(VTC News) – Vẫn có những “con” người đang tâm đánh đập dã man trẻ em, hành hạ vợ mang thai, ra tay giết người thân một cách tàn độc, bạo hành trong gia đình… Phải chăng họ đang sở hữu một tính cách đặc thù, manh động? Cơ chế nào trong cơ thể khiến có những người dám ra tay với đồng loại một cách tàn bạo như vậy? VTC News đã có cuộc trao đổi với BS, nhà tâm lý học để họ "mổ xẻ" hiện tượng trên.
BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng điều trị Tâm thần và Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai: Tại sao có người kiềm chế được sự tức giận, có người không? Đó là do cơ chế kiềm chế của con người được quyết định bởi hai hormon: Serotorine và Dopamine. Serotomine sản xuất ra các axit amin để tạo ra hưng phấn, giúp con người hoạt động nhiều, không đau và mệt mỏi.
Còn Dopamine sản xuất là những chất ức chế để cân bằng, giúp con người không quá hưng phấn.BS Nguyễn Văn Dũng đang thăm khám bệnh nhân. Ảnh HL
Khi Serotorine bị rối loạn thì người đó bị trầm uất, mệt mỏi, đau, tư duy ức chế. Ngược lại, nếu rối loạn Dopamine thì Serotorine sẽ hoạt động tăng lên, gây ra sự hoang tưởng, kích động, sinh ra hoạt động nhiều…
Nhưng cũng có nhiều trường hợp đánh người, là do sau một thời gian tích lũy sự ức chế về một việc gì đó quá lâu, bùng nổ dẫn tới đánh hoặc giết người khác, kể cả đó là bà nội, bố đẻ,… Nhưng đây là do ức chế tâm lý, không phải do rối loạn hai loại hormon trên.
Tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp ức chế lâu này dẫn tới bùng nổ về hành vi, tấn công người khác. Đó là một bà mẹ có 2 người con. Con đầu là con gái, của người chồng trước. Người mẹ rất chiều chuộng, mọi thứ đều chăm lo cho con. Sau đó chồng mất, bà đi lấy chồng hai, đẻ thêm một đứa con trai. Lúc đó mẹ dồn hết mọi công sức chăm cho đứa em, còn người con gái thì bị một suy nghĩ là người em đã cướp đi sự yêu thương của người mẹ dành cho mình. Nó nung nấu ý chí trả thù. Đứa con gái bỏ học, không cởi mở, mẹ lại càng mắng khiến nó lại càng suy nghĩ là do ông bố dượng xui mẹ. Đến lúc đỉnh điểm, khi đó người con gái đã 17 tuổi, nó chờ mẹ đi chợ rồi chém chết bố dượng đang ngủ; giết tiếp người em và chờ mẹ về, đánh mẹ đến ngất và sau đó bỏ nhà ra đi, đến bây giờ chưa biết chết hay sống. Người mẹ sau đó bị bệnh tâm thần vì cú sốc quá lớn, vào điều trị tại viện tôi.
Ngoài ra, có nhiều người bị ảo thị do rượu, ma túy. Việc uống rượu thường xuyên sẽ gây ra bệnh lý hoang tưởng. Hoang tưởng có thể là hoang tưởng bị hại, luôn nghĩ có kẻ làm hại mình. Vì thế họ luôn ở tư thế tấn công người xung quanh để tự phòng vệ cho mình.
Bà Lê Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Người bạn tri kỷ: Xét về yếu tố tâm lý, có thể có 3 nguyên nhân khiến có người dám hành hạ đồng loại mà người khác không dám làm. Đó là họ có thể bị bệnh, họ không bình thường. Bà Lê Thu Hiền: "Người ta chỉ có thể đánh người, hành hạ con người như thế khi họ quan niệm coi người khác như con vật. Đó là do văn hóa thấp và hiểu biết pháp luật kém".
Thứ hai là trình độ văn hóa của họ dứt khoát thấp nên không hiểu biết về pháp luật. Như trong sự việc bé 14 tuổi bị đánh ở Cà Mau, người ta chỉ có thể đánh người, hành hạ con người như thế khi họ quan niệm coi người khác như con vật. Đó là do văn hóa thấp và hiểu biết pháp luật kém. Hay điều dễ nhận thấy là có nhiều người chồng bạo hành vợ nhiều năm, họ chủ yếu là người ít học.
Thứ 3 là nhân quyền chưa được người dân hiểu hết. Ở nước ngoài, bố mẹ bị phạt vì đánh con là chuyện thường. Còn ở nước ta, vợ bị đánh gần chết, công an đến, phải chờ xét nghiệm tỉ lệ thương tật rồi mới xử phạt. Tôi còn thấy báo chí viết về ông bố vào tận lớp của con, đánh con ngay tại lớp, làm nhục con. Người ngoài nhìn thấy cũng lơ đi, chỉ khi đến quá nặng mới báo công an, còn lại xem đó là việc riêng của gia đình người khác. Đây rõ ràng là quyền con người chưa được người dân hiểu và thực hiện đúng, từ trẻ em đến người lớn.
HL (Thực hiện)
Bình luận