• Zalo

Mẹ Việt tâm sự cách dạy con: 'Đừng để cảm xúc của người lớn ảnh hưởng tâm lý con trẻ'

Đời sốngThứ Năm, 02/11/2017 08:00:00 +07:00Google News

Người mẹ này thú nhận, trong vô vàn cách dạy con, chị đã từng chọn cách dở nhất đó là tức giận, quát mắng con để con nghe lời, nhưng hiệu quả lại không được như vậy.

Đi làm về mệt quá, lại nhìn thấy bàn học của các con ngổn ngang bề bộn, tôi gọi cả ba đứa con lại, nổi giận vứt hết tất cả đồ đạc trên bàn xuống đất. Trong thâm tâm, tôi cho phép mình nổi giận vì muốn các con có được bài học về sự ngăn nắp trên chính bàn học của mình.

Ba đứa con tôi mất hết gần hai tiếng đồng hồ cặm cụi dọn dẹp sắp xếp lại bàn học của chúng. Hôm sau đi làm về, tôi thấy bàn học của cả ba đứa đều ngay ngắn gọn gàng, cả tủ sách cũng gọn ghẽ một cách bất ngờ.

Chị Ngô Phương Thảo và 3 đứa trẻ của mình

Nhưng trong bữa tối, con trai út năm tuổi của tôi, nhỏ nhẹ nói rằng: Mẹ, con thấy mẹ dạo này lạ lạ sao đó! Tôi hỏi, lạ lạ là sao hở con? Bạn ấy nhẹ nhàng nói: Con thấy mẹ dữ hơn hồi xưa! Hồi đó mẹ hiền lắm, mà sao hôm qua con thấy mẹ dữ ghê!

Tôi ráng nhịn cười, lại hỏi: Sao con nghĩ là mẹ dữ hơn hồi xưa? Bạn ấy nói, vẫn rất nhẹ nhàng, rằng: Hôm qua mẹ gạt hết đồ đạc trên bàn xuống đất, trong đó có một bức tượng, mẹ làm mẻ mất cái đuôi của con cá. Mà trong đó có những đồ đạc không cần thiết mẹ phải hất xuống, nhưng mẹ cũng hất, làm cho tụi con dọn lại cực khổ lắm đó mẹ.

Câu nói của con trai út năm tuổi, một lần nữa nhắc nhở tôi. Có rất nhiều cách để dạy dỗ con mình ngăn nắp, tôi đã dùng cách dở nhất để đạt được hiệu quả ngay tức thì, mà để lại trong lòng con một ấn tượng xấu về mẹ của chúng.

Nhớ hồi sanh mổ con, trong bệnh viện, ngày thứ hai, con trai tôi khóc ngằn ngặt. Tiếng khóc của cháu to và gắt, nghe rất khó chịu. Mặc dù bà ngoại và hai người giúp việc nuôi đẻ giàu kinh nghiệm thay nhau dỗ dành, con trai tôi càng lúc càng khóc to hơn.

Thấy không ổn, tôi bảo người nhà đưa cháu sang mẹ ẵm, dù vết mổ khi ấy còn tươi rất đau. Gắng gượng ẵm con vào lòng, tôi đưa bàn tay mình áp nhẹ nhàng vào lưng cháu, rồi xoa đầu cháu dịu dàng. Tôi nói vài lời thủ thỉ với con, mẹ đây nè, mẹ đây nè, ngoan, mẹ ẵm. Liền tức thì, cháu nín khóc hẳn.

Chị Ngô Phương Thảo, tác giả bài viết, hiện là bà mẹ ba con và đang làm việc trong ngành xuất bản tại TP.HCM. Ảnh: NVCC

Những ngày sau đó, cháu gần như không rời được tay mẹ. Hai tháng sau, khi đã về nhà, do phải một mình chăm cả ba đứa con, bao gồm anh chị của cháu, tôi thấm mệt và bắt đầu cáu gắt. Thỉnh thoảng, khi mẹ đang nấu cơm, cháu giật mình dậy và khóc váng lên, tôi chỉ cần chậm tay một chút là cháu gào ầm ĩ.

Khi ẵm cháu lên, tâm lý còn đang cáu, tay mẹ ẵm con không được nhẹ nhàng, cháu lại càng gào khóc to hơn. Tôi liền tự trấn tĩnh, hít thở một hơi thật sâu, khẽ ngân nga bài hát cháu yêu thích. Tay tôi lại nhẹ nhàng đặt ở lưng cháu, xoa nhè nhẹ  vỗ về. Tôi áp đầu cháu vào cằm mẹ, để cháu nghe được giọng hát mẹ rõ hơn. Lát sau, rất nhanh, cháu nín khóc.

Từ những trải nghiệm đó, tôi biết rằng tâm lý của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến tính tình, tâm trạng của đứa con mình. Hễ tôi vui thì các cháu tỏ ra ngoan và hứng khởi. Hễ tôi buồn chán tuyệt vọng, gương mặt các cháu ngơ ngác, buồn bã, thiếu sức sống.

Video: Cách dạy con kiểu tỷ phú của Donald Trump

Các con tôi thường phản ứng mỗi khi mẹ buồn, bằng cách léo nhéo gọi mẹ ơi mẹ à, phá phách lung tung, chọc ghẹo lẫn nhau để gây sự chú ý và dò xét phản ứng từ mẹ. Ban đầu, tôi đã cáu lại càng cáu thêm, đôi khi còn đánh mắng các cháu. Nhưng rồi khi thấy các con sợ sệt, hoảng hốt nhìn mẹ, lòng tôi thắt đau. Tôi thường ôm các con vào lòng, xin lỗi các con và khóc. Những giọt nước mắt của tôi thường được các con lau khô, dỗ dành.

Cùng với sự lớn lên của các con, tôi cũng dần trưởng thành. Tôi hiểu rằng ước muốn tột bực của một người mẹ là nhìn thấy con bình an, tươi vui, lành lặn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tôi cũng biết rằng, con tôi chỉ có thể hạnh phúc bình an khi mẹ chúng hạnh phúc, bình an. Bởi một lời nói, một cử chỉ biểu cảm của tôi có tác động ngay tức thì lên cảm xúc và nhận thức của các con. Từ ý thức đó, tôi bắt đầu ứng dụng vào thực hành.

Những lúc quá buồn, quá lo lắng, tôi hạn chế về thẳng nhà để các con không phải nhìn thấy tâm trạng xấu của mẹ. Trước khi la mắng con, tôi tìm những từ ngữ và ngữ điệu thích hợp để thay thế, bởi tôi biết, càng la mắng thì con càng lì lợm, cứng đầu hơn.

Thường thì tôi tìm được một câu đùa hài hước để thay thế cho một câu mắng mỏ. Chẳng hạn, khi tôi hỏi mà cháu không dạ thưa, trả lời trỏng trỏng, tôi cười nhẹ nhàng và hỏi: “Ủa, con cho chữ “dạ” nghỉ ngơi rồi hay sao?”. Tức thì con tôi bẽn lẽn nói: “Mẹ hỏi lại đi, con trả lời lại!”(sau đó cháu dạ thưa hẳn hoi).

Tôi cũng hiểu rằng, trong quãng đời làm mẹ rất dài phía trước, cũng có những lúc tôi quên, để cho phản ứng bản năng hay cảm xúc tức thì dẫn dắt. Tôi cũng biết rằng, sự nghiêm khắc nếu không đi cùng với sự bao dung và khả năng kiềm chế, sẽ xảy ra những “vết roi” vô hình trong ký ức non nớt của con trẻ.

Tôi tự nhủ, cố gắng làm người mẹ hiền, với ước mong con tôi sẽ nhìn vào và học được từ mẹ…

Sài Gòn, mùa hè 2015

Thơm Thảo
Bình luận
vtcnews.vn