Ngày 16/11, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn.
Tại hội nghị, trả lời ý kiến cử tri về tiến độ đường sắt đô thị, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi vận hành thử cuối năm nay, đoạn trên cao thuộc dự án metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác thương mại dịp 30/4/2024.
Theo ông Tuấn, khi chạy thương mại đoạn trên cao của metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ góp phần nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của thành phố từ 19% lên 21,5%.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang nghiên cứu hai đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cấm xe máy tại các quận năm 2030 và thu phí phương tiện vào nội đô. Tuy nhiên, chỉ khi vận tải công cộng đạt 30 - 35% mới tính đến khả năng hạn chế phương tiện cá nhân.
TP Hà Nội coi đường sắt đô thị là “xương sống” của vận tải hành khách công cộng và đã quy hoạch 10 tuyến đến 2030 với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, ngầm 75km. Tuy nhiên, hiện mới có metro Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại sau 12 năm triển khai.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nếu theo tiến độ các dự án đang triển khai thì phải mất 150 năm mới hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Do đó, TP Hà Nội đang xây dựng đề án để đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị, trong đó huy động nguồn lực tài chính. Dự kiến xây dựng 10 tuyến metro của Hà Nội mất khoảng một triệu tỷ đồng.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km. Tổng đầu tư dự án hơn 34.800 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng.
Dự án được khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng đã phải nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Tháng 3, TP Hà Nội đề xuất vận hành đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023; khai thác, vận hành toàn tuyến năm 2027.
Bình luận