Chỉ tính riêng trong tháng 6, giá kim loại quý đã mất tới gần 200 USD, từ mốc 1.410 USD vào ngày 3/6 xuống dưới 1.250 USD vào ngày 25/6. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 2 năm qua, kể từ quý II/2010. Thậm chí, với đà giảm hơn 300 USD trong 3 tháng qua, vàng đang hướng tới quý giảm điểm tồi tệ nhất trong vòng 30 năm.
Theo các chuyên gia, giá vàng năm 2013 sẽ chỉ dao động quanh mốc 1.250 USD/ounce.
Vốn là thị trường tác động mạnh nhất lên giá vàng thế giới, các phiên giao dịch tại New York cũng chứng kiến cuộc tháo chạy của nhà đầu tư thế giới khỏi vàng. Ngược lại với những dự đoán đầu năm, khi mà giới phân tích cho rằng giá vàng sẽ cán mốc 2.000 USD do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới, vàng hiện lại là kênh rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, giá vàng năm 2013 sẽ chỉ dao động quanh mốc 1.250 USD/ounce. |
1. Số liệu kinh tế thế giới khả quan
Xét trong tháng 6, các chỉ số kinh tế quan trọng của Mỹ, Nhật và châu Âu đều biến động theo hướng tích cực và nằm trong dự báo của các chuyên gia kinh tế. Thậm chí, chỉ số bán lẻ, xây dựng, việc làm, niềm tin tiêu dùng... của Mỹ đang đạt mức tăng trưởng tốt, lên cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Số liệu kinh tế khả quan, lãi suất trái phiếu tăng khiến nhà đầu tư quyết định rút vốn khỏi vàng để đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản... Lực chốt lời mạnh khiến giá vàng tụt giảm nhanh chóng.
2. FED dự định cắt giảm gói nới lỏng định lượng QE3
Bắt đầu thực hiện vào tháng 9/2012, chính sách bơm tiền "khủng" QE3 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vốn là bệ đỡ cho lực tăng của giá vàng trong nhiều tháng qua. Thế nhưng, sau cuộc họp mới đây, tuyên bố của ông Ben Bernanke cho ngừng QE3 vào năm 2014 như một gáo nước lạnh dội vào giới đầu tư nắm giữ vàng.
Chủ tịch FED nhận định rằng tình hình kinh tế có dấu hiệu ấm dần lên, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2014 cũng được điều chỉnh tăng, mở đường cho việc giảm dần gói QE3 trong những quý cuối năm 2013. Các chuyên gia về giá vàng ngay lập tức đưa ra dự báo giá sẽ chỉ quanh quẩn tại mốc 1.250 USD trong suốt quý III, còn các ông trùm nắm giữ vàng ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường.
3. Các quỹ đầu tư xả vàng ồ ạt
Hôm qua, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mạnh tay bán ròng 16,23 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn 969,5 tấn. Kể từ đầu tuần trước, quỹ này đã có ít nhất 3 phiên bán hơn 1 tấn vàng, đẩy lượng nắm giữ vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009.
Trong khi đó, với việc thiếu tiền để đáp ứng thanh khoản cạn kiệt trong hệ thống, nhiều ngân hàng của Trung Quốc cũng được dự báo là sẽ bán ra một lượng vàng lớn trong thời gian tới. Nguồn cung tăng đột biến trong khi nhu cầu giảm mạnh đã khiến giá kim loại quý liên tục rơi sâu.
4. Các thị trường chủ lực hạn chế nhập khẩu vàng
Đầu tháng 6, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục siết danh sách những ngân hàng, tổ chức được phép nhập khẩu vàng, đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thuộc khu vực nông thôn phải dừng việc chấp nhận cho vay thế chấp bằng vàng nữ trang và tiền xu. So với đầu năm 2012, thuế nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần, hiện ở mức 8%.
Đây là một trong những nỗ lực nhằm hạn chế thâm hụt cán cân thanh toán của quốc gia này, vốn dĩ đã chịu áp lực lớn từ châu Âu và Trung Quốc. Thậm chí, chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Trang sức và Đá quý Ấn Độ còn khuyến cáo rằng Chính phủ nước này sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn nếu tình hình không được cải thiện trong thời gian tới.
Là quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, động thái này của chính phủ Ấn Độ đã khiến nhu cầu vàng thế giới giảm mạnh. Tuy sự suy giảm nhu cầu của Ấn Độ có thể được bù đắp bằng lượng cầu của Trung Quốc, nhưng trong tình cảnh nhiều ngân hàng Trung Quốc đang cạn kiệt thanh khoản và có thể sẽ bán vàng bất cứ lúc nào, lực bán tháo trên thị trường châu Á vẫn áp đảo lực mua.
Theo Infonet
Bình luận