• Zalo

Mỏ vàng của thể thao Việt Nam qua các kỳ SEA Games

Tổng hợpChủ Nhật, 01/12/2013 01:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Kể từ khi kỳ SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà, Đoàn thể thao Việt Nam chưa khi nào bật ra khỏi top 3 trên bảng tổng sắp huy chương

(VTC News) - Kể từ khi kỳ SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà, Đoàn thể thao Việt Nam chưa khi nào bật ra khỏi top 3 trên bảng tổng sắp huy chương.

SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003 ghi dấu bước nhảy vọt của thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao số 1 của khu vực. Với 158 HCV, Việt Nam xuất sắc lần đầu tiên đứng ở vị trí số 1 trên bảng tổng sắp chung cuộc.

Kể từ đó, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng chưa khi nào thể thao Việt Nam bật ra khỏi 1 trong 3 vị trí dẫn đầu của bảng xếp hạng huy chương. 
Điền kinh luôn là mỏ vàng của thể thao Việt Nam 

SEA Games 23 tổ chức tại Philippines, thể thao Việt Nam giành được 71 HCV, xếp thứ 3 trên bảng tổng sắp, sau đoàn chủ nhà và đoàn Thái Lan. Tới kỳ SEA Games tiếp theo, SEA Games 24 tổ chức tại Thái Lan, Việt Nam vẫn giữ được vị trí thứ 3 với 64 HCV, sau Thái Lan và Malaysia.
SEA Games 25 tổ chức tại Lào, Việt Nam xuất sắc vươn lên vị trí thứ 2 với 83 HCV, ít hơn đoàn dẫn đầu Thái Lan chỉ 3 HCV. Và ở kỳ SEA Games 26 gần đây nhất tổ chức tại Indonesia, Việt Nam đã củng cố vị trí thứ 3 toàn đoàn với 96 HCV, xếp sau Indonesia và Thái Lan.
Có được thành tích xuất sắc như vậy, không thể không kể đến thành tích tuyệt vời của những VĐV ở các "mỏ vàng" như vật, điền kinh hay pencak silat.
Vật luôn là một môn thế mạnh của thể thao Việt Nam ở các kỳ SEA Games. Ở 4 kỳ Đại hội gần nhất, những đô vật của chúng ta luôn mang về 6, 7, thậm chí là 8 HCV, và luôn chiếm khoảng 10% tổng số HCV mà toàn đoàn giành được.
Tiếp sau vật phải kể tới điền kinh. Với những tên tuổi đã thành danh ở cả bình diện Asiad như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, điền kinh Việt Nam cũng không hề thua kém vật ở mức độ đóng góp cho thể thao nước nhà, với trung bình 8-9 HCV ở mỗi kỳ SEA Games.
Ở kỳ SEA Games 27 sắp tới, điền kinh cũng là đoàn có số lượng VĐV tham gia thi đấu đông đảo nhất (43 người), và cũng là đoàn đăng ký mức chỉ tiêu cao nhất 10-12 HCV.
Vật hy vọng sẽ tiếp tục tạo mưa vàng ở SEA Games 

Bỏ qua kỳ SEA Games 25 không được như ý tại Philippines, pencak silat vẫn luôn giữ vững thành tích đoạt trung bình 6 HCV ở mỗi kỳ Đại hội. Bất chấp nước chủ nhà Myanmar của kỳ SEA Games lần này đã bỏ một số nội dung, nhưng người hâm mộ vẫn có thể hy vọng đây sẽ tiếp tục là mỏ vàng của thể thao Việt Nam.
Cũng không thể không nhắc đến sự xuất thần của bắn súng tại SEA Games 25 và thể dục dụng cụ tại SEA Games 26. Trong mỗi kỳ Đại hội này, mỗi đoàn đều giành được tới 11 HCV, kỷ lục trong những lần dự SEA Games của Đoàn thể thao Việt Nam kể từ khi trở lại sân chơi khu vực. 
Đáng buồn là tại kỳ SEA Games tới đây, các VĐV thể dục dụng cụ sẽ không có cơ hội mang vàng về cho Tổ quốc khi bộ môn này không có tên trong danh sách thi đấu.
Một sự đáng tiếc nữa của thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games lần này là wushu. Đây vốn là một mỏ vàng của chúng ta trong các kỳ SEA Games trước (SEA Games 23 và 25 từng giành được tới 7 HCV), nhưng ở kỳ SEA Games này, khá nhiều nội dung thế mạnh của nước ta tại nội dung đối kháng tán thủ, và 2 nội dung biểu diễn là kiếm thuật và thương thuật bị cắt bỏ. 
Vì vậy, wushu ở Đại hội lần này chỉ "dám" hy vọng giành được 4 HCV, con số khá khiêm tốn so với các kỳ Đại hội trước.
Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn