Tại hội thảo “Tài năng là thiên phú hay quá trình”, chị Phan Thị Hồ Điệp - mẹ của Đỗ Nhật Nam chia sẻ cậu con trai đã có ước mơ đi du học khi còn rất nhỏ. Đỗ Nhật Nam cũng luôn có tinh thần sẵn sàng chuẩn bị đi du học ngay từ khi ở cấp 1 và cấp 2. Và thực tế sau năm lớp 7, Nam đã đi du học.
Vì vậy, chị Điệp cho rằng muốn con thành công hay muốn con đi du học thì phụ huynh nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
"Dạy Nam biết đọc biết viết từ khi rất sớm, mình luôn nghĩ càng sớm càng tốt. Mình luôn trò chuyện và thông qua các trò chơi để dạy học. Thông qua trò chơi, làm cho tư duy về ngôn ngữ phát triển. Mình nhận ra giáo dục gia đình rất quan trọng, ở gia đình nào bố mẹ nào trò chuyện và chơi với con thì con cũng phát triển tốt hơn", chị Điệp chia sẻ.
Cũng có cùng quan điểm này, bà An Quyên, Giám đốc điều hành hệ thống IvyPrep Educationchia sẻ thêm, việc bắt đầu sớm sẽ tạo cho đứa trẻ tinh thần ham học hỏi, dẫn dắt đứa trẻ trong quá trình học tập sau này.
"Nếu ngay từ đầu, con cảm thấy học là một gánh nặng thì khó có thể học tập tốt, bởi vậy giai đoạn này, phụ huynh nên tạo cho con sự say mê và niềm vui trong học tập chứ không phải gánh nặng điểm số", bà Quyên chia sẻ.
Nói về quá trình học tiếng Anh của Đỗ Nhật Nam, chị Phan Hồ Điệp kể: “Mọi quá trình Nam học đều diễn ra chậm rãi, từ từ, chia nhỏ. Nam hay có lộ trình 3 tháng, hay 6 tháng để thực hiện một mục tiêu, nhưng nếu không được lại quay lại từ đầu. Việc làm có chủ đích, khiến cho con có mục tiêu. Dù con bắt đầu từ giai đoạn nào cũng cần có mục tiêu".
Chị Điệp cũng lấy ra ví dụ đơn gian mỗi một ngày, con sẽ đề ra những mục tiêu ngày hôm nay, hoặc ngày hôm sau, từ những việc rất nhỏ: như lời cảm ơn, nói một bài thuyết trình…
"Buổi tối ngồi kiểm điểm lại nếu mình chưa thực hiện hoặc gặp những thách thức gì… Trong mỗi một ngày luôn luôn có thời gian học tiếng Anh, coi như một món ăn nên không thể thiếu trong ngày.
Ban đầu Nam học 1 tiếng, sau học 2 tiếng, sau tăng lên 3 tiếng. Khi nào biến quá trình học thành niềm yêu thích, con sẽ tự động học", chị Điệp nói thêm.
Mẹ của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam thường hay trao đổi các câu chuyện với con và sau đó là mở rộng câu chuyện.
"Mình sẽ tóm tắt câu chuyện bằng tiếng Anh với thời gian, địa điểm, bối cảnh câu chuyên, kết thúc câu chuyện. Mình đặt câu hỏi liệu con có muốn thay đổi kết chuyện. Mình muốn con bàn luận về câu chuyện, những chi tiết vô lý, những điều sáng tạo... Mình rất thích cha mẹ khuyến khích con đặt câu hỏi tại sao, sẽ thành công hơn những bạn biết lắng nghe.
Cha mẹ phải tạo cơ hội cho con đặt câu hỏi, để đứa trẻ chủ động, tư duy phản biện. Nhìn kiến thức theo mạch chiều ngang. Ví dụ con yêu khoa học, hãy giao cho con chủ đề về khoa học…", chị Điệp phân tích.
Video: Chị Phan Hồ Điệp kể về những điều thú vị của cậu con trai Đỗ Nhật Nam
Bình luận