Ngay sau khi thông tin người mẹ trẻ đơn thân Trần Thị Hoa (27 tuổi, quê Bình Thuận) có con trai 7 tuổi Trương Hoàng Phúc bị căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) đăng những dòng chia sẻ về việc cần tiền để thực hiện ca phẫu thuật ghép tế bào gốc cứu đứa con trai, nhiều người quan tâm đến căn bệnh này.
Trao đổi với PV, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết, ước tính nước ta có hơn 10 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh (hay còn gọi là bệnh Thalassemia). Tuy đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh này, song theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, cuộc chiến với bệnh thalassemia vẫn cần mạnh mẽ hơn nữa.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí cho biết thêm, Thalassemia là một căn bệnh không mới, đã có từ hàng ngàn năm, tuy nhiên nó đang diễn ra hết sức nghiêm trọng và nếu như không được quản lý, chẩn đoán, theo dõi và tư vấn thì căn bệnh này sẽ tiếp tục phát triển và nỗi đau này sẽ rất dai dẳng, gánh nặng này từng người bệnh, từng gia đình bệnh nhân và toàn xã hội tiếp tục phải gánh chịu.
“Khoa học đã chứng minh và trên thực tế cho thấy, thalassemia là một bệnh phòng được và chữa được. Bằng chứng là trên thế giới đã có những quốc gia giảm hẳn tỷ lệ người mang gene bệnh, thậm chí triệt tiêu được và không có người nào bị bệnh Thalassemia. Qua đó đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và niềm tin trong công cuộc chống lại căn bệnh thalassemia”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.
Cũng theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí, việc chẩn đoán chăm sóc và điều trị bệnh Thalassemia ở các trung tâm lớn tại Việt Nam (như Hà Nội, TP.HCM) gần như ngang tầm với quốc tế.
“Tất cả những vấn đề thuộc về pháp lý nhất là bảo hiểm y tế đã được giải quyết cơ bản, bệnh nhân thalassemia có thể làm các xét nghiệm cao nhất và dùng các loại thuốc tốt nhất trong quá trình điều trị...”, GS.TS.Nguyễn Anh Trí khẳng định.
Bình luận