Trong ngôi nhà có tuổi đời hơn 40 năm ở thôn Vàng 3, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội, mẹ, vợ và người thân Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô E22, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đang vật vã với tận cùng nỗi đau. Anh ra đi khi thực hiện nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Thượng tá Vũ Văn Khánh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô E22, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, cùng các đồng đội và gia đình Thượng tá Thịnh ngồi tiếp khách đến thăm hỏi, chia buồn. Mấy bộ bàn ghế, tấm bạt dựng vội để chuẩn bị lo hậu sự cho người sỹ quan công an vừa hy sinh.
Cháu Nguyễn Gia Huy, con trai lớn của anh Thịnh sụt sùi nước mắt kể lại thời khắc cuối cùng được gặp cha: "Mẹ cháu đưa em gái đi học, cháu định đi tắm còn bố ngồi ăn cơm một mình. Bố bảo cháu đừng đi tắm vội, ngồi đây đơm cơm cho bố để bố đi công tác không muộn. Hỏi bố bao giờ về, bố bảo: 'Yên tâm đi, mai kia bố về, bố còn đi lớp bồi dưỡng cán bộ'. Tự nhiên cháu cũng có linh cảm xấu.
"Hôm qua khi thấy trên mạng đăng thông tin có 3 cán bộ chiến sỹ công an hy sinh ở Đồng Tâm, cháu xem thấy rất lo. Rồi trong các comment có người bình rằng 'ông bác hy sinh', cháu nghĩ đó phải là người lớn tuổi. Rồi đọc những dòng comment tiếp theo thì thấy tên bố cháu. Cháu rụng rời chạy vào đơn vị bố. Chẳng ai nói với cháu là bố hy sinh, nhưng nhìn ánh mắt họ, cháu hiểu đã mất bố rồi…”.
Mẹ Thượng tá Thịnh năm nay 74 tuổi nói về con trai trong nước mắt: “Nhiều năm nay nó có về ăn Tết đâu. Gần nhất là hôm mùng 6 nó về gặp tôi, hỏi nó năm nay có về ăn Tết không thì nó bảo con chưa biết, công việc còn bộn bề lắm. Cả nhà đang chuẩn bị đón Tết thì nó đi mất thế này đây. Biết bao giờ gặp được con…”. Bà bảo, bà thương các cháu.
Thượng tá Vũ Văn Khánh kể về người đồng đội của mình bằng sự trân trọng rằng, Thượng tá Thịnh là một cán bộ năng nổ, tận tâm và trách nhiệm. Là cán bộ chịu khó học hỏi và rèn luyện bản lĩnh, anh luôn hoàn thành tốt công việc của người chỉ huy. Ngay sau khi anh hy sinh, đơn vị cắt cử người về động viên gia đình và cùng gia đình, chính quyền địa phương lo hậu sự chu đáo cho anh.
Thượng tá Thịnh sẽ được đưa về nghĩa trang liệt sỹ xã Cổ Bi, vùng quê thanh bình nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi có mẹ, có anh chị em luôn thương nhớ và tự hào về anh. Cô cháu gái năm nay mới học lớp 7, còn Nguyễn Gia Huy học đại học năm thứ hai ĐH Giao thông vận tải.
Từ tối qua đến giờ, ngôi nhà nhỏ của gia đình Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh có nhiều bà con làng xóm và đồng đội của anh đến thăm hỏi, chia buồn. Chị Tạ Thị Lộc, sinh năm 1978, vợ Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh không đủ sức tiếp khách, có đồng đội của chồng cùng họ hàng, bà con thân thiết hỗ trợ.
Những đứa con của anh, dù sốc nặng trước sự ra đi đột ngột của bố, nhưng vẫn cố gắng vững vàng: “Cháu lấy niềm tự hào về bố để vượt qua nỗi đau này” – Gia Huy chia sẻ, cố nén mà nước mắt vẫn không ngừng rơi.
Những chiến sỹ công an, giữa thời bình vẫn chịu nhiều hy sinh, gia đình các anh cũng vậy, họ cũng phải gánh nỗi đau mất mát quá lớn vì một cuộc sống bình yên cho mỗi mái nhà, và điều an ủi còn lại là niềm tự hào về người ra đi, là sự ấm áp tình đồng đội, sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân.
Bình luận