• Zalo

Mở rộng quy mô TP Huế gấp 5 lần: Chủ tịch tỉnh nói gì trước Quốc hội?

Thời sựThứ Năm, 31/10/2019 17:25:00 +07:00Google News

Trước Quốc hội, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hi vọng nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương trong việc mở rộng quy mô TP Huế.

Ngày 31/10, tại kỳ họp thứ thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận tại hội trường, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia phát biểu về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ và có một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc mở rộng quy mô TP Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, song song với nỗ lực đầu tư chỉnh trang đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Thừa Thiên - Huế đang tập trung xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính TP Huế và các vùng phụ cận.

20191030quochoi

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội trường kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, quá trình phát triển, TP Huế với vai trò là đô thị trung tâm, đô thị di sản, thành phố môi trường, thành phố xanh nhưng với quy mô diện tích 70 km2 (Chỉ bằng 42% diện tích theo chuẩn thành phố thuộc tỉnh), dân số 345.000 người, mật độ dân cư trên 5.000 người/km2 (so với chuẩn 2.000 – 3.000 người/km2), mật độ xây dựng đã đạt 80% diện tích xây dựng.

“Thành phố Huế đang đứng trước áp lực gia tăng dân số, hạ tầng xã hội quá tải, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo kết nối, đồng bộ; vùng ven thành phố Huế đã đô thị hóa từ lâu, nhưng lại quản lý bằng bộ máy chính quyền nông thôn. Quy mô thành phố Huế đã quá chật chội cho nhiệm vụ bảo tồn di tích và quá nhỏ so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ trước Quốc hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế là nhu cầu khách quan, là điều kiện để Huế phát triển với vai trò là đô thị trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những đô thị lớn của quốc gia.

Đó cũng là cơ hội để người dân hưởng thụ những điều kiện sống và làm việc tốt nhất, và quan trọng là thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy di sản Cố đô Huế, là cơ sở và điều kiện để xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới thành phố Huế sẽ ảnh hưởng đến một số tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính đối với một số địa phương cấp huyện lân cận.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ: “Cử tri Thừa Thiên - Huế mong muốn được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thành và thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố Huế cũng như ổn định mô hình các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay của địa phương”.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Phan Ngọc Thọ cho biết, cử tri Thừa Thiên - Huế bày tỏ sự phấn khởi và cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm động viên và hỗ trợ kinh phí bước đầu để triển khai di dời dân cư đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành Huế.

Xác định đây là cuộc di dân lịch sử, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung mọi nỗ lực với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và đồng bộ đối với công tác bồi thường, di dời, tái định cư. Dự kiến trong năm nay sẽ di dời khoảng 450 hộ đang sinh sống tại Thượng Thành.

“Công việc di dời với quy mô lớn về dân cư, phạm vi cũng như kinh phí sẽ tập trung vào năm 2020, vì vậy cử tri, chính quyền Thừa Thiên - Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện để hoàn tất giai đoạn một vào cuối năm 2020”- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thông qua đề án "Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" để trình Hội nghị Tỉnh ủy trong thời gian tới.

Theo đề án này, Huế hiện là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển, mật độ dân số cao (5.029 người/km2, trong khi quy định là 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.

Theo đề án mới, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP Huế hiện hữu (70,67 km²) và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, một phần huyện Phú Vang với diện tích khoảng 348,54 km² (rộng gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu).

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn