Cái áp lực học hành ấy thế hệ này đến thế hệ khác học trò xứ Thanh gánh trên vai, nhìn nhau mà cố gắng, nhìn nhau mà tự hào khi người ta bảo người xứ Thanh hiếu học...
Tôi thương xứ Thanh quê tôi nghèo khó. Nghèo đến ám ảnh. Tôi thương những mảnh đất nghèo, nhà tranh vách lá liu hiu đứng bên đường. Thương những con đường trải dài ra 4 hướng những miền xuôi, miền ngược, miền biển,… đủ cả.
Tôi thương mảnh đất nghèo đặt sự học làm đầu. Học cật lực. Phải đúng là cật lực. Quê tôi chẳng cần vào mùa thi, khung cửa nào cũng sáng đèn đến khuya. Quê tôi không so sánh nhau bằng tiền của, giàu nghèo, mà so sánh nhau bằng sự học. Cha mẹ dù có đi ăn mày cũng phải nuôi con ăn học nên người. Vào Đại học là một cách để vào đời khác với bao cách vào đời khác. Nhưng con không vào ĐH được thì cha mẹ đau lòng, cay đắng: “Người đàn bà quê cả đời lo cho con ăn học - Sẻ áo nhường cơm bán thóc ăn khoai - Tôi chờ đợi suốt 12 năm lẻ hai - Ngày nó đi tôi chắp tay lên trời nguyện ước - Khổ đời tôi, đời nó được học hành - Vậy mà nó trượt - Ôi con gái buồn bã của tôi.” Cái áp lực học hành ấy thế hệ này đến thế hệ khác học trò xứ Thanh gánh trên vai, nhìn nhau mà cố gắng, nhìn nhau mà tự hào khi người ta bảo dân Thanh hiếu học.
Tôi thương người Thanh Hoá quê tôi. Thương những người phụ nữ quê vất vả, tất bật cái nghèo, cái lam lũ hiện lên trong từng dáng đi, nhưng không hiểu sao cũng thấy cả cái trù mật, thơm thảo của đất đai, bình dị của hạnh phúc. Thương những người cha quanh năm vất vả, dầm mình sương khuya.
Thương lắm quê mình từ những điều giản dị. Càng thương càng cố học cho tốt, sống cho tốt để không ai coi thường mình.
Phạm Thu Huyền
Hãy đóng góp ý kiến của mình vào ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected], để cùng chia sẻ về những vùng đất thân yêu trên khắp dải non sông hình chữ S này, bạn nhé!
Bình luận