Thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng Michael Kors thông báo hoàn tất mua lại hãng thời trang Versace của Ý với mức giá hơn 2 tỷ USD hôm 31/12/2018.
Sau khi bổ sung Versace vào danh mục các thương hiệu của mình, Michael Kors Holdings cũng sẽ chính thức đổi tên tập đoàn thành Capri Holdings từ ngày 2/1.
Các tập đoàn hàng xa xỉ đối thủ của Michael Kors như Kering và LVMH cũng đã tích cực mua lại nhiều thương hiệu mới để tìm kiếm nguồn doanh thu mới trong những năm quá. Kering đã thâu tóm Gucci, Bottega Veneta, Pomelato trong khi LVHM mua lại Bulgari và Loro Piana.
Tập đoàn Michael Kors, nay là Capri, muốn doanh thu hàng năm trong dài hạn tăng lên 8 tỷ USD sau vụ thâu tóm Versace. Hiện tại, Michael Kors vẫn là nhãn hàng đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn này.
Michael Kors cũng đặt mục tiêu nâng số cửa hàng bán lẻ của Versace lên 300 trên toàn cầu, tăng 1,5 lần so với hiện tại cũng như đẩy mạnh việc bán hàng qua thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh đối với thương hiệu thời trang xa xỉ hơn 40 năm tuổi của nước Ý.
“Với việc thâu tóm Versace, chúng tôi giờ đây là một trong những tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất trên thế giới,” John Idol, Chủ tịch và CEO của tập đoàn Michael Kors tự tin phát biểu và khẳng định sẽ giúp doanh thu hàng năm của thương hiệu Ý ra đời năm 1978 vượt 2 triệu USD.
Theo thỏa thuận, gia đình Versace sẽ nhận được số cổ phiếu tương đương hơn 171 triệu USD của Michael Kors. Bà Donatella Versace, em gái nhà sáng lập quá cố Gianni Versace, sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo của Versace.
Jonathan Akeroyd, CEO hiện tại của Versace, cũng sẽ tiếp tục công việc của mình. Ông được chủ tịch của Michael Kors đánh giá cao vì đã dẫn dắt thương hiệu của Ý thành công và phát triển trên toàn thế giới trong hai năm qua.
Bình luận