Vụ lùm xùm về chất lượng Donlait, cùng lúc giá sữa ngoại liên tiếp tăng thêm một lần khiến các bà mẹ lo lắng. Tốn tiền, chuốc phải nỗi lo không ít mẹ trẻ đã cho rằng có nhất thiết dùng sữa ngoại cho con.
Sữa ngoại xách tay: Vừa uống vừa run
Đọc được thông tin sữa ngoại không đảm bảo, chị Lan Hương, ở Trung Hòa Nhân Chính không khỏi lo âu. Đang cho con sử dụng một loại sữa ngoại có xuất xứ từ Pháp tại một shop hàng xách tay gần nhà, chị Hương đang lo lắng có nên tiếp tục dùng sản phẩm này nữa hay không.
“Cho con dùng sữa ngoại nhưng mình cũng lo lắng. Cứ tưởng cho con dùng đồ ngoại là tốt, nhưng sản phẩm không đúng chất lượng, chẳng khác gì hại con mình. Sữa xách tay thì không có nhãn mác tiếng Việt, mình cũng chỉ đọc biết thế chứ không đảm bảo được sữa chính hãng hay không”, chị Hương chia sẻ.
Cũng như chị Hương, chị Ngân tại Thanh Xuân cũng nói: “Sợ quá, mình cho con uống sữa xách tay cũng từ Pháp, không hiểu có phải từ nước này hay không”.
Hiện, chị Hương đang nhờ mấy người bạn quen sống bên Pháp kiểm tra về loại sữa này. “Tự nhiên lo quá vì con uống sữa mãi không tăng cân, mình run thật”. Chị Ngân cho biết, chị dùng được 11 hộp sữa loại này cho con nhỏ. Trước đây, được một chị bạn giới thiệu và tặng con chị 1 hộp dùng thử, sau đó chị tìm mua tại các shop trên mạng vì không muốn con đổi sữa.
Một thành viên diễn đàn chia sẻ: “Hồi tháng 7, chị bạn bên Đức nói rằng bên đó rất khó mua một loại sữa ngoại, nhưng không hiểu sao ở Việt Nam lại bán ầm ầm. Hy vọng tốt cho con, mẹ bấm bụng mua nhưng có ngờ dâu lại là thuốc độc cho con.”
Không ít bậc phụ huynh cùng chung lo lắng nguồn gốc xách tay của nhiều loại sữa ngoại có thể bị làm giả hay không. Hiện nay, nhiều loại sữa ngoại nhập về Việt Nam qua hình thức xách tay, hầu hết không có nhãn mác tiếng Việt cũng như kiểm định chất lượng sản phẩm. Cũng chính vì nhập không chính thức nên các sản phẩm này đều không có tem nhập khẩu và bảo quản tốt, thậm chí, ngày sản xuất có thể bị tẩy xóa, đậm nhạt, in cao thấp khác nhau.
Giá mỗi hộp sữa ngoại xách tay không thường đội giá lên gấp nhiều lần so với sản phẩm thông thường do cộng thêm nhiều chi phí. Nhưng do tin tưởng vào chất lượng sữa ngoại, nhiều bà mẹ đã bỏ tiền triệu để mua những loại sữa này cho con mỗi tháng. Trên nhiều diễn đàn, đa số người tiêu dùng “tin đó là sữa thật”, bởi… không thể kiểm chứng. Và cứ thế, người này truyền tai người kia và mua về cho con dùng vì tin rằng sữa được sản xuất và đóng bao tại nước ngoài sẽ chất lượng hơn loại thành phẩm trong nước.
Lãnh đạo một đơn vị quản lý thị trường cũng thừa nhận, tình trạng sữa ngoại nhập lậu trôi nổi rất khó kiểm soát. Phần lớn sữa nhập về Việt Nam là hàng nhập lậu, thu gom từ nhiều nguồn, không loại trừ là hàng cận date. Sau khi lọt vào nội địa, hàng hóa được thay mác, đổi nhãn, xóa hết thông tin gốc của sản phẩm, tung ra bán cho người tiêu dùng. Thậm chí, một số đối tượng buôn lậu lớn còn có công nghệ xóa hạn sử dụng và in hạn sử dụng mới. Do đó, mới có tình trạng một số người mua phải hàng còn date mà sản phẩm đã bị hỏng.
Sao cứ phải là ngoại?
Đồng quan điểm, một thành viên diễn đàn về mẹ và bé cho hay: “Tớ đã đi rất nhiều nước nhưng thấy chỉ có ở nhà mình mới có hiện tượng các mẹ chuộng sữa xách tay. Thực ra là các mẹ đang mạo hiểm với sức khỏe và sự phát triển của con mình”.
Thành viên này phân tích, sữa xách tay đa phần nhập về dưới hình thức nhập lậu. Các mẹ đừng tin là có chuyện “xách tay” mà xách được nhiều tới mức bán tràn lan trên thị trường, mà khi người ta đã cố ý lừa dối cả Hải quan... thì lấy gì đảm bảo là họ không lừa dối về nguồn gốc... của sữa.
Kể cả, khi hoàn toàn tin tưởng nguồn gốc của sữa, có một điều đơn giản là nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em mỗi nước/khu vực là khác nhau. Tùy mỗi nước mà các hàm lượng gia giảm theo thống kê chung về các chất mà người dân nước đó thiếu. Sữa dành cho bé ở Nhật/Pháp chẳng hạn chưa chắc đã là tốt cho trẻ ở Việt Nam, trường hợp sữa nội địa của Nhật không được bổ sung i-ốt trong khi sữa xuất khẩu được bổ sung i-ốt là ví dụ điển hình.
Còn việc một nhãn hiệu sữa nói là từ Úc/Pháp,...mà không thấy bán ở nước đó, các mẹ cũng đừng vội kết luận nó là hàng giả. Ví dụ ở Úc, Pháp sản xuất sữa tươi, sữa bột rất đơn giản, doanh nghiệp họ hoàn toàn có thể đặt hàng sản xuất một loại sữa với thương hiệu của họ rồi mang về Việt Nam bán, đây là việc hoàn toàn hợp pháp và bình thường. Nhưng với các hãng lớn thì doanh nghiệp Việt Nam không thể đặt hàng được, họ có nguyên tắc và thương hiệu riêng rất chặt chẽ.
Thành viên này cũng đưa ra lời khuyên, tốt nhất là nên mua hàng phân phối chính thức, có công ty đại diện đàng hoàng, tìm hiểu kỹ về thành phần, uy tín của sản phẩm trước khi dùng cho bé. Người tiêu dùng tốt nhất tự trang bị kiến thức và hiểu biết của mình để không vô tình trở thành người tiếp tay cho hành vi buôn lậu và đặc biệt, cần cẩn trọng trước khi mua sữa “xách tay” kẻo vừa mất tiền mà lại rước họa vào thân.
Để bảo vệ mình, người tiêu dùng trước hết cần thay đổi tâm lý chủ quan đối với chất lượng của sữa “xách tay”. Thay vì mua trên mạng, mua qua lời giới thiệu, người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm ở những siêu thị lớn, cửa hàng đại lý uy tín, có chứng nhận của nhà phân phối chính hãng.
Chị Trang, sống tại Khâm Thiên chia sẻ: “Mình hay cho con uống sữa tươi của Việt Nam, mặc dù phải mua thường xuyên nhưng bù lại con mình phát triển chiêu cao, khỏe mạnh, về mặt kinh tế mình cũng tiết kiệm khối tiền. Đâu cứ phải chăm chăm mua sữa ngoại mới là yêu con.”
Theo Duy Anh/Vietnamnet
Bình luận