• Zalo

Mẹ GS Ngô Bảo Châu tâm sự về người thầy

Giáo dụcThứ Hai, 19/11/2012 12:21:00 +07:00Google News

Từ hai năm nay, nhiều lần tôi được hỏi cùng một câu hỏi là chúng tôi đã nuôi dạy Ngô Bảo Châu như thế nào để Châu thành đạt trong sự học, trong nghề nghiệp?


Từ hai năm nay, nhiều lần tôi được hỏi cùng một câu hỏi là chúng tôi đã nuôi dạy Ngô Bảo Châu như thế nào để Châu thành đạt trong sự học, trong nghề nghiệp và trong cuộc đời?

PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền tâm sự: Từ sâu thẳm trong suy nghĩ tôi luôn cảm nhận là ở Châu có sự hội tụ của nhiều may mắn, của ý chí cá nhân và của những điều kiện khá thuận lợi về gia đình, xã hội và nhất là của môi trường giáo dục. Tôi nghĩ phần sau của câu trên đóng một vai trò rất quan trọng.

Thế hệ chúng tôi đến trường vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, đó là những ngày tháng thật đặc biệt. Khi đó chúng tôi chưa đủ trưởng thành về đường đời và trí tuệ để hiểu đầy đủ là tại sao cuộc sống khi đó thật đẹp, thật dễ tin yêu.

GS Ngô Bảo Châu cùng bố mẹ 
Gần đây tôi nhận được một lá thư rất cảm động của thầy giáo cũ, người đã từng dạy chúng tôi môn văn hồi phổ thông. Lúc đó thầy còn là một thầy giáo trẻ nhưng những bài giảng văn của thầy cũng là những bài giảng về cuộc đời thật hấp dẫn và lôi cuốn.

Giờ đây viết thư cho trò cũ thầy bày tỏ nỗi băn khoăn không biết mình có đúng không khi ngày ấy từ bục giảng thầy đã gieo vào những con tim tươi trẻ của chúng tôi một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Chúng tôi, những cô cậu học trò Hà Nội bước vào tuổi hoa niên trước khi chiến tranh lan tới và sau đó là những ngày sơ tán ở nông thôn, rồi trưởng thành vào những năm sau giải phóng.

Cuộc sống đói khổ, thiếu thốn trăm bề. Nhưng niềm tin yêu cuộc sống từ các bài giảng của thầy đã đưa nhiều bạn trong chúng tôi chia tay Hà Nội, xa gia đình, rời bỏ ước mơ vào đại học lên đường đến những miền xa xôi, gắn bó với đời sống lao động chân tay suốt cả bảy tám năm trời, khó khăn lắm mới trở lại con đường học tập.

Từ đáy sâu lòng mình tôi muốn nói với thầy rằng, với thế hệ chúng tôi đấy chính là những ngày đẹp nhất của cuộc đời mình, chúng tôi không ân hận vì đã dễ tin.

Dù rằng, tôi ở một hoàn cảnh không giống như nhiều người bạn cùng trang lứa, vì tôi là một cô gái Hà Nội, sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản. Hồi ấy chữ tiểu tư sản cứ như một đám mây nặng nề bao trùm làm tôi khó thoát ra để có thể hòa nhập.

Nhưng sức mạnh của khát vọng được học, những xúc cảm thiêng liêng của mỗi người trước nguy cơ tồn vong của gia đình, của đất nước khi đối mặt với chiến tranh đủ sức để chúng tôi học tập và sống hết mình.

Giá như mà lúc nào cuộc sống cũng đẹp, cũng đơn giản để mà người ta sống vì nhau, vì người thân, vì bạn bè, vì đồng nghiệp, vì những số phận không gặp may mắn… Với chúng tôi hồi đó, cuộc sống thật đẹp bởi đơn giản chúng tôi tin là nó đẹp.

Tôi lập gia đình và sinh Châu trong chính quãng đời đẹp đẽ đó. Những tài năng khoa học Việt Nam được sinh ra thời đó còn có Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn…(chỉ hơn Châu vài ba tuổi).

Dù khác thế hệ nhưng có lẽ môi trường giáo dục của tôi và Châu không khác nhau mấy. Bạn bè tôi mỗi lần gặp lại đều nhắc chuyện học ngày xưa để rồi lấy làm lạ sao chúng tôi ngày ấy dễ dàng chấp nhận khó khăn thế? Sao đi học vui thế? Sao tình bạn bè - tình thầy trò sống mãi thế?

Hồi ấy, sau cải cách giáo dục lần thứ hai (1956) chương trình học chẳng thay đổi gì trong hàng chục năm. Chúng tôi học lại những cuốn sách giáo khoa cũ kỹ của các anh chị năm - bảy năm trước để lại.

Vậy mà chúng tôi vẫn lớn lên, vẫn trưởng thành, trở nên những người tử tế. Trong số các bạn tôi không nhiều người trở thành chính khách (mà hình như ngay cả hồi ấy chẳng ai mơ mình thành chính khách) nhưng thật nhiều bạn thành những nhà chuyên môn giỏi: Bác sĩ tim mạch nổi tiếng, kiến trúc sư tài năng, nhà toán học tầm cỡ quốc tế…

Châu và bạn bè cùng trang lứa lớn lên trong hòa bình nhưng cũng như chúng tôi, Châu đã trải qua những năm tháng tuổi thơ ít biến động về cuộc sống vật chất và tinh thần, trong cái nôi học hành của những gia đình trí thức, được nhà trường và thầy cô chăm lo cho một cách vô tư, chân thành, ấm áp và tâm huyết.
Gia đình GS Ngô Bảo Châu tại Washington D.C Ảnh: Tư liệu gia đình 
Đó chính là bệ phóng cho Châu và các bạn trẻ đi lên, tiếp thu kiến thức khoa học hiện đại dễ dàng hơn khi được đào tạo ở các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Hồi ấy chẳng ai nghĩ đến việc có thêm thu nhập. Các thầy đến tận nhà dạy Châu mà không bao giờ nhận lại chút đền đáp vật chất dù chỉ gói chè. Chúng tôi cũng không dám trái ý vì e ngại sẽ làm tổn thương lòng tự trọng, sự kiêu hãnh của các thầy.

Dù mấy chục năm trôi qua rồi nhưng tôi còn nhớ như in vẻ mặt hân hoan của các anh Phạm Ngọc Hùng, Lê Tuấn Hoa, Vũ Đình Hòa… khi chia sẻ với nhau về một cậu học trò giỏi toán là Châu.

Họ là bạn học và cùng nhau công tác ở Viện Toán. Bên cạnh công việc nghiên cứu, họ lấy việc truyền ngọn lửa tình yêu toán cho thế hệ đàn em làm vui.

Ai gặp được học trò giỏi là mách nhau để thay nhau đến dạy. Hồi ấy thang bậc giá trị sống khác hẳn, còn bây giờ - đồng tiền và quyền lực đồng nghĩa với sự thành đạt đang là lối nghĩ của không ít người.

Tôi tin vào luật đời có nhân, có quả. Nếu mình biết trân trọng những điều tốt đẹp từ cha mẹ, từ thầy cô thì những điều tốt đẹp như thế và hơn thế sẽ được truyền sang con cháu- những người thân thiết nhất của cuộc đời mình.

Với tâm niệm đó nên tôi không đòi hỏi gì nhiều ở cuộc đời mà cứ vui với những gì cuộc sống đã cho, và biết ơn cuộc sống với những người thầy, người bạn chân thành.

Tôi rất vui khi Châu chia sẻ với tôi là thích làm toán, cứ được làm toán mãi và có nhiều người cùng làm toán với mình là hạnh phúc lắm rồi. Bây giờ Châu lại có các em học trò có tài năng, yêu toán hơn vì song hành cùng anh Châu.

Thầy tôi dạy chúng tôi là "nói cho cùng, mình cũng chỉ là những giọt nước vô cùng nhỏ nhoi trong biển cả mênh mông của cuộc đời, sẽ không là gì cả trong sự mênh mông đó, nhưng hãy cố là giọt nước trong lành chứ không là giọt nước đục".

Theo Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn