Việc hồi sinh mỏ sắt Thạch Khê - được cho là lớn nhất Đông Nam Á và là mỏ khai thác lộ thiên lớn nhất từ trước đến nay - vẫn chưa được quyết. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 4 bộ và tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam ngồi lại với nhau.
Họp “nóng” bàn về sắt Thạch Khê
Mới đây, Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chủ trì cuộc họp kín với các bộ ngành, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh để bàn về “số phận” của mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh).
Cuộc họp được tổ chức là do mới đây, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá dự án.
Câu chuyện của sắt Thạch Khê bắt đầu được “hâm nóng” trở lại khi cuối năm 2016, sau 7 năm bất động, TKV đã trình Thủ tướng việc tiếp tục triển khai mỏ sắt Thạch Khê - được cho là “lớn nhất Đông Nam Á”.
Thế nhưng, việc hồi sinh mỏ sắt Thạch Khê đang có nhiều ý kiến khác nhau. Bộ Công Thương sốt sắng khởi động lại dự án, nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh lại tỏ rõ sự băn khoăn.
Khi chủ trương khởi động lại dự án được TKV đề xuất, ngay lập tức UBND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ sự lo ngại khả năng thu xếp vốn cho dự án và cho rằng, chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu và vấn đề này cần làm rõ thêm. Ngoài ra, tỉnh cũng lo ngại xảy ra tình trạng dư thừa quặng sắt khi nhu cầu trong nước hạn chế. Đặc biệt, sau “bài học Formosa”, Hà Tĩnh lo ngại những tác động đến môi trường sống khi triển khai đại dự án này.
Nguồn tin của PV cho biết, mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình lại những vấn đề Hà Tĩnh còn băn khoăn.
Bộ Công Thương thừa nhận rằng Công ty CP Sắt Thạch Khê không còn tiền đầu tư, trong khi nhu cầu kinh phí trong năm 2016 và các năm tiếp theo rất lớn. Chẳng hạn ngoài chi phí đầu tư, sản xuất còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 114 tỷ đồng/năm. Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng cần bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng. Trong khi TIC chỉ có nguồn tài chính duy nhất thu được từ khai thác mỏ sắt, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là khó khăn, tính khả thi không cao.
Vì vậy, một lối ra được Bộ Công Thương tính đến là “tái cơ cấu lại cổ đông, huy động thêm vốn để thực hiện dự án”.
“Đối với các cổ đông có năng lực hạn chế, đã vi phạm thời hạn góp vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện việc chuyển nhượng cho các cổ đông hiện hữu hoặc các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực khác”, Bộ Công Thương báo cáo.
Liên quan đến nỗi lo thừa quặng của Hà Tĩnh, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê cho rằng: Hiện có một số doanh nghiệp trong nước đăng ký với TIC để tiêu thụ quặng sắt từ mỏ Thạch Khê (công ty CP thép Hòa Phát, công ty CP thương mại Thái Hưng với tổng nhu cầu 5.700 ngàn tấn, đủ khả năng tiêu thụ sản phẩm của giai đoạn 1 công suất 5.000 tấn/năm).
Cả Bộ Công Thương lẫn Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đều khẳng định dự án có hiệu quả hơn thời điểm phê duyệt dự án gần 10 năm về trước và cho rằng “việc tiếp tục tái khởi động lại dự án là có cơ sở”.
Đổ thải lấn biển để không gây... ô nhiễm
Cách đây 1 năm, Bộ Công Thương đã có thông báo kết quả thẩm định Thiết kế kỹ thuật dự án mỏ sắt Thạch Khê. Tại thông báo này, Bộ Công Thương thừa nhận rằng, đây là dự án khai thác mỏ lộ thiên có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, khai thác ở độ sâu lớn, có bán kính vùng ảnh hưởng rộng nên các tác động môi trường là điều khó tránh khỏi.
Đây cũng chính là điều UBND tỉnh Hà Tĩnh quan ngại trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2016.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, dự án chiếm dụng đến 4.821 ha đất, ảnh hưởng tới nguồn sống của hơn 5.000 hộ dân với hơn 20.000 dân của 6 xã Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc; mất đi một lượng nước ngọt rất lớn trong quá trình khai thác, gây ảnh hưởng tới tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của người dân xung quanh, bị xâm thực nước biển gây nhiễm mặn và sa mạc hóa; suy giảm mực nước ngầm,...
Công ty CP Sắt Thạch Khê cho rằng các biện pháp bảo vệ môi trường trong các giai đoạn của dự án đã được đề xuất và “phù hợp và hợp lý để bảo vệ môi trường”.
Chẳng hạn, để chống cát bay, cát chảy, Công ty Sắt Thạch Khê và Bộ Công Thương đưa ra giải pháp là đổ thải lấn biển thay vì đổ thải trên đất liền.
Theo đó, dự án bổ sung phương án đổ thải lấn biển (khoảng 171 triệu m3) với diện tích 923 ha, độ cao 25m, chuyển toàn bộ cát trong tầng đất phủ ra bãi thải lấn biển.
Bộ Công Thương cũng tỏ ra đồng tình với giải pháp trên và liệt kê hàng loạt lợi ích của việc đổ thải lấn biển, như giảm dung tích và cốt cao đổ thải trong đất liền để đảm bảo các yếu tố an toàn, vệ sinh môi trường (chống cát bay); giảm nguy cơ rủi ro trong quá trình khai thác mỏ; tạo khu đất để xây dựng cảng phục vụ công tác vận chuyển tiêu thụ quặng sắt,... Ngoài ra, ngư dân có thể sử dụng các tàu lớn để đánh bắt thủy sản nhờ bến bãi để cập tàu và tránh bão tại khu vực cảng.
Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay cuộc họp do Bộ này chủ trì sẽ tạo thêm cơ sở để quyết định số phận mỏ sắt Thạch Khê.
Video: Bộ trưởng Công thương quy trách nhiệm của 5 dự án thua lỗ lớn
Bình luận