Ngay trước thời điểm Bộ GD-ĐT chuẩn bị công bố Chương trình các môn học mới và năm 2019, bắt đầu thay sách lớp 1 để thực hiện chương trình mới - nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), bỗng dấy lên làn sóng kêu gọi “tẩy chay” sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, dù nó đã tồn tại 40 năm qua...
Chiêu trò” không lành mạnh?
Xuất phát từ clip được chia sẻ trên mạng xã hội liên quan đến việc học sinh tiểu học chỉ nhìn vào hững biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác có thể đọc vanh vách một bài thơ của sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (CNGD) bỗng chốc biến thành cơn bão phẫn nộ đòi “tẩy chay” sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, dù nó đã tồn tại 40 năm và đã triển khai trên gần 50 địa phương.
Sáng 8/9, giữa “cơn bão” phẫn nộ thì “cha đẻ” của cuốn sách, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, đã có những câu trả lời thẳng thắn về những phản ứng nói trên.
GS Hồ Ngọc Đại nói: “Ai cũng chê tôi nhưng 40 năm nay Trường Thực nghiệm vẫn tồn tại. Tôi dạy trẻ con, hết lớp 1, bất cứ ở miền nào cũng đều đọc thông viết thạo, đúng chính tả, và không thể tái mù”.
Dù đứng trước làn sóng phản đối này, nói về tương lai của CNGD, GS Hồ Ngọc Đại vẫn tin tưởng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, bởi đó là một công trình tập thể chứ không phải của một cá nhân, và nó phù hợp với tiến trình của lịch sử.
Chị Hà Việt Anh, nguyên Thư ký tòa soạn tạp chí Mẹ và Bé, cũng là cựu học sinh của chương trình này, bày tỏ: Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của Trường Thực nghiệm theo học phương pháp này, và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hằng ngày rất bình thường, hiệu quả.
Có thể chúng tôi chưa nổi tiếng và thành công như nhà toán học Ngô Bảo Châu, như bác sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu hay nhiều học trò Thực nghiệm khác nhưng chúng tôi luôn tự tin vào bản thân, luôn sống tử tế.
Và khi các bạn cùng trang lứa ở trường khác còn đang ê a đánh vần thì học sinh Thực nghiệm đã đọc thơ lục bát; khi các bạn trường khác đánh vật với việc tả người, tả cây, tả mưa thì chúng tôi cùng nhau đọc Paustovsky, Chekhov, Balzac, Victor Hugo...
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện nay, có nhiều cách, nhiều con đường, nếu ai cảm thấy phù hợp thì lựa chọn, chứ đây không phải là phương án duy nhất. Đó cũng là cách làm trong tương lai, khi có nhiều bộ SGK.
“Với vụ việc sách Tiếng Việt 1 - CNGD được dạy trong 40 năm qua, nay bỗng dưng bị lôi ra mổ xẻ, lại vào thời điểm nhạy cảm nên khó tránh khỏi những nghi ngờ, đồn đoán. Cũng có thể, clip ban đầu là một sự vô tình nhưng đã có người lợi dụng nó để đẩy sự việc đi xa hơn vì lợi ích nào đó”, chuyên gia này nhận định.
Tồn tại 40 năm, sách Tiếng Việt lớp 1 - CNGD vẫn tồn tại song song cùng SGK Tiếng Việt do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn. Năm học 2018-2019 có 49 tỉnh, thành phố triển khai dạy học môn tiếng Việt lớp 1 CNGD với gần 800.000 học sinh. Như vậy, khoảng gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: "Khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK thì cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có một thị trường SGK lành mạnh, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của người học.
Quy định một chương trình nhiều SGK về cơ bản sẽ giải quyết được vấn đề độc quyền, tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn, tiếp cận những cuốn SGK có chất lượng, phù hợp với đặc thù vùng miền..."
Công khai để tránh lợi ích nhóm!
NXB Giáo dục Việt Nam đang ở thế độc quyền xuất bản SGK khi mỗi năm in 100 triệu bản mới. Phụ huynh mỗi năm phải chi tới 1.000 tỷ đồng để mua SGK. Con số đó cho thấy, “miếng bánh” thị phần SGK lâu nay rất béo bở và ai cũng muốn chiếm thị phần lớn.
Theo ý kiến của Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương. Hội đồng thẩm định SGK cần độc lập Hội đồng thẩm định SGK cần độc lập, minh bạch. Tuyển chọn những người không có mối quan hệ với bên xuất bản và phải có quy chế, quy định khi tham gia vào hội đồng thì không được tham gia xuất bản SGK hoặc là thành viên tuyển chọn SGK.
GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, đằng sau vụ việc lùm xùm mới đây có thể là nhóm in sách, viết sách nào đó cấu kết với nhau để loại trừ nhau.
Năm học 2019-2020 sẽ áp dụng chương trình - SGK mới. Điều này, buộc các nhà xuất bản, những người làm sách phải tính toán đến thị trường đầu ra, nên sẽ khó tránh các chiêu trò.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tách rời các khâu của quá trình làm SGK thì chắc chắn thị trường SGK mới sẽ hỗn loạn và khó tránh khỏi lợi ích nhóm, tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện ở nhiều nước họ tách rời khâu phát hành và khâu tuyển chọn SGK. Người tuyển chọn không có quyền lợi liên quan đến phát hành. Người làm chương trình thì không làm SGK. Người thẩm định thì không có mối quan hệ gì với phát hành.
Riêng với Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) SGK, theo kinh nghiệm của nhiều nước đó là việc của các nhà chuyên môn, họ thường là giảng viên đại học, giáo viên bậc phổ thông, không phải toàn giáo sư, tiến sĩ.
GS.TSKH Phạm Tất Dong đề xuất: “Để tạo sự cạnh tranh bình đẳng khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK thì vấn đề cơ bản nhất vẫn là công khai minh bạch và công tâm. Bộ phải công khai chương trình mới, đưa lên rộng rãi cho cả nước biết để các nhóm cạnh tranh bình đẳng.
Có một HĐTĐ công tâm để duyệt. Tuy nhiên sợ nhất là người ta đã có những “động tác” trước để chọn nhóm nào đó trúng thầu. Chính vì thế, theo tôi phải có một HĐTĐ độc lập, ngoài ngành giáo dục, có thể giao cho viện hàn lâm nào đó xét duyệt từng bộ SGK để đảm bảo sự minh bạch”.
Một chuyên gia giáo dục nêu một thực tế là, lâu nay một số nhóm tác giả viết SGK mới đã âm thầm viết SGK lớp 1 mới mặc dù chưa có chương trình nội dung môn học chính thức. Như vậy, phải chăng ý tưởng của chương trình mới đã bị lọt ra ngoài trước khi chính thức công bố.
TS. Lê Thống Nhất cũng nhất trí, tỷ lệ số thành viên thuộc các đối tượng trên cũng cần nghiên cứu hợp lý để HĐTĐ đủ năng lực đánh giá toàn diện một cuốn SGK.
Trong Hội đồng thì tư cách của mỗi thành viên cần được xem xét cẩn thận để việc thẩm định được công bằng, tránh hiện tượng thiên vị cho một nhóm nào đó. Lâu nay trong dư luận hay nghi ngờ về các hội đồng được thành lập kèm theo những tính toán có lợi hoặc không có lợi cho đối tượng được thẩm định.
Video: Năm 2019 - 2020, học sinh có sách giáo khoa mới?
“Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cần xây dựng một bộ tiêu chí khoa học để đánh giá mỗi cuốn SGK, định lượng được bằng cách cho điểm đối với mỗi tiêu chí. Việc cho điểm cần công khai, có tranh luận để tránh cảm tính hoặc thiên vị.
Bộ tiêu chí đánh giá cần sớm được công bố để tất cả các nhóm tác giả biết nhằm chủ động trong việc viết SGK. Đây cũng là cách để chúng ta minh bạch, tránh xảy ra tình trạng tác giả “bị bất ngờ” khi bộ tiêu chí đưa ra muộn” - TS. Nhất nhấn mạnh./.
Công khai hóa quy trình
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: "Phải công khai hóa quy trình làm SGK. Ai quan tâm đều có thể tìm hiểu, đóng góp, giám sát quy trình đó. Còn nếu vẫn theo cách làm truyền thống là giám sát nội bộ, Bộ GD-ĐT thành lập ra nhóm nọ, nhóm kia thì mối lo có tiêu cực trong phát hành SGK là hoàn toàn thực tế.
Giám sát quy trình là để xã hội biết người được chọn đại diện cho ai. Thực tế, với chương trình hiện hành, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ công bố tổng chủ biên là ai".
Bình luận