Khoảng thời gian gần đây phong trào vắt sữa non rồi trữ đông cho bé trước khi sinh được các mẹ bỉm sữa chia sẻ rầm rộ. Theo những người mẹ này, sau khi sinh chưa biết lúc nào sữa mới về nên phải tranh thủ vắt sữa non trước ngày sinh, để nhỡ có phải sinh mổ hay sữa không kịp về thì vẫn có sữa non cho con ăn mà không cần ăn sữa ngoài.
Trào lưu vắt sữa non của các bà bầu trước khi sinh
Cũng vì lý do này mà các mẹ đua nhau vắt sữa non sớm. Chị em truyền tai nhau rằng, từ khoảng 36 tuần là nên bắt đầu vắt sữa non bằng cách dùng tay nhẹ nhàng vắt sữa, mỗi ngày từ 3 – 5 lần, mỗi lần khoảng 5 phút.
Dùng ống tiêm tiệt trùng để thu từng giọt sữa non. Sát ngày sinh nếu lượng sữa nhiều thì đựng vào túi trữ sữa. Sau khi vắt cho sữa vào cấp đông đợi đến ngày sinh con thì mang theo vào bệnh viện. Trong trường hợp mẹ không kịp có sữa ngay sau khi sinh thì dùng sữa non này cho bé uống.
Vắt sữa non sớm nguy hiểm và không cần thiết
Theo các chuyên gia, việc vắt sữa non sớm trước khi sinh là việc không cần thiết, thậm chí là rất nguy hiểm cho bà bầu. Trên thực tế, đúng là cơ thể bà bầu đã bắt đầu tiết sữa non từ khoảng tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ. Tuy nhiên, lượng sữa này rất ít ỏi và để vắt ra sẽ rất đau và tốn nhiều công sức.
Trong khi đó, ngay sau khi sinh các hormone trong cơ thể sẽ kích thích phản xạ tiết sữa vô cùng mạnh mẽ, kết hợp với động tác mút, bú của em bé sẽ khiến lượng sữa ra nhiều và nhanh hơn.
Chưa kể tại Việt Nam hiếm có gia đình nào đủ khả năng trữ đông sữa non đúng quy trình để đảm bảo vô trùng. Nhất là quá trình vận chuyển sữa từ nhà tới nơi sinh con càng khó để đảm bảo. Sữa non bảo quản không tốt dễ bị mất chất và biến chất. Trong khi đó, trẻ sơ sinh vừa ra đời hệ tiêu hóa vô cùng kém, nếu uống sữa không được đảm bảo vô trùng sẽ ảnh hưởng xấu tới cơ thể trẻ.
Việc vắt sữa non trước khi sinh có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu
Bên cạnh đó, việc massage, vắt sữa của bà bầu cũng rất nguy hiểm, bởi nó có thể gây ra các cơn co thắt tử cung, dẫn tới tình trạng sinh non. Đặc biệt với những bà bầu có sức khỏe không ổn định thì nguy cơ sinh non do tác động vắt sữa càng cao hơn.
Hiện nay, chưa có một nghiên cứu hay tài liệu chính thức nào tại Việt Nam khuyên mẹ bầu vắt sữa non sớm trước khi sinh. Trên thế giới, từng có một bác sĩ khuyên mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ vắt sữa non sớm cho con, bởi em bé sinh ra từ người mẹ mắc bệnh này dễ bị tụt đường huyết và cần được ăn ngay khi vừa sinh và tốt nhất là ăn sữa mẹ. Dù vậy, vấn đề này còn gây rất nhiều tranh cãi về sự an toàn và liệu sữa non trước và sau khi sinh có gì khác biệt hay không.
Video: Video sữa mẹ dưới kính hiển vi tuyệt đẹp gây 'bão' mạng
Lời khuyên cho mẹ bầu
Từ tam cá nguyệt thứ 3, cơ thể bà bầu sẽ rất nhạy cảm với các kích thích từ bên ngoài như các động tác massage, nắn bóp ở vùng bụng và ngực. Vì thế giai đoạn này bà bầu nên hạn xoa bụng hay massage vùng ngực để tránh gây co bóp tử cung dẫn đến sinh non.
Giai đoạn cuối thai kỳ, bà bầu nên hạn chế xoa bụng hay các động tác massage ngực
Sau sinh, để nhanh có sữa mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt. Động tác bú của con sẽ kích thích mạnh mẽ cơ thể mẹ tiết sữa. Mẹ dù sinh mổ hay sinh thường, cơ thể người mẹ rất thông minh, chỉ cần nhau thai bong ra khỏi cơ thể mẹ (xong quá trình sinh nở) là tự động tạo tín hiệu sản xuất sữa, vì vậy mẹ tự tin cho con bú, dù chưa có cảm giác sữa về, nhưng thực chất bé đã được bú những giọt sữa non quý giá đầu tiên trong đời.
Ngoài ra để kích thích sữa mẹ tiết nhanh và nhiều hơn, sau mỗi lần con bú mẹ có thể dùng máy hút sữa để hút trong 15 phút mỗi bên ngực. Những ngày đầu lượng sữa mẹ thực sự rất ít, khi dùng máy hút sữa bạn có thể chỉ thấy ra vài giọt. Nhưng hãy kiên trì thực hiện mỗi ngày 2 – 3 lần. Lượng sữa sẽ nhiều dần lên nhờ cách kích sữa này.
Bình luận