• Zalo

Méo mặt vì trót mang vàng gửi ngân hàng

Kinh tếChủ Nhật, 29/09/2013 01:36:00 +07:00Google News

Người dân có vàng gửi ngân hàng tại Hà Nội ngã ngửa khi bị đề nghị nộp thêm phí dù trước đó ngân hàng cam kết chỉ thu phí 6 tháng đầu rồi miễn thu vĩnh viễn.

Người dân có vàng gửi ngân hàng tại Hà Nội ngã ngửa khi bị đề nghị nộp thêm phí dù trước đó ngân hàng cam kết chỉ thu phí 6 tháng đầu rồi miễn thu vĩnh viễn.

Hứa miễn rồi lại thu

Chị Thu Hà, nhà ở phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, cách đây gần 6 tháng, chị có gửi 27,4 cây vàng tại phòng giao dịch của ACB trên đường Võ Văn Dũng (quận Đống Đa) với mức phí gửi hơn 2 triệu đồng/6 tháng.

Khi gửi, nhân viên ngân hàng cam kết chỉ thu phí gửi vàng trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 trở đi, ngân hàng miễn vĩnh viễn thu phí gửi vàng. Tuy nhiên, sau gần 6 tháng, kỳ hạn gửi vàng vẫn chưa hết, nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu chị đến ký lại hợp đồng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông báo sẽ phải nộp tiếp phí gửi vàng khi hợp đồng kết thúc.

gửi vàng ngân hàng
Người dân có vàng gửi ngân hàng tại Hà Nội bức xúc khi bị đề nghị nộp thêm phí dù trước đó ngân hàng cam kết chỉ thu phí 6 tháng đầu rồi miễn thu vĩnh viễn. 

“Chẳng khác nào họ tìm cách “lật lọng”, thay đổi toàn bộ chính sách đã cam kết với khách hàng trước đó. Từ được miễn phí, bây giờ tôi sẽ phải nộp thêm cả triệu đồng/năm so với hợp đồng trước. Tôi sẽ bàn lại với các thành viên trong gia đình về việc rút toàn bộ tiền đang gửi khỏi ACB khi kết thúc kỳ hạn để chuyển sang ngân hàng khác, đề phòng có những thay đổi chính sách bất thình lình tương tự trong tương lai”, chị Hà tuyên bố.


Việc đầu tư những kho giữ vàng đạt tiêu chuẩn rất tốn kém trong khi mức phí thu về không phải là cao khiến ngân hàng không mặn mà. Cũng có một số ngân hàng có bài học bị lỗ cả nghìn tỷ đồng từ “cuộc chơi” vàng nên họ cũng muốn rút dần khỏi dịch vụ này.

Tương tự trường hợp của chị Hà, bà N., ở phố Trần Quang Diệu (Đống Đa) cho biết, cách đây hơn một tuần, bà cũng bị nhân viên của ngân hàng ACB gọi điện thông báo ra ký lại hợp đồng và phải trả thêm phí nếu muốn gửi tiếp. Nếu không đồng ý thì phải mang vàng về.

Bức xúc trước cách hành xử “tiền hậu bất nhất” của ngân hàng này, bà đã rút toàn bộ số vàng gửi tại đây về. “Trước họ bảo tôi là khách hàng thân thiết nên chỉ thu phí trong 6 tháng đầu, sau đó sẽ không thu phí nữa. Giờ lại thất hứa như vậy. Dù biết mang số vàng tới vài chục cây từ ngân hàng về nhà như vậy là rất nguy hiểm nhưng tôi vẫn phải làm để cho họ thấy sự bất bình của tôi. Con tôi cũng gọi điện bảo tôi phải rút toàn bộ cả tiền tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng này về chuyển sang gửi ở ngân hàng khác”, bà cho biết.

Theo một nhân viên phòng giao dịch Tiên Phong Bank Đống Đa ngân hàng này hiện đang áp dụng mức phí giữ hộ vàng 11.000 đồng/lượng/tháng với nhiều kỳ hạn khác nhau, tối đa là 36 tháng. “Khi khách hàng gửi vàng tại đây, ngân hàng có ghi lại số seri và các thông số khác. Nhưng khi trả lại, ngân hàng có thể sẽ trả lại vàng không đúng seri mà khách gửi”, nhân viên này cho biết. Một nhân viên phòng giao dịch của Techcombank ở Đống Đa cũng lưu ý, hiện ngân hàng này đã tạm dừng nhận gửi vàng của dân. “Trước thời điểm tháng 6 vừa rồi, ở phòng giao dịch của chúng em có nhận gửi vàng nhưng nay đã tạm dừng”, nhân viên này cho biết.

Hết mặn mà với vàng?

Về trường hợp của khách hàng phải trả thêm phí gửi vàng, ông Dương Mạnh Hường, Giám đốc phòng giao dịch ACB Hoàng Cầu khẳng định, ngân hàng phải yêu cầu khách hàng đến ký lại hợp đồng và trả thêm phí giữ hộ vàng là do tuân thủ quy định từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trước đây, do không có quy định cụ thể, nên ngân hàng ký hợp đồng khá “mở” với khách hàng. Theo đó, ngân hàng chỉ thu phí 6 tháng đầu tiên và cam kết không thu phí vô thời hạn trong suốt thời gian sau đó. Giờ NHNN yêu cầu, nên ACB phải thực hiện.

“Rất nhiều khách hàng của chúng tôi phải ký lại hợp đồng như vậy. Ngân hàng sẽ có chính sách ưu đãi bằng cách chỉ thu 10% mức quy định, tương đương 2.000 đồng/lượng. Như vậy, nếu gửi tiếp vàng tại ngân hàng, chị Hà sẽ phải nộp thêm 51.000 đồng/tháng/số vàng gửi. Chúng tôi sẽ xin ý kiến của Hội sở về việc thu này để hỗ trợ khách hàng. Mong khách hàng thông cảm”, ông Hường giải thích.

Thành viên HĐQT một ngân hàng có trụ sở ở phía Nam cho biết, việc các ngân hàng không mặn mà với gửi vàng là có lý do. Trước đây các ngân hàng huy động vàng vì có thể dùng 30%-40% số vàng huy động này chuyển đổi thành tiền để cho vay, mang thế chấp cho ngân hàng khác hoặc bán lấy tiền ngắn hạn cho mục đích khác. Nay NHNN cấm việc này đồng thời yêu cầu phải trả đúng số seri vàng mà người dân đã gửi. Điều này khiến ngân hàng không thể kiếm lợi “khủng” nữa.

Tìm hiểu của phóng viên, một số ngân hàng dù đã được cấp phép dịch vụ giữ hộ vàng nhưng thời gian gần đây chỉ hạn chế nhận gửi vàng tại các hội sở, chi nhánh thay vì nhận gửi cả ở các phòng giao dịch như trước đây. Mức phí giữ hộ vàng của nhiều đơn vị khá khác nhau. Đặc biệt, một số ngân hàng có thỏa thuận với khách về điều khoản riêng về gửi và trả vàng. Theo đó, ngân hàng có thể trả lại vàng khác với số seri vàng mà khách gửi.

Theo Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn