Theo những mảnh giấy ghi chép vội, số hóa thạch này được tìm thấy từ những năm 1920 và không biết vì lý do gì đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ, tờ Phys.org đưa tin.
Nhà cổ sinh vật học Clive Coy từ Khoa Khoa học của Đại học Alberta (Canada)- cho biết họ hết sức bất ngờ khi các hóa thạch được "khai quật một lần nữa". Số báu vật khảo cổ bao gồm 20 mảnh hóa thạch, được khai quật trong cuộc thám hiểm năm 1920 - 1921 do nhà cổ sinh vật học đầu tiên của Đại học Alberta là tiến sĩ George Strernberg dẫn đầu.
Đáng chú ý nhất trong số các mẫu vật là 3 hộp sọ rùa cổ đại thuộc về một loài cực kỳ quý hiếm, được khai quật tại mỏ đá ở khu vực thượng nguồn sông Judith ở miền Nam Alberta và Montana.
Cách đây 100 năm, các nhà khoa học mới chỉ nghi ngờ rằng nơi đó chứa một lượng hóa thạch lớn. Đến nay, lớp trầm tích trên cùng đã được xác định là cả một kho tàng trầm tích kỷ Phấn Trắng. Vào thời điểm đó, khu vực nói trên vẫn còn bị ngập trong đại dương nông, do đó lưu giữ được nhiều sinh vật biển và động vật lưỡng cư hiếm thấy.
Các mẫu vật có niên đại hơn 70 triệu tuổi, vẫn đang được các nhà khoa học phân tích.
Bình luận