (chụp từ tài liệu do đơn vị quản lý hồ cung cấp). |
“Theo quy định của UBND tỉnh Nghệ An về quy trình vận hành điều tiết hồ nước Vực Mấu, từ ngày 1/10 hàng năm chúng tôi chỉ tiến hành xả lũ khi mực nước đạt 21m. Nếu xả cạn dưới mức đó sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới tiêu cho vụ xuân.
Thời điểm chúng tôi mở cửa tràn đầu tiên, mực nước là 20,54m (19h ngày 30/9). Sau đó dù mở thêm 3 cửa nữa nhưng đến 4h30’ sáng 1/10 nước đã vượt lên mức 21,8m, chúng tôi phải mở đến cửa tràn cuối cùng.
Việc xả lũ là bất khả kháng, nhưng được tiến hành đúng mọi quy trình đề ra” – ông Mai khẳng định.
Dân trở tay không kịp
Chiều 2/10, thời điểm nước lũ đã rút hết tại các xã vùng ven và vùng hạ du, PV tiến hành khảo sát một số bà con ở Quỳnh Trang, Mai Hùng…, phần đông người dân đều khẳng định họ quá bất ngờ với đợt lũ lịch sử này.
Thậm chí, có người còn tếu táo trong nước mắt rằng chỉ khi thức dậy đi vệ sinh họ mới biết nước lũ đã mấp mé dưới sân nhà!
Dân nhiều xã phút chốc trắng tay vì cơn đại hồng thủy bất ngờ - Ảnh: Hải Sâm |
Ngay trong buổi họp báo, PV đã đặt câu hỏi về vấn đề trên, yêu cầu làm rõ việc truyền đạt thông tin xả lũ cho người dân được thực hiện như thế nào?
Ông Lê Sỹ Chiến, PCT UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: “Sáng 30/9, thị xã họp ban chỉ đạo PCLB, yêu cầu các tiểu ban (6 tiểu ban – PV) về đóng tại các xã xung yếu. Riêng tại hồ Vực Mấu chúng tôi lập một tiểu ban riêng.
Ngay sau đó, các cấp xã, phường, thôn xóm triển khai thông báo cho bà con qua hệ thống loa phóng thanh. Việc thông tin cho người dân chúng tôi tiến hành rất chủ động”.
Trước thông tin rất nhiều bà con ở các xã vùng ven hồ Vực Mấu không hề nhận được thông báo, ông Chiến cho biết sẽ tiến hành rà soát việc triển khai phòng chống lụt bão tận cấp cơ sở để kiểm tra.
“Trong đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 10, Nghệ An thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, riêng Hoàng Mai đã đến con số 800 tỷ. Việc hàng nghìn hộ dân không kịp sơ tán tài sản, thóc lúa, vật nuôi chắc chắn là do họ không được thông tin kịp thời.
Vấn đề này ngành chức năng địa phương sẽ làm rõ. Còn việc xả lũ của đơn vị quản lý là hoàn toàn đúng quy trình, không có gì phải bàn cãi” – ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi trực tiếp, liệu hàng vạn hộ dân chịu ảnh hưởng do xã lũ sẽ được đền bù như thế nào, đại diện Sở cho biết trước mắt tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt cho bà con, sau đó tỉnh sẽ có phương án.
Bình luận