Chị Phan Hồ Điệp, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra một số ví dụ về các bài toán có yếu tố xác suất, thống kê phụ huynh có thể tự dạy con mình ở nhà. Những bài toán này xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống, chỉ là từ trước đến nay, phụ huynh chưa để ý nên cảm thấy xa lạ.
Bài toán 1: Để 3 hạt đậu màu đỏ và 5 hạt đậu màu đen vào trong cái bát và hỏi con những câu hỏi sau:
- Nếu nhắm mắt bốc hạt đậu, con nghĩ là khả năng cao ta sẽ bốc vào hạt đậu màu nào? (màu đen).
- Liệu có khi nào mà ta bốc hạt đậu màu vàng không?.
- Cần phải bỏ ra bao nhiêu hạt đậu màu đỏ để khi bốc chắc chắn chỉ bốc hạt màu đen thôi? ( bỏ ra cả 3 hạt).
- Cần phải làm thế nào để khi bốc hết số hạt đậu trong bát thì số hạt màu đỏ và màu đen bốc được là bằng nhau? ( bỏ bớt ra để có 3 hạt màu đen và 3 hạt màu đỏ hoặc thêm vào để có 5 hạt màu đỏ và 5 hạt màu đen).
Theo chị Điệp, những câu hỏi đơn giản đó chính là xác suất, nó không hề xa là với chúng ta.
Bài toán 2: Xác suất có thể áp dụng khi chúng ta reo con xúc xắc, phụ huynh hãy hỏi:
- Khi tung, mặt ít chấm nhất là mặt nào?.
- Mặt nhiều chấm nhất là mặt nào?.
- Liệu con sẽ tung nhiều nhất vào mặt nào? Câu hỏi này thì bạn nên làm cho con một tờ giấy với một bảng biểu, cứ mỗi lần con tung lại đánh dấu vào và sau đó xem lần tung mặt nào nhiều nhất.
Chị Điệp cho biết, trò này vừa dạy con khả năng tập trung, vừa dạy “thống kê” bằng bảng biểu rất đơn giản. Xác suất còn có thể dạy con khi để con đoán xem liệu khả năng mình sẽ gặp đèn xanh, đỏ hay vàng; liệu khi ta trồng 5 hạt đậu có mấy hạt nảy mầm và nếu tăng số lượng hạt đậu lên thì số hạt nảy mầm sẽ tăng lên thế nào?.
Phụ huynh cũng có thể dạy con “thống kê” xem trong nhà ai sinh vào tháng nào, thích màu gì, xem ai có tháng sinh giống nhau, sở thích giống nhau… Hoặc những bài toán đơn về việc có ba đôi tất khác màu trong cái hộp, cần ít nhất mấy lần lấy để được đôi cùng màu?.
Cứ như thế, xác suất xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống, chỉ là từ trước đến nay bạn chưa để ý nên cảm thấy xa lạ, chị Điệp cho hay.
Phụ huynh cũng nên dạy con những khái niệm như: Ít nhất/ Nhiều nhất/ Có khả năng nhất/ Ít khả năng/ Không thể xảy ra… dạy ngôn ngữ liên quan đến toán là thế.
Bài toán 3: Chơi trò “hack não” với các bạn lớp 1,2 để xem “ai thông minh hơn.
Bình và An rất thích đá bóng. Vào tuần trước: Bình sút 10 quả thì vào lưới 2 quả và An sút 10 quả thì vào lưới 3 quả. Như vậy, ai đá giỏi hơn? Chắc chắn là An rồi.
Tuần này: Bình sút 100 quả và vào lưới 53 quả. An sút 10 quả và vào lưới 6 quả. Như thế, ai đá giỏi hơn? Vẫn là An.
Nhưng bây giờ sẽ cộng lại cả hai tuần: Bình sút 110 quả và vào lưới 55 quả ( 50%). An sút 20 quả và vào lưới 9 quả (45%). Như vậy, bây giờ thì thấy Bình lại đá giỏi hơn An?. Tại sao?.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ rằng sau khi đố các bài toán này chưa thấy lớp nào được hỏi các bạn lại không trả lời được cả.
"Điều tôi mong muốn nhất là không biến các công cuộc cải cách giáo dục thành cuộc khua chiêng gõ mõ rồi đâu lại vào đấy. Người nói cứ nói người làm cứ làm, chỉ có học sinh là khổ. Hy vọng “xác suất” là những điều tiêu cực đến với các con", chị Điệp nhận định thêm.
Bình luận