(VTC News) – Người dân, cán bộ, công chức tham gia chống tham nhũng đều gặp nhiều trở ngại. Biện pháp tốt nhất để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình vẫn là… thân ai tự lo.
Tại hội thảo quốc tế "Bảo vệ người tố cáo tham nhũng", nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế, chính sách bảo vệ người chống tham nhũng cần phải gắn với thực tế hơn nữa. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Lân, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Thưa ông, hiện nay trong công tác phòng chống tham nhũng đang nảy sinh vấn đề người tự chống tham nhũng phải tự bảo vệ mình trước khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?
Thực ra ở nước nào cũng thế người chống tham những nói chung và người tố cáo các hành vi tham nhũng nói riêng thường đứng trước các sự đe dọa, sức ép trả thù, trù dập. Ngay cả cán bộ của cơ quan phòng chống tham nhũng cũng chịu áp lực này. Nhiều nước trên thế giới đã có những biện pháp như có khoản phụ cấp dưỡng niên để đảm bảo cho cán bộ niêm khiết, tránh được những cám dỗ.
Ngoài ra cũng có biện pháp bảo vệ cho cán bộ công chức của các cơ quan chống tham nhũng, kể cả những người thân của người chống tham nhũng cũng được bảo vệ.
Ông Lê Văn Lân trong cuộc trao đổi với cơ quan báo giới (Ảnh: P.V) |
Trong một số vụ việc cụ thể các cơ quan chức năng điều tra vụ việc tham nhũng cũng cần có biện pháp bảo vệ thì Việt Nam mình cũng thế và các nước cũng có biện pháp bảo vệ cần thiết.
Tuy nhiên, theo tôi biết chủ yếu các biện pháp bảo vệ người chống tham nói chung và tố cáo chống tham nhũng nói riêng thì ở Việt Nam cũng có nhiều quy định nhưng còn chung chung. Việc thực hiện trong thực tế còn nhiều hạn chế.
Tới đây chúng ta hi vọng xây dựng Luật tố cáo mới và tách từ Luật khiếu nại tố cáo năm 1998 trước đây. Trong đó có một chương riêng đó là chương 5 Dự thảo Luật tố cáo. Trong chương này có quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể chi tiết các biện pháp bảo vệ cho người tố cáo. Chúng tôi hi vọng chúng ta có biện pháp cụ thể chi tiết quy trình quy chế áp dụng trong thực tiễn sẽ tốt hơn.
Có một ví dụ ở Nghệ An hiện nay, người tố cáo tham nhũng bị hành hung và có thương tích nhưng đến nay chưa có vụ nào điều tra làm rõ. Rõ ràng việc bảo vệ người chống tham nhũng còn nhiều vấn đề. Vậy trong cuộc chiến chống tham nhũng chúng ta phải bảo vệ những người này như thế nào?
Năm ngoái ở Nghệ An có tổ chức hội nghị biểu dương gặp mặt những người tích cực tố cáo phát hiện tham nhũng.
Tôi nhớ có khoảng 18 đại biểu được biểu dương trong đó có 1/3 người vừa qua được cho là bị trù dập và trả thù. Nhưng hiện nay vấn đề xác định họ có đúng bị trả thù hay không hết sức khó khăn. Thực tế, họ cũng bị đánh, chặn xe, phá hoại tài sản nhưng sự liên hệ giữa việc họ tố cáo với hành động phá hoại đó chưa tìm được mối liên kết. Cơ quan điều tra hiện nay đều khẳng định chưa có bằng chứng.
Người trả thù do bị tố cáo hiện nay rất tinh vi họ không ra tay hoặc xuất hiện chính thức. Có thể họ thuê người nào đó. Họ lợi dụng những cớ rất khéo léo khiến chúng ta không thể phát hiện được. Có khi anh đang đi trên đường đột nhiên vấp phải cái gì đó nhưng chúng ta không xác định được ai để vật cản đó khiến anh ngã ra rồi. Rất đáng tiếc nhiều trường hợp chúng ta chưa điều tra ra được.
Trên thực tế một số địa phương khác, có những vụ chém nhau khiến nhiều người cho rằng đó là trả thù người tố cáo nhưng qua điều tra không tìm được bằng chứng nên rất khó khăn.
Trên thực tế, người đi tố cáo tham nhũng thường yếu thế hơn người bị tố tham nhũng. Trong khi đó, những người bị tố cáo tham nhũng lại thường có những hành vi trả thù. Vậy với cơ chế như hiện nay, chúng ta nên có những thay đổi như thế nào để có thể khuyến khích người dân tích cực đi tố cáo tham nhũng?
Luật phòng chống tham nhũng cũng đã có quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Cũng như Luật khiếu nại tố cáo, chúng ta đều có quy định để bảo vệ người tố cáo.
Tuy nhiên quy định chưa được cụ thể chi tiết nên việc thực hiện còn gặp những khó khăn. Còn trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong quy định của chúng ta thì cơ quan công an sẽ là cơ quan chủ công, chính quyền các địa phương. Ngoài ra cơ quan thanh tra, cơ quan tiếp nhận các nguồn tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
Người có chức có quyền có lợi thế về kinh tế, địa vị chính trị để có những hành động trả thù trù dập người tố cáo. Nhẹ thì có thể phân công những công việc không phù hợp, nặng có thể buộc thôi việc thậm chí có thể có những hành động trả thù tàn bạo hơn.
Theo tôi, cơ bản các văn bản quy định hiện nay về nguyên tắc chủ trương nói chung chúng ta đã tương đối đầy đủ. Điều quan trọng phải cụ thể hóa những quy định đó thành quy định chi tiết quy trình quy chế.
Vừa qua Bộ công an được chính phủ giao xây dựng quy chế, quy định để bảo vệ người tố cáo, nhưng tôi đã nói tới đây sẽ có nghị định riêng quy định việc hướng dẫn luật tố cáo, trong đó có luật bảo vệ người tố cáo. Chúng tôi hi vọng sau này các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu đề xuất một cách cụ thể để bảo vệ người tố cáo.
Kinh nghiệm chống tham nhũng của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc tố cáo tham nhũng cần được xử lý nhanh hiệu quả để tránh những tình huống khác phát sinh. Tuy nhiên ở nước ta khâu này lại rất chậm và yếu. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Tôi tâm đắc rằng muốn bảo vệ người tố cáo trước hết là phải xem xét xử lý thông tin người ta tố cáo nhanh chóng kịp thời triệt để.
Trên thực tế, những trường hợp bị tố cáo không được các cơ quan giải quyết ngay thì người bị tố cáo có điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo. Theo tôi, đây là biện pháp quan trọng nhất. Nếu chúng ta giải quyết ngay thì người bị tố cáo không còn ưu thế, không còn thế mạnh, người ta không còn đầy đủ điều kiện về vật chất cũng như các điều kiện khác để trả thù người tố cáo nữa.
Ví như ở Trung Quốc người bị tố cáo tham nhũng có bằng chứng tương đối cụ thể thì họ thực hiện biện pháp "cách ly" khỏi xã hội. Không những anh ta không được giữ chức vụ của mình mà còn không có điều kiện liên hệ với những người khác để trả thù người tố cáo. Đây cũng là kinh nghiệm chúng ta có thể tham khảo.
Việc bảo vệ người tố cáo theo tôi giữ bí mật là đầu tiên. Thứ hai không kém phần quan trọng đó là phải xem xét nội dung tố cáo một cách nhanh chóng, kịp thời .
Phần lớn các vụ việc tố cáo tham nhũng hiện nay đều liên quan đến tài chính. Liệu rằng nó có phải là mẫu chốt của cuộc chống tham nhũng hiện nay không thưa ông?
Theo tôi minh bạch tài chính là nội dung rất quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Trong Luật phòng chống tham nhũng của chúng ta quy định công khai minh bạch tất cả các hoạt động của cơ quan tổ chức đơn vị, trừ những nội dung bí mật Nhà nước và những nội dung mà Chính phủ quy định không được công khai.
Thực tế tôi thấy việc công khai minh bạch còn có hạn chế. Hiện nay nhiều người vẫn lạm dụng quy định bí mật của nhà nước để không công khai nội dung không phải bí mật.
Ngay cả với những nội dung không đóng dấu mật nhưng nhiều người dân bình thường vẫn không thể tiếp cận được những văn bản này.
Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều để ngày càng công khai minh bạch, lúc đó, tham nhũng không còn chỗ để phát triển. Đây là giải pháp phòng ngừa quan trọng hàng đầu mà Luật phòng chống tham nhũng cũng xác định như vậy. Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 cũng quy định nhóm giải pháp công khai minh bạch. Thế giới cũng coi công khai minh bạch là giải pháp phòng chống tham nhũng quan trọng hàng đầu.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phong Vân (thực hiện)
Bình luận