(VTC News) - Nắng nóng kinh hoàng ở miền Bắc trong những ngày này khiến nhiều người nhớ đến trận nắng nóng khủng khiếp năm 1972 khi nhiệt độ lên tới gần 45 độ C.
Cái nóng như thiêu như đốt, mặt trời đổ lửa như muốn thiêu cháy mặt đất này khiến nhiều người dân nhớ tới mùa hè nóng khủng khiếp vào năm 1972.
Bà Nguyễn Thị Loan (56 tuổi), quê ở Hải Phòng, hiện đang sinh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, năm đó nước ta đã trải qua một điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
"Hải Phòng gần biển, nhưng mùa hè năm đó nhiệt độ cũng lên tới 42 độ. Chúng tôi chỉ ở trong nhà, không dám ra ngoài. Lúc nào chân cũng phải ngâm trong chậu nước cho bớt nóng", bà Loan cho hay.
Nắng nóng kéo dài làm đảo lộn cuộc sống của người dân. |
Cũng trong năm 1972, miền Bắc nước ta lại trải qua mùa đông "lạnh chưa từng có".
"Cùng năm đó, mùa đông lại rất lạnh. Khi đổ đầy một bát nước rồi để ra ngoài trời, chỉ một lát sau là nước trong bát đóng đá. Cá dưới các ao đầm khi đó chết hàng loạt vì nước đóng băng. Người dân thì không dám ra ngoài vì rét", bà Loan nói.
Theo bà Nguyễn Thị Loan, kể từ sau năm 1972 thì năm nay bà mới lại thấy tình trạng thời tiết khắc nhiệt tương tự.
"Năm nay nhiệt độ có thể chưa cao bằng năm 1972, nhưng nắng nóng lại kéo dài khiến người dân chúng tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt. Đặc biệt, những năm gần đây thời tiết biến động rất khó lường.
Không chỉ nắng nóng gay gắt vào mùa hè, lạnh giá vào mùa đông mà còn thường xuyên xảy ra những cơn dông bão bất thường với sức tàn phá mạnh. Với thời tiết khó lường như vậy, nhiều khi người dân không thể biết trước để phòng tránh", bà Loan chia sẻ.
Video: Nắng nóng kinh hoàng, số người tử vong gia tăng
Phóng viên VTC News cũng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Ông Đức cho hay, ông không biết tình trạng nắng nóng này đã vượt qua ngưỡng lịch sử hay chưa (về số ngày nắng nóng, nhiệt độ cao nhất). Tuy nhiên, ông khẳng định năm nay là một trong những năm thời tiết khắc nghiệt nhất mà ông từng chứng kiến.
Cụ thể, nắng nóng gay gắt và kéo dài, mùa mưa bắt đầu muộn, tình trạng khô hạn diễn ra trên phạm vi cả nước. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
"Ở những nước bán sa mạc như ở Ấn Độ, hàng năm đều có rất nhiều người chết do nắng nóng. Ở những vùng này, nhiệt độ có khi lên tới 45-50 độ. Ở Việt Nam thì nhiệt đổ chỉ lên ngưỡng 40 độ đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Ở mức nhiệt độ như vậy, trường hợp say nắng, thậm chí là tử vong do nắng nóng là rất dễ xảy ra, đặc biệt là đối với người già, người ốm yếu", ông Đức nói.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyên người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân.
"Nếu không cần thiết thì người dân nên hạn chế ra ngoài trời. Khi đi đường cần đội mũ, mặc áo dày để chống nắng. Đối với bà con nông dân thì chỉ ra đồng làm việc vào thời điểm mát mẻ.
Chẳng hạn, bà con có thể dậy sớm ra đồng làm việc từ 4-5 giờ sáng, tới 8-9 giờ thì về nghỉ. Buổi chiều có thể làm việc từ 5 giờ tới 7-8 giờ tối," ông Đức nói.
Liên quan đến thời tiết khắc nghiệt năm 1972, ông Đức xác nhận khi đó nước ta cũng đã trải qua một mùa hè nắng nóng khủng khiếp.
"Năm 1972, miền Bắc nước ta trải qua một mùa đông rất lạnh và mùa hè rất nóng. Mùa khô miền Nam khi đó cũng nắng nóng. Lúc này, người miền Nam vẫn thường nói là "miền Nam đỏ lửa".
Đỏ lửa ở đây vừa có nghĩa đen là thời tiết rất nắng nóng, vừa nghĩa bóng là cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khi đó cũng đang diễn ra khốc liệt", ông Đức cho hay.
Nguyên lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, thời tiết sẽ ngày càng có những biến động phức tạp. Bản thân thời tiết có những biến động tự nhiên. Nhưng chính con người đã làm cho thời tiết phức tạp, khắc nghiệt hơn với việc chặt phá rừng bừa bãi, khói bụi công nghiệp xả ra môi trường...
"Thời tiết ngày càng có những dao động lớn. Trước đây, giả sử nhiệt độ trung bình là 20 độ thì thời tiết lạnh nhất và nóng nhất trong năm chỉ dao động quanh mức này 5 - 10 độ.
Với mức dao động nhỏ thì người dân hầu như sẽ không thấy sự bất thường. Nhưng càng ngày thì mức dao động càng xa mức trung bình, có thể là lên tới 20 độ. Tức là khi thì thời tiết quá nóng, lúc lại quá lạnh", ông Đức nói.
Ông Đức cho biết, hiện nay cả thế giới đang kêu gọi và mỗi người dân cần phải có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế khói bụi công nghiệp, đồng thời tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc... nhằm hạn chế những biến động bất thường của tự nhiên.
Minh Quyết
Bình luận