Ngày 3/4, bản công bố của Tổ điều tra quốc tế (JIT) trên trang chủ của Văn phòng công tố viên Hà Lan cho biết: "Tên lửa khi phóng ra không được radar ghi lại do đặc tính và tốc độ bay quá lớn. Radar này được đặt tại một khu dân cư trong vùng Rostov của Nga.
JIT gồm đại diện từ các cơ quan điều tra và luật pháp của Hà Lan, Australia, Bỉ, Malaysia và Ukraine, điều tra vụ máy bay dân dụng của Malaysia Airlines mang số hiệu MH17, bị bắn rơi ngày 17/7/2014 trên bầu trời Donbas, Ukraine".
Trong báo cáo cũng cho biết, tốc độ của tên lửa quá lớn so với tốc độ máy bay bị bắn nên radar không thể ghi lại được, do đó chưa thể xác định được điểm phóng tên lửa.
Báo cáo này được đưa ra bởi hai chuyên gia độc lập, dựa trên đánh giá kết luận của các nhà điều tra trong JIT. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, theo hình ảnh từ radar quân sự, không có máy bay khác xuất hiện gần MH17 vào thời điểm bị bắn rơi.
Vào tháng 9/2016, JIT kết luận máy bay dân dụng của Malaysia Airlines bị bắn hạ bởi tên lửa loại 9M38, phóng lên từ hệ thống tên lửa phòng không Buk do Nga sản xuất.
Phía Nga ngay từ đầu luôn bác bỏ kết luận của công tố viên quốc tế rằng MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa do Nga sản xuất và được phóng từ vùng kiểm soát của các lực lượng quân nổi dậy miền đông Ukraine. Nga cũng yêu cầu các tổ chức điều tra độc lập nên vào cuộc và đưa ra bằng chứng xác thực.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraine khi đang trên đường từ Amsterdam, Hà Lan đến Kuala Lumpur, Malaysia ngày 17/7/2014, khiến 298 người thiệt mạng, hầu hết là người Hà Lan.
Bình luận