GS.TS Phạm Hồng Tung, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, từ lâu chúng ta quen với việc có một chương trình và một bộ sách, thậm chí chỉ có sách giáo khoa (SGK) mà không có chương trình.
Chủ trương của Quốc hội, của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK từ năm 2020 có phần khiến xã hội hơi ngỡ ngàng. Do vậy, quá trình triển khai chương trình mới và lựa chọn SGK ra sao phải càng minh bạch.
- Thưa ông, liệu những lo ngại về cải cách giáo dục với một chương trình phổ thông có nhiều bộ SGK có là những lo ngại chính đáng và sẽ tạo ra rào cản khó khăn cho việc triển khai chương trình mới và SGK mới hay không?
Thay đổi lớn như vậy đưa lại những ngỡ ngàng, lúng túng lo ngại. Dù lo ngại cũng phải xác định, một chương trình có nhiều SGK là xu hướng của giáo dục thế giới. Con người đang sống trong xã hội thông tin, thông tin đa chiều bão táp, học sinh phải làm quen ngay từ trong trường, phải được hướng dẫn năng lực kỹ năng tìm kiếm thông tin phù hợp cho mình, phải phân biệt được thông tin thật, thông tin giả, thông tin tốt thông tin chưa tốt và cả thông tin xấu, điều này phải làm ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Việt Nam đi theo xu hướng này là đúng, nhưng đương nhiên phải bài bản, có lộ trình và Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo theo từng bước một.
Đây mới là bước đầu tiên - một chương trình nhiều SGK đạt chuẩn. Trong từng môn, từng trường, thầy giáo và học sinh có thể lựa chọn nhiều bộ SGK. Bài này thầy giáo có thể lựa chọn học theo SGK này, bài khác thấy sách khác có trình bày sáng tạo hơn thì lại dạy theo bộ khác.
Không có lo ngại gì về việc SGK khác nhau thì mặt bằng kiến thức kỹ năng có bằng nhau hay không, vì tất cả SGK đã được cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp ở Việt Nam là Hội đồng thẩm định SGK cấp quốc gia, trong đó có nhiều giáo viên phổ thông thẩm định. Những bộ sách này đã đạt chuẩn, giáo viên cha mẹ học sinh hoàn toàn có thể yên tâm, mức độ đáp ứng về phẩm chất năng lực như nhau, chỉ khác nhau về cách trình bày.
- Một trong vấn đề xã hội quan ngại nhất là “lợi ích nhóm” khi các địa phương được lựa chọn SGK, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Một chương trình có nhiều SGK thì vấn đề đặt ra là ai là người lựa chọn SGK cho người dạy và học. Việc lựa chọn làm sao đảm bảo đáp ứng nhu cầu học sinh mới là quan trọng. Ở các nước đã thực hiện như vậy, Việt Nam cũng nên làm. Nếu Hội đồng Giáo dục quốc gia đứng ra chọn, thì sẽ tước bỏ đi quyền chủ động của các địa phương và các trường.
Giao cho địa phương cấp tỉnh, vừa đáp ứng được yêu cầu có cơ quan thẩm quyền, có phạm vi quản lý tương đối rộng, nhưng lại vừa đáp ứng yêu cầu chọn ra những học liệu phù hợp nhất với địa phương mình. Các tỉnh miền núi phải chọn những học liệu phù hợp hơn là những vùng có biển, đảo. Những tỉnh có biển đảo phải lựa chọn những bộ sách khác Đây là ưu điểm, phù hợp với địa phương vùng miền, địa phương.
Nhưng ai ở địa phương sẽ lựa chọn. Theo thẩm quyền quản lý địa phương là UBND, trong đó có Sở GD-ĐT và các Sở có liên quan, như Sở Khoa học-Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu như UBND chọn, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngành giáo dục, còn có sự phối kết hợp các sở khác, đáp ứng yêu cầu chung là liên ngành, nhưng lại nặng tính chất hành chính.
Do vậy, Bộ phải có thông tư hướng dẫn rõ ràng, các tỉnh phải lập ra Hội đồng chuyên môn ở các tỉnh, với các thành viên chủ chốt là giáo viên các bộ môn, giáo viên dạy ở các loại trường, công tư, năng khiếu, trường chuẩn… Sau khi Hội đồng chuyên môn thẩm định sẽ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định lựa chọn SGK.
Với quan ngại trong vấn đề có phòng tránh được sự can thiệp của các “nhóm lợi ích”, thực tế, nhóm lợi ích ở đâu cũng có thể len chân được vào. Do đó vấn đề ở đâu cũng cần có những quy định rất rõ ràng, như vậy sẽ phòng tránh được những can thiệp của các nhóm lợi ích. Đó là khi chúng ta nhìn theo khía cạnh tiêu cực của các nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích cũng có cả những can thiệp tích cực.
Nếu can thiệp vào để tài trợ những học liệu điện tử, tài trợ để các trường mua sách để thư viện để học sinh không phải cõng sách đến trường thì lại tốt quá. Chúng ta đang khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chung tay với giáo dục. Hiện nay đầu tư cho con đi học hầu hết từ túi tiền của bố mẹ, không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện, có nhiều cha mẹ đang làm công nhân, lương 5 triệu/tháng, mua SGK hay sách học thêm cũng phải cân nhắc.
Để phòng tránh nhóm lợi ích thao túng vào Hội đồng các tỉnh, chọn bộ sách này mà không chon bộ sách kia, chúng ta cần có luật chơi rõ ràng. Hiện nay, các Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên môn có thể họp công khai, có thể truyền hình trực tiếp, livestream… Quốc hội bàn bao nhiêu vấn đề nhạy cảm còn có thể truyền hình trục tiếp thì tại sao SGK lại không thể truyền hình trực tiếp. Bất kỳ Hội đồng nào cũng nên truyền hình trực tiếp để thấy việc lựa chọn xuất phát từ trách nhiệm của thầy cô. Những nhóm lợi ích muốn can thiệp phải có sự đồng ý của địa phương.
Hội đồng thẩm định SGK nếu được trực tiếp quá trình thẩm định, thì học sinh sẽ tôn trọng SGK. Những nhà giáo khi được mời vào Hội đồng không những rất giỏi chuyên môn mà còn rất có tâm với giáo dục. Chẳng có lý do gì quan ngại khi phê bình một bộ sách, không phải phê bình tác giả mà phê bình những cái chưa dược của bộ sách. Tới đây nếu có đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại cũng nên truyền hình trực tiếp.
- Theo giáo sư, trong bối cảnh xã hội hiện nay thì việc thực hiện cải cách giáo dục có đúng thời điểm, có là yêu cầu tất yếu hay không?
Đổi mới giáo dục dù đứng trước thuận lợi hay khó khăn gì, thì đó là đòi hỏi tất yếu của đất nước và chúng ta phải làm, phải làm thành công. Đổi mới giáo dục không thể bàn lùi. Phải xác định chúng ta đang đổi mới giáo dục để chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Đây là một chặng đường dài, chúng ta phải cần thời gian để cây trồng đâm hoa kết trái. Chúng ta không nên sốt ruột, nhưng cũng không thể ngồi chờ. Toàn bộ hệ thống giáo dục lúc nào cũng ở trong trạng thái sức ép, phải triển khai nhanh nhưng phải đúng bài bản.
Muốn thành công thì phải khoa học, đồng thời phải bình tĩnh, từng bước thận trọng nhưng không thụ động và khi quyết định làm và công bố những văn bản có tính pháp quy thì toàn xã hội phải chấp hành để tránh những khoảng trống có thể tạo cơ hội cho sự can thiệp tiêu cực, thiếu trách nhiệm vào đổi mới giáo dục.
Hiện nay, mức độ và điều kiện quan tâm của xã hội cho giáo dục rất lớn và trực tiếp. Không chỉ là quan tâm thường trực của ông bà cha mẹ, của toàn xã hội, mà với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông và công nghệ cao. Tất cả những yếu tố này làm cho đổi mới giáo dục ở trong môi trường rất thuận lợi, nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Nếu thực hiện đổi mới mà không công khai, minh bạch, không khoa học, không đáp ứng được mong đợi của xã hội thì xã hội sẽ mất lòng tin. Khi đó, không có lòng tin, không có sự đồng thuận của xã hội thì không ai có thể triển khai được chương trình đổi mới SGK, cũng như đổi mới giáo dục nói chung.
Để xã hội có lòng tin thì phải công khai, để xã hội cùng chung tay vì giáo dục một đứa trẻ không phải việc riêng của hệ thống giáo dục, của thầy cô mà còn của gia đình, nhà trường và xã hội.
Chúng ta phải từng bước dẫn dắt, hướng dẫn con em, học trò bước vào “bão táp thông tin” mà không bị lạc, không bị cuốn đi. Tốt nhất là hướng dẫn học sinh, tạo cho các em có năng lực mà tôi vẫn gọi là “kháng thể xã hội” - bao gồm cả năng lực và phẩm chất văn hóa để các con biết được đâu là thiện đâu là ác, đâu là chính nghĩa - phi nghĩa, đâu là thật - giả…
Giáo dục không thực sự chuyển mình, không đổi mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất, thì không chuẩn bị kịp cho đất nước hội nhập và phát triển, thì toàn dân tộc sẽ bị tụt hậu rất xa. Và tụt hậu là lệ thuộc, lệ thuộc về trí tuệ, về văn hóa… Vậy ai sẽ là người chuẩn bị hành trang hội nhập quốc tế cho thế hệ tương lai, để hội nhập mà không hòa tan. Đó chính là giáo dục, là truyền thông. Đổi mới chương trình lần này đứng trước áp lực khách quan rất lớn từ đòi hỏi phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên hội nhập. Tôi nhiều lúc cảm thấy áp lực đó làm cho mình ngộp thở.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận