Rạng sáng 10/9, bão số 5 (tên quốc tế là Conson) cách quần đảo Hoàng Sa 220km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh lên cấp 10, giật cấp 12.
Nhằm hạn chế thiệt hại nếu bão Conson đổ bộ vào đất liền, người dân miền Trung căng mình "chạy đua" với thời gian, khẩn trương thu hoạch lúa và đưa thuyền neo vào bờ tránh trú bão.
Hà Tĩnh, Quảng Bình: Nông dân hối hả gặt lúa "chạy" bão
Sáng 10/9, hàng ngàn hộ nông dân ở Hà Tĩnh tất bật ra đồng thu hoạch lúa. Hiện tại, nhiều cánh đồng lúa mới chín được hơn 70% nhưng nông dân đành chấp nhận.
Trên địa bàn tỉnh nhiều ngày qua xuất hiện mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to khiến cho hàng trăm hecta lúa bị ngập quá đầu gối, người dân phải bì bõm gặt bằng tay, sau đó vận chuyển về nhà.
Đến trưa cùng ngày, nông dân Hà Tĩnh thu hoạch khoảng 85% diện tích lúa Hè Thu. Phần diện tích còn lại đang được các địa phương gấp rút thu hoạch.
Bên cạnh thu hoạch lúa, nhiều chủ hồ tôm ở Hà Tĩnh cũng đang đứng ngồi không yên. Mặc dù tôm chưa đến kỳ xuất bán nhưng họ chấp nhận bán tống bán tháo phòng trường hợp mưa lớn dẫn đến mất trắng. "Hiện nay mực nước chênh lệch trong và ngoài đê vẫn bình thường. Nhưng nếu lượng mưa vẫn tăng thì rất đáng lo. Hiện tôi đang phải bán tôm non giá rẻ để hạn chế thiệt hại", ông Nguyễn Văn Doãn (70 tuổi, thôn Tân Quý, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) cho hay.
Trong khi đó, trên những cánh đồng ở Quảng Bình, lúa lúc này cũng đã ngả màu vàng ươm, chín rộ. Thời điểm này, vụ thu hoạch lúa Hè Thu được người dân tiến hành khẩn trương. Họ gặt lúa ở ngoài đồng với phương châm của cha ông để lại: "xanh nhà hơn già đồng". Không phải ngẫu nhiên mà kinh nghiệm này được người dân Quảng Bình áp dụng, bởi đây là thời điểm mùa mưa lũ cận kề, trước mắt là cơn bão Conson đang quần thảo ngoài khơi và theo dự báo có thể đổ bộ vào đất liền.
Không như các năm trước, mùa thu hoạch lúa năm nay đối với nhiều hộ dân Quảng Bình rất khó khăn. Đây là đợt dịch bệnh đầu tiên bùng phát mạnh ở Quảng Bình, một số địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng nên bà con nông dân không thể ra đồng gặt lúa.
Theo ghi nhận của PV VTC News, nhiều hộ dân tại xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch phải cách ly tại nhà vì trong xã có trường hợp F0. Trong khi hơn 25 ha lúa đã đến kỳ thu hoạch, nếu không kịp thời gặt sớm, công sức gieo trồng, chăm sóc mấy tháng trời coi như công cốc.
Trước tình cảnh trên, đoàn viên, thanh niên xã Vạn Trạch đã tham gia gặt lúa giúp người dân yên tâm ở nhà thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Anh Hoàng Thái Sơn - Bí thư Đoàn xã Vạn Trạch chia sẻ: "Trên các cánh đồng của địa phương lúc này có hơn 20 đoàn viên, thanh niên tham gia xuống đồng gặt lúa giúp dân trước mùa mưa bão. Những đoàn viên, thanh niên được chia thành từng tốp nhỏ, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong khi thu hoạch lúa. Sau khi thu hoạch, lực lượng này cũng sẽ chở những bao lúa về tận nhà cho bà con nông dân".
Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam: Hàng ngàn tàu thuyền cấp tập neo vào bờ
Tại Quảng Trị, tính đến 7h ngày 10/9, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kêu gọi được 2.312 tàu/7.163 thuyền viên vào nơi tránh trú bão an toàn.
Số tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đang hoạt động trên biển là 65 tàu/565 thuyền viên. Trong đó, 54 tàu/494 người khu vực đảo Cồn cỏ; 8 tàu/50 người ở khu vực vịnh Bắc bộ; 1 tàu/3 người ở khu vực biển Quảng Ngãi; 2 tàu /12 lao động hoạt động khu vực Hoàng Sa.
Tất cả số tàu thuyền trên đã nhận được thông tin về bão số 5 và di chuyển vào nơi tránh trú.
Theo ghi nhận của PV VTC News tại cảng cá Thuận An và âu thuyền Phú Hải (tỉnh Thừa Thiên - Huế), ngư dân cũng đang hối hả neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn và chuẩn bị các phương án phòng chống bão. Hầu hết các tàu thuyền được neo đậu một cách chắc chắn và an toàn.
Trưa 10/9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng số tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trên biển là 296 tàu/3.416 lao động, các tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão.
Trong đó, tàu hoạt động gần bờ là 148 tàu với 608 lao động. Tàu hoạt động xa bờ là 148 tàu. Cụ thể, khu vực Hoàng Sa: 105 tàu/868 lao động. Khu vực Trường Sa: 43 tàu/1.940 lao động.
Hiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương neo vào bờ để tránh trú bão an toàn.
Tại Nghệ An, đến cuối ngày 9/9, toàn tỉnh Nghệ có 3.054 tàu thuyền đã về nơi tránh trú bão an toàn. Hiện đang còn hơn 300 tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Tất cả phương tiện này đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 5 (bão CONSON).
Người dân ven biển các huyện thị như Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Hoàng Mai của tỉnh Nghệ An cũng đã chằng chống nhà hàng, ki ốt và di chuyển vật dụng giá trị đến nơi an toàn. Tàu thuyền của ngư dân cũng đã vào luồng lạch để tránh bão.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dự báo, 4h ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 4h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
Bình luận