Đôi bạn Trần Công Triều (lớp 12 chuyên hóa) và Phạm Lê Quang Khải (lớp 12 chuyên Anh) có chung niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Triều chia sẻ, do nhiều lần tham gia từ thiện, tiếp xúc với nhiều trường hợp khuyết tật về tay (cầm nắm khó khăn) đã khiến em suy nghĩ "phải làm cái gì đó" để giúp đỡ họ.
Đầu năm học 2017 - 2018, khi cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh khởi động, Triều "rủ rê" Khải và cả hai lập ý tưởng chế tạo cánh tay robot điều khiển bằng sóng não. Sản phẩm sau đó đã đoạt giải nhất.
Nhưng chuyện không chỉ "đơn giản" như vậy. Đó là cả một quá trình sáng tạo và làm việc cật lực, nhất là khâu tìm kiếm nguyên vật liệu vì ở Quảng Nam không có, buộc phải đặt hàng từ TP.HCM. Hai cậu học trò cần hơn 3 tháng kể từ khi lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành sản phẩm, để mô hình “Cánh tay robot điều khiển bằng sóng não” hoàn thiện.
Triều nhớ lại, lúc đầu cả hai định dừng ở việc chế tạo cánh tay robot điều khiển hoạt động bằng các chi. Nhưng khi nghiên cứu kỹ về sinh hoạt, điều kiện cần của người khuyết tật thì các bạn nhận thấy thế là chưa đủ.
“Nếu người khuyết tật bị liệt hết tất cả các chi thì họ không thể điều khiển. Từ suy nghĩ này, chúng em mày mò thêm để chế tạo ra cánh tay robot điều khiển bằng sóng não. Cánh tay này có thể cầm, nắm một vật có khối lượng lớn nhất lên tới 8 kg, với kinh phí gần 5 triệu đồng”, Triều nói.
Thầy giáo Lê Thành Vinh, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, cho biết Triều và Khải là hai học sinh ngoan, học giỏi của trường. Với niềm đam mê khoa học của mình, hai em đã sáng tạo ra những sản phẩm rất có ích cho xã hội.
“Nhà trường sẽ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để hai em thỏa sức sáng tạo và tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp cánh tay robot điều khiển bằng sóng não, giúp sản phẩm có thể dễ dàng xử lý các tình huống ngoài thực tế, thay thế được cánh tay của những người khuyết tật”, thầy Vinh nói thêm.
Nguyên lý hoạt động của cánh tay robot điều khiển bằng sóng não cũng khá đơn giản, theo Phạm Lê Quang Khải chỉ cần đeo bộ cảm biến Neurosky lên đầu thì có thể điều khiển trực tiếp cánh tay robot.
Cảm biến trong Neurosky sẽ thu nhận các xung điện phát ra từ nơ ron thần kinh của con người và gửi dữ liệu về cho vi điều khiển bằng bluetooth. Sau khi nhận dữ liệu qua bluetooth, vi điều khiển sẽ phân tích, xử lý dữ liệu điều khiển các động cơ và làm cơ cấu hoạt động.
Bình luận