• Zalo

‘Mẹ con’ nhà bầu Đức lại tạo ‘địa chấn’

Kinh tế Thứ Hai, 22/02/2016 11:29:00 +07:00Google News

Tiếp nối “cơn sốt” ngày thứ Sáu tuần trước, trong ngày đầu tuần “mẹ con” nhà bầu Đức lại tạo “địa chấn”.

(VTC News) – Tiếp nối “cơn sốt” ngày thứ Sáu tuần trước, trong ngày đầu tuần “mẹ con” nhà bầu Đức lại tạo “địa chấn”.

Tạo "địa chấn"

Trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước (19/2), các công ty của bầu Đức bất ngờ tạo nên cơn sốt lớn. Cổ phiếu HAG của công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai và cổ phiếu HNG của công ty con Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cùng nhau tăng trần với khối lượng giao dịch vô cùng lớn.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch 19/2, HAG tăng 500 đồng/CP lên 8.300 đồng/CP. Khối lượng giao dịch vọt lên mức vô cùng cao hơn 15 triệu đơn vị. Trong khi đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ là hơn 5 triệu đơn vị. Như vậy, HAG đã bứt phá sau 11 phiên giao dịch ảm đam, trong đó đa số các phiên HAG hoặc giảm giá hoặc đứng giá.

HNG thậm chí để lại nhiều dấu ấn hơn vì trước đó, HNG có tới 14 phiên giảm sàn liên tiếp. Trong phiên 19/2, HNG khiến giới đầu tư kinh ngạc khi bất ngờ tăng trần, tăng 500 đồng/CP lên 8.800 đồng/CP. Khối lượng giao dịch HNG vọt lên gần 42 triệu đơn vị. Trong khi đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên chỉ là 4,2 triệu đơn vị.

Sang phiên giao dịch đầu tuần 22/2, “mẹ con” nhà bầu Đức tiếp tục tạo địa chấn.

Khi đợt giao dịch sáng mới đi hết nửa quãng đường, HAG và HNG vẫn tăng trần. HAG tăng 500 đồng/CP lên 8.800 đồng/CP. HNG tăng 600 đồng/CP lên 9.400 đồng/CP.

Khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức cao. Đã có tới gần 6,4 triệu cổ phiếu HAG và gần 3 triệu cổ phiếu HNG được trao tay. Khối lượng giao dịch HAG và HNG chiếm 14,6% tổng khối lượng giao dịch toàn sàn Tp.HCM. Trong đó, thanh khoản của HAG chỉ đứng sau FLC. Nguyên nhân là do lực cầu HAG vẫn rất lớn nhưng không có người bán ra.

Trên bảng giao dịch điện tử, bên dư cung HAG và HNG hoàn toàn trống trơn. Trong khi đó, dư cầu mức giá trần của HAG đạt gần 1,7 triệu đơn vị, dư cầu giá trần HNG là hơn 32.000 đơn vị.

Trong 2 ngày tạo địa chấn, HAG mang về cho Hoàng Anh Gia Lai 790 tỷ  đồng. Riêng bầu Đức được chứng kiến khối tài sản tăng gần 350 tỷ đồng. Còn HNG “tặng” Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai 780 tỷ đồng. Với việc nắm giữ hơn 79% vốn HNG, Hoàng Anh Gia Lai có thêm 616 tỷ đồng nhờ đà tăng của HNG.

HHS, MBB, FLC được chú ý

Trong 2 phiên giao dịch gần đây, bên cạnh HAG, HNG, cổ phiếu HHS, MBB và FLC cũng được chú ý vì thanh khoản tăng đột biến. Phiên 22/2 là phiên đáng nhớ của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy khi HHS tăng trần, tăng 700 đồng/CP lên 11.000 đồng/CP.

Đi cùng với đà tăng mạnh của HHS là thanh khoản tăng vọt. Chỉ riêng phiên sáng ngày 22/2, đã có tới hơn 5 triệu cổ phiếu HHS được trao tay. Điều đáng nói khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên của HHS chỉ hơn 1,6 triệu đơn vị.

HHS được nhà đầu tư chú ý khi được dự báo sẽ lọt rổ FTSE.

Không nóng về đà tăng trưởng của giá, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội được chú ý vì thanh khoản tăng vọt. Trong phiên 19/2, có tới 19 triệu cổ phiếu MBB được trao đổi. Trong đó, khối ngoại mua vào 17 triệu đơn vị.

Sang phiên 22/2, khối ngoại tiếp tục gom MBB. Khi đợt giao dịch sáng chưa kết thúc, khối ngoại đã mua vào thành công hơn 2,5 triệu cổ phiếu MBB, không thấp hơn con số 3,2 triệu cổ phiếu giao dịch của nhà đầu tư trong nước.

Do không tăng trần nên dù có khối lượng giao dịch cao nhất sàn Tp.HCM nhưng cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vẫn chỉ dừng lại ở mức được chú ý. Khi phiên sáng gần kết thúc, đã có gần 8 triệu đơn vị FLC được trao tay. 

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn