Trong dự kiến chương trình công tác hằng năm của Ủy ban Pháp luật, chúng tôi đều lên kế hoạch cho hoạt động giám sát, tuy nhiên cũng có những hoạt động phát sinh theo yêu cầu công việc. Phiên giải trình về thông tư 16 là một trong số đó. Thời gian qua chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều phản ảnh qua đơn thư của người dân về vấn đề này, kết hợp với tìm hiểu nhiều kênh thông tin chính thống khác, chúng tôi đã quyết định tổ chức phiên giải trình và mời đại diện người dân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia.
- Việc mở rộng thành phần tham gia một phiên điều trần như vậy có trở nên thường xuyên hơn?
Các nước gọi là điều trần, ở ta gọi là phiên giải trình. Các chuyên gia nghiên cứu nhận xét tuy cách gọi khác nhau nhưng tính chất thì “hao hao”, nghĩa là không giống nhau hoàn toàn nhưng cũng có những nét tương tự.
Ông Nguyễn Sĩ Cương
Các nước khi tiến hành điều trần cùng với việc mời quan chức thì sự có mặt của giới chuyên gia, các tổ chức xã hội, đại diện người dân, đại diện doanh nghiệp... là chuyện bình thường.Nghị quyết về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 nêu rõ: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại hội đồng, ủy ban”.
Hành lang pháp luật hiện nay, trong đó có Luật tổ chức Quốc hội và quy chế hoạt động của hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cho phép các cơ quan này mời lãnh đạo các bộ ngành hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, đến trình bày những vấn đề mình đang xem xét, thẩm tra. Rõ ràng về mặt thành phần không giới hạn phải là đại diện các bộ ngành, mà các tổ chức, cá nhân liên quan cũng có thể tham gia. Ví dụ vừa qua Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về nội dung “vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ”. Đây đâu chỉ là câu chuyện quản lý nhà nước của các bộ ngành và địa phương, đại diện của các hiệp hội và người dân cũng có thể tham gia. Tuy nhiên lúc bấy giờ chúng tôi chưa có điều kiện để mời quá rộng.
Nghĩa là người dân có thể tham gia nếu được mời, nhưng vì sao lâu nay chưa thực hiện?
Có thể là chúng ta chưa quen, ngay với phiên giải trình ở các ủy ban cũng chỉ mới thực hiện trong những năm gần đây. Theo các nghiên cứu về hoạt động điều trần trên thế giới, đây là một trong những cơ chế để ủy ban thu thập thông tin, qua đó tăng cường chất lượng của quá trình ra quyết định chính sách. Nôm na là ủy ban nghe thông tin của các bên liên quan về vấn đề mà ủy ban quan tâm. Đó không chỉ là những thông tin chỉ ra các điểm bất cập của một chính sách nào đó, mà có thể là thông tin cho thấy điểm mạnh của chính sách cần được ủng hộ.
Chính vì vậy, tính chất “mở” của một phiên điều trần hay giải trình với nhiều bên tham gia có ý nghĩa quan trọng trong việc cọ xát quan điểm, cung cấp thông tin để có cái nhìn toàn diện hơn về một chính sách cụ thể. Chính sách càng liên quan sát sườn đến quyền lợi hợp pháp của một nhóm công dân nào đó, càng nên mời họ tham gia.
- Theo ông, cần những điều kiện nào để cải tiến hoạt động giải trình hiện nay theo hướng mở và thiết thực, góp phần giải quyết được những vấn đề nóng trong cuộc sống?
Chúng ta nên nghiên cứu tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, của hội đồng dân tộc và các ủy ban đã tiến hành lâu nay, trong đó có hoạt động chất vấn, giải trình tại ủy ban. Đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, qua đó xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể cho hoạt động giải trình (hay điều trần tùy theo cách gọi) phù hợp với thực tiễn VN. Điều quan trọng là phải có quy trình thủ tục rõ ràng, ví dụ về thành phần tham gia, nếu mời đại diện người dân thì như thế nào. Trước mắt, theo quy định pháp luật hiện hành, các hoạt động giải trình nói chung nên mời người dân có liên quan và báo chí tham dự.
Bình luận