1. "Lionel Messi đang phải gánh cả Argentina trên lưng. Bóng ma thất bại trong quá khứ vẫn ám ảnh, chừng nào Messi có thể bước đến và vượt qua", cây bút Rory Smith viết trên New York Times, một ngày trước trận chung kết Copa America 2021.
Không cần phải là chuyên gia bóng đá hàng đầu của báo Mỹ để cắt nghĩa được nỗi ám ảnh của Messi. Một trong những khoảnh khắc được tìm kiếm nhiều nhất tại World Cup 2018, không phải siêu phẩm của Kylian Mbappe hay cú hattrick của Cristiano Ronaldo, mà là cái bóp trán, vuốt mũi đầy mỏi mệt của Messi ở trận gặp Croatia tại vòng bảng.
Hôm ấy, Argentina thua 0-3. Messi không ghi bàn, mà đọng lại sau trận chỉ là ánh mắt nhắm nghiền của anh khi quốc ca Argentina vang lên.
Với Messi, Argentina là tình yêu, nhưng cũng là gánh nặng. Messi gồng gánh Argentina đúng nghĩa trong hơn một thập kỷ, chơi 4 trận chung kết, nhưng không lần nào vô địch, cũng không ghi được bàn thắng nào. Danh hiệu cấp độ ĐTQG lẩn tránh Messi từ năm 2007, khi Argentina thảm bại 0-3 trước Brazil ở chung kết Copa America.
7 năm sau, Messi ở độ chín sự nghiệp. Anh là đầu tàu đưa Argentina vào chơi chung kết World Cup, dù vậy, những pha bỏ lỡ của Gonzalo Higuain, Rodrigo Palacio và chính Messi đã làm vụn vỡ giấc mơ của "những vũ công Tango".
Đỉnh điểm nỗi đau là 2 trận thua trước Chile ở Copa America 2015 và 2016, trên 2 loạt đá luân lưu vĩnh viễn trở thành ám ảnh. Nhưng, đau đớn hơn cả thất bại, Messi luôn trở thành tâm điểm chỉ trích.
"Khi đội tuyển thất bại thì người ta chỉ trích riêng Messi bởi anh quá yếu kém thay vì đánh giá tập thể", Rory Smith đánh giá. Hai lần từ giã đội tuyển quốc gia và cái nhăn trái đầy âu lo tại World Cup 2018 là những vết hằn trên thân cây mục ruỗng.
2. Khi Barcelona đề nghị Messi ký vào bản thỏa thuận 10 năm, với 2 năm chơi bóng ở LaLiga và những năm còn lại sang Mỹ thi đấu, rồi trở về làm đại sứ thương hiệu, người ta mới giật mình nhận ra sự tàn nhẫn của thời gian. Ở tuổi 34, sự nghiệp của Messi sắp đi đến hồi kết.
Copa America 2021 là cơ hội cuối để Messi vô địch Nam Mỹ. Kỳ Copa America gần nhất diễn ra sau đây 3 năm, khi Messi đã 37 tuổi và có thể không còn khoác áo tuyển. Messi như ngọn đèn dầu, bùng cháy để soi đường cho bóng đá Argentina vượt qua giai đoạn khủng hoảng, rồi cạn nhiên liệu ở cuối sự nghiệp.
Ở Copa America, Argentina không có nổi một tuyển thủ đang chơi ở các đội hàng đầu, nếu không tính Angel di Maria và Lautaro Martinez. Một Argentina quá tầm thường, được dẫn dắt bởi một HLV bình thường, nên càng cần một người chỉ lối.
Trên đất Brazil, ngọn đèn Messi đã bùng cháy lần cuối cùng, dù siêu sao mang áo số 10 đã đốt hết sức cùng Barcelona - cũng đang trong giai đoạn chuyển giao đầy hỗn mang và bề bộn.
Trước trận chung kết, Messi in dấu giày vào 9/11 bàn thắng của Argentina. Anh là vua phá lưới, vua kiến tạo, vua rê dắt và vua tạo cơ hội cho đội bóng áo sọc trắng xanh.
Sự xuất sắc của Messi che mờ đi yếu kém của Argentina. Đội bóng của Lionel Scaloni không có một chiến thuật, chiến lược cụ thể nào. Quả bóng được nhồi cho Messi, thủ quân của Argentina di chuyển đến bất cứ nơi nào anh muốn trên sân, rồi tự mình ghi bàn, hoặc đẩy quả bóng nếu đồng đội may mắn đứng ở vị trí thuận lợi.
Messi lại gánh Argentina trên lưng, nhưng ở trận chung kết tại Maracana, anh không còn gánh một mình. Cả đội Argentina đã chìa vai ra gánh, giúp Messi vượt qua trường đoạn khó khăn nhất giải đấu.
3. Đường chuyền của Rodrigo de Paul cho Angel di Maria ghi bàn duy nhất của trận đấu, không phải là pha bóng phổ biến của Argentina, bởi đây là tình huống phối hợp không có dấu ấn Messi. Chỉ 25% số bàn thắng của Argentina ở giải này được ghi theo cách như vậy.
Video: Bàn thắng của Di Maria
Messi không tham gia vào bàn thắng, và anh cũng mờ nhạt ở trận chung kết. Messi bị theo kèm rất sát ở trận chung kết. Mỗi khi số 10 cầm bóng, 4 cầu thủ áo vàng lập tức ập vào. Vùng không gian xung quanh Messi bị Brazil thu hẹp đến mức tối thiểu.
Anh mờ nhạt, bỏ lỡ pha đối mặt ngon ăn cuối trận, nhưng không sao, bởi Messi không phải ngọn đèn áo sọc trắng xanh duy nhất cháy lên ở Maracana.
Rodrigo de Paul đã chơi xuất sắc khi quán xuyến tuyến giữa. Di Maria khuấy đảo hàng thủ và dứt điểm tinh tế để ghi bàn thắng duy nhất. Lautaro Martinez chạy không biết mệt, còn Gonzalo Montiel chiến đấu dù cổ chân đỏ máu sau pha va chạm.
Trận đấu không đặc sắc của Messi là minh chứng cho thấy anh chỉ là người phàm, không thể cứ mãi sắm vai người hùng để gánh gồng những kỳ vọng vô lý của người Argentina.
Messi chỉ là người phàm, sẵn sàng nhảy lên như một đứa trẻ hiếu chiến rồi buông lời khiêu khích sau khi Yerry Mina đá hỏng luân lưu ở bán kết. Messi cũng chỉ là người phàm, biết dày vò trước ám ảnh và cần một chức vô địch để khép lại quá khứ đẫm nước mắt cùng Argentina.
Messi chỉ là người bình thường làm nên những điều phi thường. Anh xứng đáng với chiếc cúp ở Maracana hơn bất cứ ai, với những giọt mồ hôi, máu, nước mắt và cả những cái cúi đầu đầy khó nhọc mỗi khi lỡ bước trước vinh quang. Những khổ đau và tiếc nuối đã ở lại phía sau.
Messi có thể thắng hoặc thua, tỏa sáng hoặc mờ nhạt, rồi cũng đến lúc phải dừng lại, nhưng có một điều CĐV Argentina không thể hoài nghi: Messi đã sống trọn vẹn từng khoảnh khắc với Argentina và sẵn sàng đổ máu vì màu áo này. Có một cầu thủ như thế, thắng hay thua đôi khi không còn quá quan trọng.
Bình luận