• Zalo

Minh Triệu: 'Người mẫu Việt chèn ép nhau như cơm bữa'

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 23/01/2014 03:22:00 +07:00Google News

Giải đồng Siêu mẫu 2008 nhận định, làng mốt Việt thiếu chuyên nghiệp vì các người mẫu thường chăm chắm giành giật vị trí trên catwalk hơn là nỗ lực hoàn thành công việc được giao.

- Năm 2013, ngoài việc xuất hiện tại nhiều show thời trang lớn nhỏ, chị còn 'lột xác' với hình ảnh nữ tính, trái ngược vẻ bốc lửa trước đây. Vì sao lại có sự thay đổi như vậy?
 
Tôi thấy hạnh phúc vì các nhà sản xuất nhỏ luôn dành cho mình vị trí xứng đáng trong các show diễn dù quanh họ đầy ắp người mẫu trẻ. Số lượng người mẫu trẻ tăng nhanh là tín hiệu vui cho ngành thời trang Việt nhưng nó cũng tạo nên không ít thử thách với người đi trước.
Tôi phải cố gắng tạo sự khác biệt bằng cách trở nên chuyên nghiệp hơn, trau dồi chuyên môn hơn. Thay đổi vẻ ngoài cũng là cách để tôi tạo bản sắc riêng. Nó không những giúp hình ảnh của tôi trở nên đa dạng mà còn giúp tôi tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn.

 

- Gần đây, làng mốt Việt xôn xao trước việc người mẫu chèn ép nhau hay các show thời trang lạm dụng chiêu trò. Là người mẫu chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong nghề, chị có thể chia sẻ cách nhìn của mình về chuyện này?

Nếu một người mẫu chuyên nghiệp nói 'chưa từng bị đồng nghiệp gây khó dễ' thì đó là lời nói dối. Chuyện chèn ép nhau trên catwalk thực tế xảy ra như cơm bữa.
Nhưng cách xử lý của mỗi người có thể làm những tranh chấp lớn hơn hay nhỏ đi. Về mặt cá nhân, tôi nghĩ mình là người biết điều. Bản thân tôi biết vị trí của mình và không đòi hỏi quá đáng.
Một người mẫu đích thực phải quan tâm nhất đến chuyện làm tròn bổn phận và tỏa sáng ở mọi vị trí. Nếu thấy mình phù hợp với vị trí vedette hay 'first face' (người mở màn) thì nhà thiết kế sẽ giao chứ không phải đấu đá, giành giật với ai cả.

Về các chiêu trò, tôi thấy chúng tốt hay xấu phụ thuộc vào tính chất bộ sưu tập và nội dung chương trình. Thời gian qua công chúng lên án việc sử dụng chiêu trò trên sân khấu là bởi chất thời trang trong một show diễn vẫn chưa đủ để đọng lại trong khán giả.

- Khi bị đồng nghiệp làm khó, chị xử lý ra sao?

Lúc ấy, tôi chỉ nhẹ nhàng thông báo tình hình với nhà tổ chức chứ không làm to chuyện. Bản thân nhà tổ chức sau đó cũng tìm gặp và xin lỗi nên tôi không nhắc lại hay chì chiết gì cả.
Tôi nghĩ những người giành giật vị trí cũng chỉ làm được việc đó một, hai lần thôi vì người mẫu là công việc dài hơi chứ không vỏn vẹn vài khoảnh khắc vedette hay 'first face' trên sàn diễn.

Việc tranh giành vị trí cũng cho thấy điểm yếu lớn nhất của giới mẫu Việt so với quốc tế là sự thiếu chuyên nghiệp.
Hai năm gần đây, thời trang Việt Nam phát triển rất nhanh. Thế hệ người mẫu trẻ bây giờ đã diễn hết mình hơn và không bị ảnh hưởng bởi vị trí trong show diễn.
Tuy vậy, sự chuyên nghiệp của làng mốt không thể thay đổi chỉ nhờ người mẫu được mà còn phụ thuộc vào những người khác trong ngành công nghiệp, từ đạo diễn đến nhà sản xuất.

- Căn cứ nào khiến chị khẳng định rằng người mẫu Việt thiếu sự chuyên nghiệp so với quốc tế?

Năm 2012 tôi tham gia hai show diễn ở New York. Chính mắt tôi đã chứng kiến một người mẫu mới 13 tuổi mà sành sỏi chuyên môn không kém những người lớn tuổi. Tôi đoán cô bé đã phải dành ít nhất hai năm trong nghề mới được như vây.
Bên cạnh đó, các người mẫu đến show diễn rất đông nhưng họ rất tự giác, quy củ và không bao giờ khiến cả êkíp phải đi tìm khắp nơi như ở Việt Nam. Trong một show diễn, ban đầu tôi chỉ được giao vị trí bình thường. Đến khi tổng duyệt, nhà thiết kế và đạo diễn lại chỉ định tôi làm 'first face' thì mọi người xung quanh rất vui vẻ.
Lúc đó, tôi chợt nghĩ nếu ở Việt Nam liệu những người mẫu khác có bằng lòng với sự thay đổi đó không. Sau chuyến đi, bản thân tôi thấy mình được khai sáng về tư duy nghề nghiệp lẫn quan niệm về cuộc sống.

 

- Việc tham gia của chị vào các show diễn trong và ngoài nước tuân theo sự điều phối của công ty quản lý hay tự mình chịu trách nhiệm?

Lúc trước tôi cũng từng có công ty quản lý trong hai năm nên được đảm bảo số lượng show đều đặn và không phải tự điều phối lương lậu với khách hàng. Đến khi chuyển sang hoạt động tự do, mọi thứ trở nên kém ổn định hơn.
Tuy vậy, bù lại, tôi có thể chủ động trong công việc và tự mình quyết định phương hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Cát-xê của tôi cũng tăng lên nhiều vì không còn bị hạn chế bởi các khoản phí khác từ công ty quản lý. Nhờ đó, cuộc sống của tôi được cải thiện nhiều hơn về mọi mặt.

- Hồi mới vào nghề, chị kiếm được bao nhiêu tiền cho một show diễn ?

Mỗi chương trình tôi kiếm được 500.000 đồng. Tuy vậy, khi ấy, tôi vẫn là sinh viên nên từng đồng tiền kiếm được đều rất quý giá và ý nghĩa.

- Bên cạnh tình yêu, trách nhiệm với công việc cũng như bản thân, một người mẫu muốn thành công phải sở hữu thân hình chuẩn. Nhiều chân dài chọn cách tiêu cực để giảm cân, chị thì sao?

Ngoài việc tập gym hoặc đi bơi kết hợp yoga, bản thân tôi kiểm soát cân nặng bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Tôi ăn nhiều nhất vào buổi sáng, giảm dần vào các bữa dặm buổi chiều và tối.
Chỉ khi ép cân, tôi mới phải ăn uống nghiêm ngặt hơn, nhiều khi thèm lắm nhưng không dám cho vào miệng. Những hôm phải thức khuya dậy sớm làm việc, cân nặng của tôi cũng tự nhiên sút.
Vào các ngày quá bận rộn, tôi chỉ uống duy nhất một tách cà phê hoặc nước ép vào buổi sáng và bắt đầu ăn bữa đầu tiên trong ngày lúc 22h. Biết điều đó không tốt cho sức khỏe nhưng tôi vẫn phải làm.
Hiện tại, tôi nặng khoảng 50 kg, nhẹ hơn 2 kg so với năm ngoái. Số đo ba vòng giờ là 85 - 50 - 92.

Về phẫu thuật thẩm mỹ, nó không chỉ quan trọng với người mẫu mà cả những con người thời đại mới. Tôi nghĩ phẫu thuật thẩm mỹ là chuyện bình thường nếu như nó khiến người ta hài lòng về bản thân và cuộc sống của mình hơn, chỉ cần không lạm dụng là được.
Bản thân tôi cũng đã thay đổi rất nhiều. Tuy vậy, con người tôi hiện tại không phải kết quả của một cuộc đại trùng tu ghê gớm nào cả. Quan trọng hơn, tôi thấy mình đã thay đổi tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần.

- Phần nào trên cơ thể khiến chị hài lòng nhưng lại không vừa mắt những người xung quanh?

Đó là làn da nâu. Tuy vậy, tôi chẳng để ý đến những lời chê bai rằng tôi không được trắng trẻo như người khác. Bản thân tôi nghĩ nếu có người yêu mình thì ắt cũng phải có người ghét.
Bất hạnh nhất là không ai thèm để ý đến mình vì quá mờ nhạt. Mặc dù vậy, tôi rất khó chịu trước những lời chê kém văn mình kiểu 'Cô này da đen 'mọi' thế'.
Từng là sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế ở trường đại học Tin học - Ngoại ngữ TP HCM, lúc mới làm người mẫu, Minh Triệu phải bảo lưu kết quả ở trường.
Sau một thời gian, chân dài cảm thấy mình có tương lai với ngành thời trang nên quyết định bỏ ngành đang theo học. Tuy vậy, cô cho biết việc học của mình không chấm dứt hoàn toàn trong tương lai bởi 'con người ta sống muốn tiến bổ thì phải học'.

 

- Ai là người truyền cảm hứng để chị có được bản lĩnh khi làm người mẫu?

Thần tượng của tôi là Kate Moss. Cô ấy là minh chứng điển hình cho sức mạnh của một người mẫu thực thụ. Mặc dù không sở hữu nhan sắc quá lộng lẫy, Kate vẫn luôn thu hút người đối diện bằng thần thái cuốn hút.
Ngoài ra, tôi còn thích Angelina Jolie. Không chỉ đẹp, cô ấy đủ mềm mỏng giữ được người đàn ông của mình nhưng vô cùng mạnh mẽ khi làm những việc phi thường, từ diễn phim, đạo diễn cho đến làm từ thiện ở những vùng khó khăn trên thế giới.
Ở Việt Nam, tôi khâm phục chị Thanh Hằng và Xuân Lan. Trong đó, Thanh Hằng luôn đắt show dù đã lớn tuổi còn Xuân Lan lại thành công trong lĩnh vực chỉ đạo catwalk.

- Chị định bao giờ theo chân các đàn chị từ giã sàn catwalk?

Tôi không đặt ra hạn định nào cho nghề nghiệp của mình. Cái gì cũng cần có cái duyên, đặc biệt là ngành nghệ thuật. Khi nào sân khấu không thuộc về mình, níu kéo mãi mà khán giả vẫn không yêu quý mình như trước kia thì tôi sẽ dừng cuộc chơi (cười).
Tuy vậy, tôi cũng không đợi đến lúc giải nghệ thì mới tính chuyện sau đó. Năm 2013 mặc dù nghề mẫu vẫn suôn sẻ, tôi vẫn quyết định đặt chân vào lĩnh vực mới là kinh doanh. Bố mẹ tôi ủng hộ rất nhiều.
Tháng 6 năm ngoái tôi đã góp cổ phần vào một phòng trà ở TP HCM.  Đó có thể coi là sự chuẩn bị cho tương lai.

- Còn điều gì chị chưa hài lòng về năm vừa qua?

Bản thân tôi thấy việc không tham gia nhiều cuộc thi để khán giả biết tới mình nhiều hơn là một thất bại lớn.
Ngoài ra, vì là người chỉn chu nên tôi còn thấy mình thất bại khi không thực hiện được những bức hình thời trang như ý muốn.
Vào cuối tháng 12/2013, tôi cũng gặp một sự cố nhỏ trong một show thời trang. Do thời gian chuẩn bị giữa các màn biểu diễn quá gấp rút, cộng với chiếc đầm quá dài nên lúc di chuyển tôi bị giẫm vào tà váy khiến áo phía trên tụt xuống dưới.
Đến lúc vào hậu trường, tôi đứng ngồi không yên. May mắn là tôi đã nhờ đạo diễn làm việc với báo chí để những hình ảnh nhạy cảm không bị lan truyền. Tuy vậy, tôi đều lấy chúng làm gương để rút kinh nghiệm lần sau. Nói chung, năm 2013 của tôi chỉ có những thất bại như vậy thôi.
Bình luận
vtcnews.vn