• Zalo

Mẹo tránh say tàu xe cực hiệu nghiệm

Gia đìnhThứ Hai, 02/05/2022 14:25:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Những mẹo đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn say xe gây ám ảnh khi phải vượt qua một chặng đường dài bằng ô tô hay tàu hỏa.

Chẳng ai muốn đi du lịch mà mang theo bộ mặt ỉu xìu, mệt mỏi, kém tươi tỉnh bởi say xe. Để không còn gặp phải tình trạng này, giữ cho cơ thể tràn đầy năng lượng để thoải mái vui chơi cho những ngày lễ, hãy lưu ý các việc nên làm trước khi lên xe và áp dụng các mẹo tránh say tàu xe cực hiệu nghiệm dưới đây. 

Những lưu ý khi đi tàu xe

Ngủ đủ giấc trước ngày khởi hành

Đây là điều rất quan trọng với bạn. Với một sức khỏe không tốt vì thiếu ngủ và lo lắng, bạn rất dễ bị say xe hoặc nôn nao.

Giữ tinh thần thật thoải mái

Bạn sẽ cảm thấy tình trạng say xe càng tồi tệ hơn nếu luôn cho rằng mình sẽ bị say xe, nhất là khi bạn chưa đi nhưng đã nghĩ đến những cảnh tượng say xe “hãi hùng”. Thay vào đó, bạn cần có sự chuẩn bị thật tốt về tâm lý, đừng nên nghĩ đến việc say xe.

Mẹo tránh say tàu xe cực hiệu nghiệm - 1

Mẹo tránh say tàu xe: Giữ tinh thần thoải mái.

Bạn có thể mang theo một vài món đồ ăn vặt, một chiếc máy nghe nhạc, nói chuyện cùng ai đó, hát một mình hoặc chơi vài món đồ chơi trí tuệ… để làm thú tiêu khiển trên xe, chúng sẽ giúp bạn quên đi cảm giác say xe. Nên nhớ rằng yếu tố tinh thần rất quan trọng vì nếu bạn luôn có tâm lý bi quan, tiêu cực rằng mình sẽ say xe thì cơn say sẽ càng dễ tìm đến bạn hơn.

Tránh ăn no và chuẩn bị đồ ăn nhẹ 

Trước khi đi, hãy cố gắng tránh ăn quá no hoặc uống đồ có cồn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng bước lên xe với cái bụng rỗng.

Nhiều người cho rằng, đi xe tốt nhất không nên ăn gì để tránh bị say, nhưng quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Một số nghiên cứu chứng minh rằng, việc đi xe khi bụng đói càng dễ kích thích tình trạng buồn nôn.

Do vậy, trước những chuyến đi xa, trước khi lên ô tô, bạn nên bổ sung đồ ăn cho cái bụng rỗng nhưng cần thận trọng với những gì nạp vào cơ thể. 

Bạn có thể ăn nhẹ với đồ ăn khô như bánh mì. Khi ăn bánh mì, tuyến tụy sẽ tiết ra trypsin. Men này trao đổi chất với axit amin trong bánh mì, có tác dụng trấn tĩnh thần kinh. Tránh những thức ăn có nhiều nước như phở, mì, bún hay các loại đồ uống có ga, có cồn.

Chọn ngồi ghế trước và không nhìn ngang

Mẹo tránh say tàu xe cực hiệu nghiệm - 2

Mẹo tránh say xe: Chọn ghế trước để ngồi hoặc ngồi ngay cửa sổ nơi thoáng khí.

Nếu bạn có “tiền sử” say xe thì tốt nhất nên chọn ghế trước hoặc ngồi ngay cửa sổ nơi thoáng khí. Thêm vào đó, khi đi xe bạn không nên nhìn ngang sang hai bên mà nên nhìn thẳng về phía trước. Tránh ngồi gần những người bị say tàu xe, nghe người khác nói về bệnh say xe hoặc nhìn thấy họ nôn mửa vì điều này cũng có thể làm cho bạn muốn nôn theo. Hãy cố gắng ngủ trên xe vì giấc ngủ sẽ giúp bạn quên đi cảm giác say. 

Không hút thuốc lá 

Khói thuốc lá sẽ khiến cho tình trạng say xe của bạn trở nên tồi tệ hơn, vì thế bạn nên đề nghị những người đi chung xe không hút thuốc lá.

Không đọc sách

Đọc sách trên xe cũng là thói quen xấu vì khiến mắt phải điều tiết nhiều, gây suy giảm thi lực và khiến bạn dễ bị say xe hơn. Nếu có thể, bạn hãy mở cửa sổ ô tô để có thể tận hưởng không khí trong lành từ thiên nhiên.

Quấn khăn 

Phương pháp quấn khăn để giữ ấm từ phía sau gáy ra trước ngực cũng là mẹo tránh say tàu xe hữu hiệu. Trong trường hợp thời tiết quá nóng nực thì không nên áp dụng vì nó có thể khiến bạn thêm bức bí, khó chịu.

Một số mẹo tránh say tàu xe

Mẹo tránh say tàu xe cực hiệu nghiệm - 3

Mẹo tránh say tàu xe cực hiệu nghiệm: Dùng gừng, chanh, khoai...

Cảm giác buồn nôn và nôn ói là biểu hiện thường gặp nhất khi bị say xe. Để hạn chế những cơn nôn, bạn có thể sử dụng các thực phẩm dưới đây:

  • Gừng: Hãy mang theo một vài lát gừng tươi khi đi ô tô để ngửi và nhấm nháp khi thấy buồn nôn. Bột gừng khô cũng có hiệu lực chống say xe rất tốt, không gây ra cảm giác buồn ngủ, khô miệng, táo bón. Gừng có tác dụng làm êm dịu dạ dày, bạn có thể ngậm gừng tươi, kẹo gừng, bánh gừng hoặc uống trà gừng.

  • Chanh, quýt, cam: Tinh dầu có trong vỏ của các loại quả này giúp an thần nhẹ, làm cân bằng hệ thống thần kinh. Bạn có thể gấp vỏ thành một ống nhỏ nhét vào hai lỗ mũi hoặc bấm móng tay vào vỏ quýt để tinh dầu bay vào mũi, tránh việc hít phải những loại mùi “kinh khủng” trên xe. Ngoài ra, ăn cam hay quýt cũng có tác dụng rất tốt trong việc phục hồi thể trạng sau quãng đường dài di chuyển mệt mỏi

  • Lá trầu: Bạn có thể sử dụng lá trầu dán vào rốn, dùng chiếc vải xô, khăn mùi xoa lót, rồi dùng băng dính hoặc khăn buộc cho lá trầu cố định lại. Lá trầu sẽ có tác dụng làm ấm vùng rốn. Giữ 1-2 lá cầm tay, thi thoảng ngửi để "át" mùi của xăng xe và cản trở gió, giúp bạn đỡ mệt mỏi, say xe.

  • Bạc hà: Bạn có thể dùng bạc hà như một loại thảo mộc có tác dụng trị say xe. Hãy chuẩn bị khoảng 2 lá bạc hà và ăn khi bạn có cảm giác buồn nôn. Kẹo bạc hà cũng mang lại hiệu quả tương tự.
  • Bánh mì: Bạn có thể ngửi vỏ bánh mì để tránh hít phải khí gas hoặc mùi xe cộ gây buồn nôn.

  • Dầu gió: Khi ngồi trên xe, lấy dầu gió bôi lên huyệt thái dương và huyệt phong trì. Cũng có thể nhỏ 2 giọt dầu gió vào lỗ rốn, sau đó lấy băng che đi là được. 

  • Cao giảm đau: Trước khi lên xe, lấy một miếng cao giảm đau dán vào rốn, cách này có thể giúp tình trạng say xe không trầm trọng thêm.
  • Khoai lang: Khoai lang sống rất hiệu quả trong việc phòng chống say tàu xe, nó có tác dụng chống co thắt và trung hòa axit trong dạ dày do tác dụng chống nôn. Cách dùng: Khoai lang tươi làm sạch, ăn nhai nuốt cả bã.

  • Bánh quy: Các loại bánh quy giòn, đặc biệt là bánh quy mặn có tác dụng hấp thu axít trong dạ dày nên ngăn ngừa hiệu quả các triệu chứng say tàu xe.
  • Một phương pháp đơn giản khác để giảm bớt các triệu chứng say xe là nhai kẹo cao su và uống từng ngụm nước nhỏ trong suốt chuyến đi.

Nếu bạn là người say xe nặng, có thể dùng thuốc chống say để ngăn chặne. Có nhiều loại thuốc chống say tàu xe, hầu hết có tác dụng sau uống 30 phút đến 2 giờ, thời gian kéo dài tác dụng tùy thuốc, từ 4-8 giờ cho đến 3 ngày. Tuy nhiên, chỉ nên dùng theo liều chỉ định, một số thuốc không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Đây cũng chỉ là phương pháp tạm thời, nếu bạn muốn ổn định lâu dài thì biện pháp tốt nhất là tập luyện trong một thời gian dài hoặc ngồi tàu, xe liên tục để nâng cao khả năng thích ứng của cơ quan tiền đình đối với vận động không có quy tắc. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên rèn luyện thể lực để cải thiện sức khoẻ.

Hạ Vy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn