• Zalo

Mẹo hay chống say xe khi đi du lịch

Sức khỏe Thứ Hai, 11/06/2012 07:00:00 +07:00Google News

(VTCNews) - Bạn sẽ cảm thấy tình trạng say xe càng tồi tệ hơn nếu như bạn luôn cho rằng bạn sẽ bị say xe, ngay kể cả khi bạn chưa đi xe nhưng vẫn nghĩ đến nó.

(VTC News) - Mùa hè đã đến rồi, những chuyến du lịch thám hiếm tới những miền đất xa xôi, kỳ bí đang thôi thúc bạn. Tuy nhiên, cứ mỗi khi nghĩ đến phải vượt qua một chặng đường dài bằng ô tô hay tàu lửa là bạn lại nản chí bởi cảm giác say xe sẽ lại “viếng thăm”. Những mẹo nhỏ đơn giản sau sẽ giúp bạn nói lời “tạm biệt” với những cơn say xe.

Giữ cho tinh thần thật thoải mái
Sẽ dễ say xe hơn khi bạn đầu hàng nó trong tư tưởng 
Bạn sẽ cảm thấy tình trạng say xe càng tồi tệ hơn nếu như bạn luôn cho rằng bạn sẽ bị say xe, ngay kể cả khi bạn chưa đi xe nhưng vẫn nghĩ đến những cảnh tượng say xe “hãi hùng”.
Thay vào đó, bạn cần có sự chuẩn bị thật tốt về tâm lý, đừng nên nghĩ đến việc say xe, hãy nghĩ đến việc bạn sẽ được hòa mình vui đùa cùng những con sóng biển, sẽ được khám phá những điều thú vị mà trước đó bạn chưa từng có cơ hội.
Có thể mang theo một vài món đồ ăn vặt, một chiếc máy nghe nhạc, nói chuyện cùng một ai đó, hát một mình hoặc một vài món đồ chơi trí tuệ …để làm thú vui tiêu khiển trên xe, chúng sẽ giúp bạn quên đi cảm giác say xe.
Nên nhớ rằng yếu tố tình thần rất quan trọng vì nếu bạn luôn có tâm lý bi quan, tiêu cực rằng bạn sẽ bị say xe thì cơn say sẽ càng dễ tìm đến bạn hơn.
Lựa chọn đồ ăn trước đó
Trước khi lên ô tô bạn không nên nhịn đói mà nên ăn lấp đầy chiếc bụng rỗng nhưng cần thận trọng với những loại đồ ăn thu nạp vào trong cơ thể. Không nên dùng những loại đồ uống có cồn, những thực phẩm giàu chất béo, những thực phẩm nặng mùi vì chúng sẽ khiến cho bạn dễ bị ghê cổ và buồn nôn.
Nên ngồi ghế trước và không nhìn ngang
Nếu bạn có “tiền sử” bị say xe thì tốt nhất nên chọn ghế trước để ngồi vì sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ bị say xe. Thêm vào đó, khi đi xe bạn không nên nhìn ngang sang hai bên mà nên nhìn thẳng về phía trước.
Hãy cố gắng ngủ trên xe vì giấc ngủ sẽ giúp bạn quên đi cảm giác say xe dễ dàng hơn.
Không hút thuốc lá và đọc sách
Khói thuốc lá sẽ khiến cho tình trạng say xe của bạn trở nên tồi tệ hơn vì thế bạn nên đề nghị những người đi chung xe với bạn không nên hút thuốc lá.
Đọc sách trên xe cũng là một thói quen xấu vì nó khiến mắt phải điều tiết nhiều, gây suy giảm thi lực và khiến bạn dễ bị say xe hơn. Như vậy đọc sách trên tàu xe không phải là một cách để phòng tránh tình trạng say xe như nhiều người vẫn tưởng, nên bạn cần phải từ bỏ thói quen này.
Thêm vào đó, nếu có thể thì bạn hãy mở cửa sổ ô tô để có thể tận hưởng không khí trong lành từ thiên nhiên cũng sẽ giúp bạn đỡ say hơn.
Mẹo hay mách bạn
Nôn ói là một biểu hiện thường gặp nhất khi bị say xe, để hạn chế những cơn nôn bạn có thể thực hiện theo những lời khuyên dưới đây:
Chuẩn bị gừng tươi: Hãy mang theo một vài lát gừng tươi khi đi ô tô để ngửi và nhấm nháp khi thấy buồn nôn. Nếu không có gừng tươi bạn có thể dùng kẹo gừng hoặc bánh gừng thay thế. 
Bạc hà: Ngoài gừng bạn có thể dùng bạc hà như một loại thảo mộc có tác dụng trị say xe. Hãy chuẩn bị khoảng 2 lá bạc hà và ăn khi bạn có cảm giác buồn nôn. Kẹo bạc hà cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Chanh, quýt, cam: Mùi thơm của vỏ chanh, quýt, cam sẽ lấn át mùi khó chịu của ô tô giúp bạn “đánh đuổi” cảm giác say xe.
Dầu gió: Khi ngồi trên xe, lấy dầu gió bôi lên huyệt thái dương và huyệt phong trì. Cũng có thể nhỏ 2 giọt dầu gió vào lỗ rốn, sau đó lấy băng che đi là được. 
Dấm ăn: Trước khi lên xe uống một ly nước ấm có pha dấm, như thế cũng có thể phòng chống được say xe. 
Cao giảm đau: Trước khi lên xe lấy một miếng cao giảm đau dán vào lỗ rốn, như vậy có thể phòng chống được say xe thêm trầm trọng.
Dùng thuốc chống say
Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại thuốc chống say xe khác nhau, tuy nhiên khi chọn mua thuốc bạn cần đọc kỹ thông tin về sản phẩm. Hãy chắc chắn rằng bạn không bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc và phải lường trước được những tác dụng phụ không mong muốn mà bạn có thể gặp phải.
Hơn thế nữa cần quan tâm đến cách dùng và liều dùng của thuốc để thuốc có thể phát huy tối đa tác dụng của nó.


Khổng Thu Hà (Theo HO)

Bình luận
vtcnews.vn