• Zalo

Mổ xẻ nguyên nhân cháy xe: Có phải do xăng?

Kinh tếThứ Sáu, 10/02/2012 04:47:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Các chuyên gia đã mổ xẻ nguyên nhân gây cháy xe ô tô, xe máy gây xôn xao dư luận thời gian qua.

(VTC News) – Hội thảo khoa học “Trao đổi về các nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện ô tô, xe máy và các biện pháp phòng tránh” đã đề cập đến nhiều nguyên nhân trong đó đáng chú ý là vấn đề nhiên liệu hay động cơ điện cũng như bảo dưỡng, bảo trò.

5 nguyên nhân 

Tại buổi hội thảo sáng 10/2, 2 chủ nhân có xe máy bị cháy đã tới tham dự và trình bày lại sự việc xảy ra. Tiếp đó, các chuyên gia đã cùng thảo luận và đưa ra các ý kiến về những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy. Nhìn chung, có hai khía cạnh được nhắc đến là nguyên nhân do nhiên liệu và động cơ, bảo dưỡng, bảo trì.

PGS – TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực – Trưởng Bộ môn Động cơ đốt trong (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nhóm nghiên cứu của Viện đã đưa ra 5 nguyên nhân chính có thể dẫn đến cháy xe. Đáng chú ý là hệ thống phụ tùng như dây điện, tiếp điểm, rơ le, sạc ắc quy, rơ le và cuộn đề có độ bền nhiệt không đáp ứng được yêu cầu hoặc phải hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt.

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng: “Nhiên liệu chứa tạp chất là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều trong thời gian qua. Nếu hàm lượng methanol, axeton và ethanol trong nhiên liệu ở mức cao, làm ảnh hưởng đến các vật liệu bằng cao su, polime sẽ dẫn đến rò rỉ nhiên liệu, gây khả năng cháy cao hơn”.

Mặt khác, theo ông Tuấn, nguyên nhân cháy còn có quy trình bảo trì, hệ thống phụ tùng không được kiểm soát hoặc lắp rạp thếm các hệ thống còi, đèn, nguồn nhiệt ống xả quá nóng hoặc bị tắc do sức cản. Ngoài ra, đều kiện thời tiết vận hành khắc nghiệt, bụi bẩn, tắc đường… khiến lão hóa nhanh hệ thống và thiết bị phụ trợ xe. “Qua đánh giá của chúng tôi, cùng với kinh nghiệm từ Mỹ thì hệ thống điện có thể là căn nguyên chính dẫn đến cháy nổ xe”, ông Tuấn nói thêm.

Trong khi đó, ông Lê Bạch Chúc – Trung tâm an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường không đồng ý với việc cho rằng yếu tố điện gây ra cháy. Bởi, chuyên gia này lý giải, bất cứ yếu tố riêng lẻ nào cũng không thể gây cháy, mà phải có sự kết hợp đồng thời các yếu tố.

Ông Lê Bạch Chúc trình bày ý kiến tại hội thảo
(Ảnh: Thành Công)

Yếu tố tiềm ẩn gây cháy trong ô tô, xe máy cũng hút sự quan tâm của những khách mời tham dự hội thảo. Cụ thể, yếu tố tiềm ẩn có thể từ việc một chiếc xe được tạo nên từ nhiều vật liệu có thể cháy như xăng dầu, các bộ phận bằng nhựa như ống dẫn nhiên liệu, vỏ dây điện, rác (rơm, vải, long vũ…) bám, kẹt, tích tụ trong xe. Có nhiều tình huống dẫn đến tạo tia lửa trong xe như chập điện/ngắn mạch/mát điện trong hệ thống điện, dây dẫn điện…

Theo ông Chúc, điều kiện xảy ra cháy nổ trong xe máy, ô tô bao gồm gồm vật liệu có thể cháy ở trạng thái phù hợp, ngọn lửa hờ và vật liệu cháy ở trạng thái phù hợp – bề mặt kim loại có nhiệt độ rất cao (bằng, vượt quá ở nhiệt độ tự bắt cháy).

Từ những thông tin được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Lê Bạch Chúc nhận định: “Hiện tượng cháy xe trong thời gian vừa quan liên quan đến tình trạng kỹ thuật không hoàn thiện của xe như hệ thống cung cấp nhiên liệu không kín, hệ thống điện có khuyết điểm, hệ thống xả có khiếm khuyết…Hay việc sử dụng xe chưa đúng, tình trạng xe không đảm bảo an toàn trong sử dụng, ngoài việc do chủ xe chưa ý trong giữ gìn, cần xem xét đến thiết kế và chất lượng sản xuất, độ an toàn của kết cấu...”.

Đối với nhiên liệu, theo lời ông Chúc, xe sử dụng xăng có trị số ốc tan thấp, sử dụng không đúng cách các dầu đồng cơ phụ gia có tác dụng tram kim loại và các chi tiết động cơ bị mòn có thể làm tăng nguy cơ cháy xe…

Bày tỏ quan điểm đồng ý về việc không kết luận nhiên liệu là nguyên nhân chính gây ra cháy xe, PGS – TS Lê Cảnh Hòa – Trưởng ban kỹ thuật nhiên liệu – Hội tiêu chuẩn Việt Nam cho biết: “Các tham luận đã nói lên nguyên nhân cháy nổ không phải do nhiên liệu.

Sau khi xảy ra các vụ cháy, Tổng cục trưởng và Tổng cục phó có đặt ra câu hỏi, vì sao trước kia không có xăng Ethanol có cháy đâu, bây giờ mới xảy ra cháy. Tôi cho biết, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Mà qua các tham luận chúng ta cũng thấy tình trạng cháy xe không chỉ có ở Việt Nam, mà ở Mỹ hay các nước khác cũng có”.

Ông Hòa lấy ví dụ, 1 trạm xăng mỗi ngày bán cho 200 -300 xe ô tô và xe máy, nhưng cũng chỉ có các vụ cháy xảy ra đơn lẻ ở một vài nơi. “Chúng tôi xây dựng tiêu chuẩn nhiên liệu và các tiêu chuẩn chúng tôi đề ra là chuẩn xác và theo các tiêu chuẩn của thế giới”, ông Hòa khẳng định.

Đi sâu mổ xẻ cụ thể những khía cạnh chưa được chú trọng ở các tham luận khác, ông Hoàng Mạnh Hùng – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công An) nhấn mạnh đến ngoài những vật liệu như polime, caosu, trong xe còn có kẽm, đồng, nhôm…nó cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhiên liệu. Trong khi đó, ông Hùng cũng nhắc đến vấn đề hơi, bởi theo lý giải của chuyên gia này điểm chấp cháy giữa hơi chất lỏng và không khí là vô cùng quan trọng.

Ông Hùng phát biểu: “Tôi nhắc đến nguyên nhân hở doăng, hay vật liệu làm bằng nhôm. Bởi, nếu xăng có pha methanol vượt tỷ lệ 15% có thể gây rò rỉ nhiên liệu ở ống nhiên liệu, doăng, hay bộ phận làm bằng kẽm, đồng, mangan, nhôm”.

Theo thí nghiệm của ông Hùng đưa ra, methanol có tính axit yếu tác dụng với ocxitnhom tạo thành metocxit, sau đó metocxit hòa tan trong môi trường methanol tạo thành nhôm tự do. Tiếp đó, nhôm tự do tác dụng với methanol sinh ra khí Hidro. “Chúng tôi trước đây làm ở Viện Khoa học Hình sự đã khám phá nhiều vụ cháy do Hidro gây ra”, ông Hùng nói thêm.

Làm sao giảm được xe cháy, nổ?

Các chuyên gia tại hội thảo lưu ý, chủ sử dụng xe nên lưu ý đến việc bảo trì, bảo dưỡng xe, đồng thời cải thiện môi trường giao thông làm giảm bớt hiện trượng tắc đường – một trong những nguyên nhân làm tuổi thọ và an toàn của phương tiện.

Ngoài ra, cần quản lý và quy chuẩn hóa các trạm bảo trì, bảo dưỡng phương tiện định kỳ. Thông thường từ 6 tháng đến 1 năm cần phải mang phương tiện đến các trạm bảo trì, bảo dưỡng uy tín 1 lần, và phát hiện kịp thời hiện tượng quá nhiệt hay rò rỉ nhiên liệu.

Quản lý tốt chất lượng phụ tùng xe nhất là đối với hệ thống điện. Do đặc thù về môi trường nóng ẩm và hiện tượng tắc đường xảy ra thường xuyên nên khoang động cơ thường hay bị quá nhiệt. Các hệ thống dây điện, rơle, tiếp điểm, bộ phận sạc cần có đủ độ bền nhiệt và khả năng làm việc an toàn, hệ thống lưu thông khí cần lường trước được vấn đề quá nhiệt.

Đặc biệt, quản lý tốt chất lượng xăng dầu theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam. Không cho phép các thành phần hay phụ gia không được quy định hay chưa được đăng ký hợp chuẩn, hợp quy trong các mẫu xăng dầu….

TS Bùi Thị An (Ủy viên Ủy ban  - Khoa học – Môi trường Quốc hội) cho rằng, cần quy định chủ xăng dầu đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu xăng không đảm bảo chất lượng đồng thời nâng chế tài mạnh hơn.

Bài, ảnh: Thành Công

Bình luận
vtcnews.vn