• Zalo

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam bày cách ứng xử khi con mắc lỗi

Giáo dụcThứ Ba, 14/04/2015 01:08:00 +07:00Google News

Chị Phan Hồ Điệp - mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng xử khi con mắc lỗi.

(VTC News) - Trước rất nhiều câu hỏi của các phụ huynh, chị Phan Hồ Điệp - mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng xử khi con mắc lỗi.

Chị Điệp chia sẻ, trong quá trình nuôi dạy Đỗ Nhật Nam cũng không ít lần phải buồn phiền vì con mắc lỗi. Như bất kì một đứa trẻ nào khác, Nam cũng trải qua những thời kì phát triển tâm lý và ở mỗi giai đoạn lại có những “khủng hoảng”.
Chị Phan Hồ Điệp mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam
Chị Phan Hồ Điệp chia sẻ kinh nghiệm ứng xử khi con mắc lỗi 
Tuy vậy, chị Điệp vẫn có những biện pháp “phòng ngừa” nên việc nuôi dạy Nam diễn ra một cách nhẹ nhàng, êm ả. Chị Điệp học được những  kinh nghiệm này từ chính ông bà ngoại của Nam.

“Suốt những năm thơ ấu, mình không bao giờ thấy ông bà đánh mắng con, lúc nào cũng ôn tồn chỉ bảo. Ấn tượng về sự dịu dàng đó theo mình cho đến tận bây giờ. Và mình cũng luôn tâm niệm như vậy khi nuôi dạy Nam”, chị Điệp chia sẻ.

Chị Điệp cho rằng việc dạy con phải kết hợp giữa Dạy – Dỗ, Nuôi – Nấng.

“Dạy Truyền đạt, luyện tập cho con những kĩ năng tri thức cần thiết cho cuộc sống

Dỗ: Động viên, khuyến khích để khiến quá trình học của con trở nên hấp dẫn, hứng thú chứ không phải ép buộc, khổ sai

Nuôi: Cho con ăn uống đầy đủ, hợp lý, khoa học

Nấng: Cho con ăn ngon, hợp khẩu vị, ăn trong không khí vui vẻ, thoải mái.

Giống như một bác sỹ, muốn bệnh nhân mau khỏi bệnh, ngoài quá trình “chữa” cho khỏi bệnh bằng thuốc, bằng các phương pháp y học còn cần “chăm” tức là cho bệnh nhân ít lo sợ, trăn trở, yên tâm chữa bệnh, tích cực phấn đấu để nhanh khỏe, quá trình nuôi con cần kết hợp: Dạy- dỗ; Nuôi- nấng”, chị Điệp chia sẻ.

Chuyên mục “Dạy con” của báo điện tử VTC News xin giới thiệu những chia sẻ những kinh nghiệm ứng xử khi con mắc lỗi.
Mẹ thần đồng đỗ nhật nam
 
Những nguyên tắc để “phòng ngừa” lỗi.

Hiểu về tâm lý từng độ tuổi: Cái này thì mình chỉ tự tìm hiểu qua sách báo. Nhưng mình thấy những tổng kết tâm lý của từng độ tuổi rất chính xác. Tất nhiên cũng có sự khác biệt giữa trẻ này với trẻ khác nhưng hầu hết đều có những điểm chung nhau.

Giai đoạn 2 tuổi: Theo tâm lý học, giai đoạn này, trẻ cần có sự tách biệt khởi đầu với một đối tượng hết sức quen thuộc đó là người mẹ. Lúc này mẹ không còn đáp ứng tức thì mọi đòi hỏi nữa, và có những đòi hỏi mẹ trì hoãn như đến giờ nào mẹ mới cho ăn, mẹ không cho động vào những vật nguy hiểm.

“Mâu thuẫn” giữa mẹ và con làm bé “vỡ” ra là mẹ và mình là hai con người khác nhau, kết thúc giai đoạn mẹ và mình “hòa” với nhau như ở giai đoạn bú ẵm.

Rồi ngoài mẹ, bé bắt đầu chú ý đến bố. Bé cũng hiểu ra, không thể chiếm đoạt mẹ được mẹ hết cho mình, mẹ còn chia sẻ chăm sóc tình yêu cho bố, cho anh chị em trong gia đình. “Lòng ghen” bắt đầu xuất hiện và giúp bé tự nhận ra mình, đối lập với người khác.

Đó chỉ là một ý nhỏ mà tâm lý học đã chỉ ra. Nhưng điều quan trọng là sau khi đọc, mình tự rút ra những điều nhắc nhở mình như sau:

Cho con vào khuôn phép, kỉ luật ở thời điểm này là hợp lý.

Hiểu về trạng thái muốn sở hữu mẹ và tỏ ra tấm tức khi mẹ chăm sóc người khác

Hiểu về những hành động tỏ ra bất cần của con.

 Hiểu cảm giác bị tách rời khỏi mẹ của con là cảm giác không hề dễ chịu

Từ những điều rút ra đó giúp mình có cách cư xử với con trong những tình huống đó cho phù hợp.
Cũng chính nhờ tìm hiểu về tâm lý mà mình thấy rằng, có những điều là hết sức bất bình thường với người lớn nhưng lại thành bình thường với trẻ em.

Chẳng hạn một em bé 2 tuổi rất dễ xem cục phân là “sản phẩm”của mình. Đối với các em, phân không có gì bẩn hay có mùi kinh khủng, thậm chí có em còn xem đó là đồ chơi. Nhưng vấp phải sự nghiêm cấm của mẹ.

Nếu mẹ không nhẹ nhàng giải thích thì sẽ xuất hiện mâu thuẫn giữa mẹ và con. Một số nhà tâm lý học cho rằng, nếu mâu thuẫn này không được giải quyết tốt sẽ khiến em bé sau này trở thành con người cục cằn.

Vậy đó, cần dựa vào sự phát triển tâm lý để hiểu con và tìm ra cách giải quyết cho phù hợp.
Clip Đỗ Nhật Nam thuyết trình tại Mỹ gây kinh ngạc

Nguồn: TEDxSMU

Đặt ra những giới hạn: Dù con lớn hay nhỏ, hiểu ít hay nhiều, ở mỗi độ tuổi, vào mỗi thời điểm, mình luôn đặt ra các giới hạn. Và khi con vi phạm các giới hạn đó, con tất nhiên sẽ bị phạt.

Luôn luôn nhất quán: Trẻ con rất nhạy cảm, khi mình đặt ra giới hạn nhưng một lúc nào đó, mình lại phá bỏ các giới hạn đó là trẻ sẽ “phát hiện” ra ngay. Vì thế, mình không bao giờ thay đổi tùy tiện những điều mình đã đặt ra.

Trong gia đình truyền thống của Việt Nam, thực hiện điều này có vẻ khó vì đôi khi, mẹ thì quy định vậy nhưng ông bà, cô chú bác thì lại thấy không cần thiết. Trong những trường hợp đó, việc giáo dục trẻ sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Mình nghĩ cần có sự nói chuyện và bàn bạc tìm tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình.

Có những thỏa thuận với con: Mình cho rằng, những thỏa thuận đó sẽ giúp con ngăn ngừa lỗi. Ví dụ, khi đưa con đi siêu thị, mình thỏa thuận: Hôm nay con sẽ chỉ nhìn ngắm các đồ chơi thôi nhé, mẹ sẽ không mua đồ chơi đâu. Con đợi đến cuối tuần nhé. Nhưng con sẽ giúp mẹ đẩy xe hàng đúng không nào?

Những điều này nên nhắc đi nhắc lại để con có thể nhớ và thực hiện.
thần đồng Đỗ Nhật Nam
Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày càng trưởng thành 
Xử sự thế nào trước lỗi của con

Bình tĩnh: Lời khuyên này thì có lẽ bà mẹ nào cũng biết nhưng để thực hiện được thì rất khó. Có hai cách mình thường thấy đó là: Nổi xung lên, quát tháo, la mắng, thậm chí đánh đòn và cách thứ hai là “ đầu hàng”. Cả hai cách này đều không ổn. Mình thì nhiều lúc phải “đếm ngược” đó. Nhắm mắt lại, hít thở một hơi thở sâu và đếm ngược. Sau đó sẽ tìm ra giải pháp. Đôi khi có những lúc phải rất cố gắng để “tảng lờ”. Ví dụ có những trẻ cứ mỗi lần khóc để đòi gì đó là lại nôn trớ. Thấy mẹ hốt hoảng, chiều theo yêu cầu là lần sau cứ khóc kèm theo nôn. Vì thế phải rất “dũng cảm” để tạm thời tảng lờ trong những tình huống đó.

Đặt mình vào vị trí của trẻ: Như trên đã nói, có những điều mẹ thấy bất thường nhưng đối với con lại là bình thường. Cho nên cần suy nghĩ xem, nếu mình là con, mình sẽ nghĩ thế nào? Mình sẽ mong muốn điều gì?

Tìm hiểu nguyên nhân: Đây là điều quan trọng, muốn con không mắc lỗi lần sau thì phải tìm hiểu nguyên nhân, giống như chữa bệnh, phải biết rõ là mắc bệnh gì. Mình thường tìm hiểu nguyên nhân dưới ba góc độ sau:

Những nguyên nhân về thể chất: Ví dụ con có bị mệt, bị ốm, bị khó chịu… Việc tìm hiểu này có ý nghĩa không chỉ lúc con nhỏ mà ngay cả khi con lớn.

Những nguyên nhân về môi trường xung quanh ( mặt xã hội): Như lớp học, những người hàng xóm, những người trong gia đình thậm chí là chính mẹ có ảnh hưởng gì đến việc mắc lỗi của con hay không. Ví dụ có bé tự nhiên nói bậy, sau tìm hiểu là do bắt chước bác hàng xóm.

Những nguyên nhân về tâm lý: có phải con đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng?..
Đỗ Nhật Nam
Đỗ Nhật Nam

“Điều trị” những lỗi của con

Nhìn thẳng vào mắt con, nghiêm khắc nói: Mẹ không đồng ý! Con làm mẹ không vui!
Giải thích: Khi con nhỏ, những lời giải thích này thường ngắn gọn hoặc mẹ cần làm mẫu để con hiểu. Đến khi con lớn, những lời giải thích này phải rõ ràng, khoa học để con nhận ra và nghe theo.

Mình cũng hay dùng cách giải thích gián tiếp nghĩa là thông qua một câu chuyện nào đó để hỏi và hai mẹ con cùng thảo luận, sau đó con tự nhận ra những điều mẹ muốn gửi gắm. Nội dung câu chuyện thì do mẹ tự bịa ra thôi

Đôi khi những lời giải thích cũng gắn với “hình phạt”. Những “hình phạt” của mình là:

Ngồi vào góc buồn ( áp dụng cho đến khi Nam 6 tuổi). Trong nhà mình có một góc gọi là “góc buồn”. Chỗ ấy giáp với cánh tủ, hơi khuất một chút. Mình có đặt một cái ghế, bỏ hết tranh ảnh, chỉ treo mỗi cái đồng hồ. Mình gọi đó là “góc buồn” vì mỗi lần Nam mắc lỗi gì nặng, Nam sẽ phải ngồi vào đó. Thời gian thì tùy nhưng nhiều nhất là 15 phút hoặc có khi vừa ngồi một lúc, Nam đã vội vàng chạy ra xin lỗi nên “hình phạt” được hủy bỏ.

Mẹ tảng lờ: Nam sợ hình phạt này nhất. Đó là mình sẽ “không chơi” với Nam trong một thời gian. Những lúc ấy Nam rất buồn. Mặt mẹ cũng buồn nữa. Nên chỉ một thời gian là Nam nhận ra lỗi của mình ngay.

Đại loại “quy trình” dập tắt hành vi không mong muốn chỉ có vậy. Mình sẽ lấy một ví dụ để mọi người dễ hình dung nhé:

Khi đưa con đến chơi nhà người khác nhưng con cứ lầm lì, ai hỏi gì cũng không nói. Trước tình huống đó, mình sẽ:

Gợi mở để con nói chuyện (về chủ đề mà con thích). Ví dụ con thích siêu nhân chẳng hạn, mình sẽ nói: Cháu Nam siêu nhân rất thích ngồi nghe mẹ và bác nói chuyện. Bác cho phép cháu ngồi yên nghe nhé. Rồi mình quay ra dặn con: Con cứ im lặng cũng được nhưng khi nào con thấy muốn nói chuyện gì với bác thì con cứ bắt chuyện nhé, mẹ và bác rất thích nghe chuyện con kể. Sau đó mình vờ như nói chuyện bình thường.

Trên đường về nhà hoặc khi về nhà, mình sẽ gợi mở những câu hỏi như: Sao con cứ im lặng khi ở nhà bác… thế? Bác rất thích nghe con nói chuyện mà.
Đỗ Nhật Nam
 

Một lúc nào đó, khi hai mẹ con chơi với nhau, mình sẽ kể cho con nghe một câu chuyện ( do mình tự bịa) về một bạn Thỏ không thích nói chuyện:

Có một bạn Thỏ xinh đẹp và mẹ rất yêu bạn ấy. Một hôm, vào một ngày đẹp trời, Thỏ mẹ cho Thỏ con đến chơi nhà bác Sóc. Bác Sóc ra tận cửa đón Thỏ. Bác niềm nở:

- Chào cháu, cháu có bộ quần áo đẹp quá!
Đáp lời của bác, Thỏ ta chỉ im lặng.
Mẹ Thỏ thấy vậy, giục:
- Con chào bác đi! Bác Sóc rất yêu con đấy!
Thỏ cũng chỉ im lặng.
Và từ đó cho đến lúc về, Thỏ cũng chỉ im lặng.
Mẹ Thỏ buồn lắm. Trên đường về, mẹ Thỏ sờ trán Thỏ con. Mẹ hỏi:
- Con ốm à?
- Không mẹ ạ.
- Thế mà mẹ tưởng con ốm. Mẹ định cho con ra bãi cỏ chơi nhưng sợ con ốm nên lại thôi.
- Ôi mẹ ơi, con thích bãi cỏ lắm. Mẹ cho con ra chơi đi.
- Không, mẹ nghĩ là vì con ốm nên con mới không nói chuyện. Mà đã ốm thì chơi sao được.
Thỏ con nghe xong mặt buồn so.
Kể xong, mình hỏi con: Thế em nghĩ là cuối cùng bạn Thỏ có được mẹ cho đi chơi không?

Nói chung là chỉ gợi mở để con tự nói chứ không áp đặt nhé. Và cuối cùng mình sẽ hỏi con xem liệu lần sau, khi đến nhà người khác, con sẽ thích nói về chủ đề gì.Mình luôn tin, “trị liệu” bằng văn học là cách thức nhẹ nhàng và hiệu quả.

Trong quá trình dạy học và nuôi dạy con, mình luôn tự nhắc mình phải ghi nhớ những điểm sau đây.
Đứng trước những em bé có biểu hiện trái tính, bất thường, việc đầu tiên là tránh vội vàng kết án: nó lười, ngang bướng, hư hỏng… mà phải tự hỏi: Vì đâu? Vì những căn nguyên gì?

Không bao giờ được “giận cá chém thớt”. Không bao giờ phản ứng vì tức giận bực bội do hành vi của đứa trẻ làm mình “mất mặt”. Cần tự xem xét xem phần nào trong cách cư xử của mình gây ra những hành vi bất thường của trẻ. Hãy thay đổi cách cư xử của mình, đôi khi chính điều đó sẽ đóng vai trò quyết định cho quá trình nhận ra lỗi lầm của trẻ.

Biết chấp nhận những điểm về tính cách, tâm lý của đứa trẻ. Không đặt những kì vọng, định kiến của mình lên đứa bé.

Không bao giờ đối xử thô bạo, chụp mũ kiểu: tao chưa thấy đứa nào chậm chạp, ngu ngốc như mày. Rồi mày sẽ không làm nên trò trống gì đâu. Muốn làm gì thì làm tao không quan tâm. Mày đến hư hỏng mất thôi… Những câu nói thô bạo này để lại một vết thương sâu sắc trong tâm hồn đứa trẻ, ngăn chặn sự tiến lên của trẻ.

Luôn tìm ra mặt tích cực của mỗi đứa trẻ, tìm cách phát huy, không tìm cách than vãn, nuối tiếc. Đừng bao giờ tuyệt vọng. Mỗi đứa trẻ là một thế giới nhỏ. Mỗi đứa trẻ có những tiềm năng riêng và gặp hoàn cảnh thuận lợi sẽ được phát huy.

Mình luôn cho rằng, mắc lỗi lầm cũng là một phần trong quá trình lớn lên của trẻ. Trẻ học trong sai lầm. Trẻ học trong thất bại. “Đang lớn” có nghĩa là một điều gì đó đã qua và một điều gì đó còn chưa tới. Vì thế, có vẻ như mọi sự rất là “bề bộn”.

Các bà mẹ cứ thảnh thơi đón nhận cùng với niềm vui, cùng với tình yêu thương và rồi bản năng làm mẹ sẽ mách bảo cách làm đúng nhất. Để mỗi em bé sẽ “bề bộn mà lớn lên”.

Phan Hồ Điệp
Bình luận
vtcnews.vn