Video: MC Thảo Vân chia sẻ về cuộc sống đơn thân gần chục năm qua
Cách đây không lâu, bài văn của con trai MC Thảo Vân viết về tình mẫu tử đã gây xúc động với rất nhiều người, đặc biệt là những người đã và đang làm mẹ.
Trong bài văn ngắn chỉ vài trăm chữ, bằng nét chữ non nớt nguệch ngoạc của mình, bé Tít (tên thân mật của con trai Thảo Vân) đã viết ra những tâm sự sâu sắc về nỗi vất vả của một người mẹ đơn thân trong hành trình nuôi đứa con thơ khôn lớn trưởng thành
"Em biết rằng mẹ của mọi người đều vất vả, nhưng những người li dị còn khổ hơn" - câu văn được viết ra từ một cậu bé 13 tuổi đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người.
Ngay giây phút cầm bài văn của con trai trên tay, mắt MC Thảo Vân cứ nhòe dần nhòe dần đi theo từng dòng chữ con viết.
"Dù có cố gắng đến đâu tôi cũng không thể làm thay được cho cả người bố"
Tôi và anh Lý ly hôn khi Tít chỉ mới 5 tuổi. Lúc ấy, con gần như chưa biết gì và cũng không cảm nhận được điều gì quá to tát.
Trước khi đi đến quyết định đó, tôi và anh Lý vẫn luôn trên tinh thần tôn trọng nhau. Bởi thế gần như con không phải nhận những tổn thương tâm lý từ việc bố mẹ đánh nhau, gia đình to tiếng xô xát dẫn đến việc mẹ phải ra đi. Đơn thuần con chỉ nghĩ bố đi công tác xa, vắng nhà nhiều hơn.
Đến lúc lớn hơn một chút, bắt đầu cảm nhận được nhiều hơn, tôi nói dần cho cháu hiểu. Mỗi ngày một chút, theo cách nhẹ nhàng nhất có thể chứ cũng không muốn cháu nặng lòng quá với những chuyện của người lớn.
Cả tôi và anh Lý đều thống nhất sẽ cố gắng hết sức để con không phải chịu tổn thương vì quyết định của người lớn lúc ấy.
Như mọi người bố người mẹ khác, tôi và anh Lý cũng vì con mà đi đến quyết định đó. Tôi vẫn nghĩ một gia đình hạnh phúc bao gồm rất nhiều yếu tố, nhưng đó phải là hạnh phúc thật sự, được cảm nhận từ mọi thành viên trong gia đình.
Trẻ con rất tinh tế và nhạy cảm. Dù bạn có diễn tài tình đến đâu cũng không thể lừa dối được chúng. Và chính cái hạnh phúc dối trá ấy gây nguy hiểm cho chúng còn hơn cả việc phải đối mặt với sự thật.
Mỗi gia đình đều có hoàn cảnh và điệu kiện để đi đến kết quả cuối cùng đó. Trong điều kiện hoàn cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ, giải pháp được lựa chọn là đi hai con đường khác nhau. Nó phù hợp cho hai chúng tôi, và tính đến cả hạnh phúc của con tôi.
Nói hạnh phúc thì chưa hẳn chính xác, nhưng tôi nghĩ thà cháu sống với bố hoặc mẹ nhưng vẫn nhận được tình yêu của cả hai trong tâm thế vui vẻ nhẹ nhàng, còn hơn là sống trong một gia đình đầy đủ bố mẹ nhưng không hạnh phúc. Bởi đó là một sự đầy đủ không trọn vẹn.
"Tôi cảm thấy tim mình như thắt lại không thể thở được, cảm giác nghẹn ngào xâm chiếm lấy toàn bộ giác quan. Cơ thể thì gần như tê liệt. Tôi phải tháo kính ra để lau những giọt nước mắt đang rơi xuống để tiếp tục ngồi họp phụ huynh cho con.
Đó là giây phút tôi cảm thấy mình được an ủi. Một lần nữa tôi tìm được sự thấu hiểu giữa hai mẹ con. Nhưng điều quan trọng hơn cả, tôi thấy hạnh phúc vì trong cả bài văn đó, Tít không có lấy một lời trách móc.
Tít không oán giận cái hoàn cảnh đã đẩy hai mẹ con vào. Con không nói ra một lời buồn bã bi quan nào mà chấp nhận nó một cách lạc quan, vui vẻ. Đó mới là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Cái đó với tôi mới là lớn lao nhất", MC Thảo Vân tâm sự.
"Sự vất vả của một người mẹ đơn thân hay không đơn thân là như nhau"
Tôi ít khi phân biệt mẹ đơn thân với mẹ không đơn thân, vì đã làm mẹ rồi, ai cũng phải trải qua những khó khăn như thế.
Không phải vì có chồng ở bên cạnh mà người mẹ ấy sẽ bớt đi vất vả đâu. Vai trò của một người làm mẹ trong cuộc đời của các con là không thay đổi.
So với những người mẹ khác, chúng tôi cũng chẳng vất vả hơn đâu. Người mẹ nào nuôi con cũng phải trải qua từng ấy cung bậc cảm xúc, người mẹ nào nuôi con cũng có chừng ấy câu chuyện phải lo toan.
Nếu sống với chồng, con đau ốm có chồng đưa đi bệnh viện, thì mẹ đơn thân cũng còn những người khác có thể giúp đỡ. Có chăng, thiệt thòi chỉ đứa con phải chịu, khi vắng đi sự hiện diện của người bố.
Tất nhiên, những lo toan về kinh tế thì khó tránh khỏi. Ví dụ như trong gia đình có cả chồng thì tôi chỉ phải đi làm mỗi tuần 2-3 buổi tối thôi, hoặc không phải đi làm tối nữa. Nhưng cuộc sống hiện tại thì tôi vẫn phải đi làm xa, vẫn có những buổi đi làm đêm về muộn.
Đấy chính là điều khiến Tít nhận ra những vất vả của mẹ và viết trong bài văn. Con thương tôi nhưng tôi lại cảm thấy thương con.
Tôi ước ao mọi chuyện có thể tốt hơn một chút, nhưng không phải ước là chưa chia tay anh Lý, mà ước mình có điều kiện hơn để con đỡ phải lo cho mình.
Tôi biết bây giờ cháu đã dần quen và chấp nhận những buổi tối mẹ phải đi làm. Nhưng trẻ con mà, đôi khi chỉ cần mẹ ở nhà thôi, mẹ có thể ở phòng mẹ hay bận bịu với công việc của mẹ nhưng sự hiện hữu đó vẫn mang lại cảm giác yên tâm, an toàn trong lòng.
Đó cũng là điều tôi cảm thấy tiếc, giá như tôi có thể mang lại cho Tít cảm giác an tâm hơn. Tôi chỉ có thể cố gắng làm cho Tít hiểu dù không phải lúc nào mẹ cũng hiện diện ngay bên cạnh, nhưng con vẫn cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm mẹ dành cho Tít.
Tất nhiên, có những chuyện dù có cố gắng đến đâu tôi cũng không thể làm thay được cho cả người bố. Tôi không thể đi đá bóng với con trai, không thể chơi những trò mạnh mẽ của cánh đàn ông với nhau. Tôi không thể nói hoặc trao đổi với con về những câu chuyện chỉ đàn ông mới hiểu. Bởi dù có cố gắng thế nào, tôi cũng chỉ là một người đàn bà đơn thuần.
Tôi nghĩ rằng, đó là cái thiệt thòi của bất cứ đứa trẻ nào khi bố mẹ nó chia tay. Con trai thì thiếu đi sự mạnh mẽ từ tấm gương người bố, còn con gái nếu ở với cha sẽ thiếu đi nét mềm mại dịu dàng của mẹ.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt này vẫn có thể bù đắp được qua rất nhiều cách khác. Tôi không thể đá bóng với cháu mỗi buổi chiều nhưng đến lớp cháu có thầy có bạn.
Tôi vẫn thường xuyên khuyến khích cháu thể hiện biểu đạt của một người đàn ông. Có những khi tôi nhờ sự trợ giúp của cháu với vai trò như một người đàn ông trong gia đình, hoặc giả vờ không biết để hỏi cháu: "À ra thế, đàn ông cần phải thế à?".
Cái quan trọng là chúng tôi không giấu giếm nhau những thứ mình không làm được nhưng cũng không bao giờ nói với con những điều quá ư ủy mị.
Tôi chỉ bảo với Tít rằng mẹ không biết đá bóng, nhưng con thích mẹ vẫn có thể làm điều đó cùng con. Chỉ có điều nếu mẹ đá không tốt thì con sẽ cảm thấy khó chịu. Vì thế con hãy rủ một bạn nam nào đó để đá cùng, sẽ hợp nhau và vui vẻ hơn rất nhiều.
Tôi muốn biến những điều đó thành cái gì đó thật nhẹ nhàng, như mọi lựa chọn khác trong cuộc sống. Giống như không có cái này, chúng ta sẽ chọn cái khác.
"Trẻ con không tự gây ra tổn thương, mà tổn thương đến từ người lớn"
Tôi thấy rất trẻ con sau ly hôn của bố mẹ sẽ chịu tổn thương tinh thần rất nhiều, nhưng tổn thương đó lớn đến đâu tùy thuộc vào cách cư xử của người lớn. Tự nó không tạo ra tổn thương, tự nó cũng không vẽ ra cái tổn thương đó cho mình, cho nên cái này, trách nhiệm của người lớn thể hiện rất rõ.
Trong câu chuyện tệ hại nhất của một gia đình là ly hôn, tôi và anh Lý luôn cố biến điều đó thành nhẹ nhàng nhất có thể.
Tất nhiên cuộc chia tay nào cũng có lý do, cũng có những điều oán hận. Thế nhưng nếu cứ đem cái tôi của mình ra cư xử thì chúng ta sẽ vẽ lên những con đường rậm rạp và chằng chịt cho con của mình bước đi sau này.
Hãy nghĩ rằng con chúng ta có lớn lên với một tâm hồn thuần khiết trong sáng tử tế hay không là từ chính những lúc như thế, từ chính thái độ cư xử của bố mẹ với nhau, nó sẽ nhìn vào đó.
Nó có bị tổn thương, sang chấn tâm lý, lớn lên với oán hận hay không cũng phụ thuộc vào chính lựa chọn của người lớn.
Con người rất dễ kết tội người khác, và mềm lòng với chính bản thân mình. Lúc nào cũng tìm ra muôn vàn lý do để tự biện hộ cho bản thân, và soi mình trong một chiếc gương thần để thấy mình luôn đẹp.
Thế nhưng hãy cố gắng soi bằng cái gương thật nhất đi để chúng ta thấy rằng không phải lúc nào mình cũng đúng. Hãy thẳng thắn với chính bản thân và chấp nhận những cái chưa đúng của đối phương. Bước đi tiếp với một thái độ bình thản và một tâm trạng ổn định, thì đứa con chúng ta dắt theo cũng sẽ cảm nhận được hết tâm thế đó.
Khi đó, bạn sẽ nhận được thành quả từ những điều mình đã cố gắng. Tất nhiên không dễ dàng gì, chúng ta cứ bước qua oán giận như bước qua những hố chông.
Thế nhưng hãy cứ tin rằng bước qua được hố chông đó là sẽ đến thảm cỏ êm đềm. Ở nơi đó, bạn sẽ bình yên, và quan trọng con bạn sẽ là người được hưởng nhiều nhất.
Trong cuộc sống bây giờ, không phải tôi không còn phải đối mặt với những phút giây như thế đâu. Ví dụ như lúc nãy bạn hỏi tôi rằng có chạnh lòng khi nhìn con vui vẻ bên người mới của bố không? Tôi phải trả lời thành thật là có chứ. Nếu bảo không chạnh lòng thì mình nói điêu quá rồi.
Mình cũng là con người mà, mình cũng có những ích kỷ và tự tôn của mình. Mình nghĩ mình là mẹ của Tít cơ mà, sao giờ đây Tít có thể vui vẻ với những người phụ nữ của bố, với người đàn ông ngày xưa của mình.
Bạn cứ tưởng tượng xem đi làm về nghe con kể hôm nay đi chơi như thế này thế kia, bạn cũng sẽ nghĩ ồ cái vị trí đó ngày xưa là của mình và bây giờ đã bị thay thế. Con mình đón nhận điều đó, trong khi giờ mình đang phải nuôi con vất vả thế này.
Thế nên bảo không có cảm giác đó thì không phải, tôi đã trải qua những tích tắc ấy, nhưng nó trôi qua rất nhanh.
Cái tôi nhận được sau đó rất vui, con tôi không có bất cứ cảm giác oán hận nào với bố và bạn của bố. Tôi hạnh phúc vì tâm hồn con không độc ác mà rất lương thiện. Đấy mới là điều tôi muốn hướng tới và nó quan trọng với tôi hơn tất thảy mọi thứ.
Tôi vẫn hay nghĩ rằng, ừ thì bố của con mình giờ đã có người khác chăm sóc. Nếu anh ấy hạnh phúc con mình cũng sẽ hạnh phúc. Tôi tin chắc rằng nếu anh Lý đau khổ thì con tôi không thể sung sướng được. Thế thì tôi phải cảm ơn người ta không hết ấy chứ.
Ở đây tôi không hề thánh thiện hay cố tỏ ra này nọ. Phân tích một cách sâu sắc thì tôi đang vì chính mình đấy. Bởi nếu anh ý buồn thì con tôi buồn, mà con tôi buồn thì tôi sẽ cực kỳ đau khổ. Đó là mối quan hệ vĩnh viễn không bao giờ thay đổi được.
Vậy nên tôi ước ao anh Lý hãy hạnh phúc đi, hãy mạnh khỏe đi. Anh có một cuộc đời vui vẻ để con anh vui vẻ, khi con vui vẻ thì tôi cũng sẽ vui vẻ. Cái đó là vì tôi. Trong một chừng mực nào đó tôi cũng ích kỷ phết đấy chứ (cười).
"Lúc nào mẹ cũng đi làm rất là sớm, về rất muộn, thế nhưng lúc nào con cũng thấy mẹ vui. Nhiều lúc con cảm nhận thấy gì đó muốn vẽ tặng mẹ nhưng vẽ xấu ơi là xấu nên không làm được.
Trên lớp, các bạn đều bảo con sướng vì mẹ đi làm nhiều tiền nhưng quả thực mẹ phải đi làm rất nhiều, không được ở nhà mấy. Con phải ở nhà với các chị, các chị cũng ít chơi với con. Con cũng cảm thấy buồn.
Con thấy thích nhất vào dịp Tết, nhà không có ai, chỉ có 2 mẹ con ở nhà thôi. Con với mẹ chuẩn bị mua cây, mua cành đào, dọn dẹp nhà cửa và mẹ không phải đi làm.
Mẹ bây giờ cũng khá là cao tuổi phải tự chăm lo cho mình đừng đi làm nhiều quá, đừng lo nghĩ nhiều về công việc", những lời tâm sự của Gia Bảo (Bé Tít) về mẹ.
Điều duy nhất tôi mong đợi từ anh Lý là lúc nào anh cũng yêu thương Tít, thế là đủ rồi. Còn việc đòi hỏi anh phải có tiếng nói trong việc nuôi con thì rất khó. Tôi nghĩ như vậy là không công bằng với anh ấy.
Tôi là người ở hằng ngày với Tít, giờ lại đòi hỏi anh ấy như thế thì không đúng. Anh ấy không ở cùng làm sao bắt anh ấy hôm nay phải thế này mai phải thế kia, phải có tiếng nói trong chuyện này chuyện khác.
Tôi cũng cảm ơn anh Lý vì đã luôn tin tưởng tôi và để cho tôi quyền được nuôi con theo cách mình thấy hợp lý.
Tôi biết anh Lý tin rằng, tôi có làm gì cũng là để tốt nhất cho Tít chứ không phải cho tôi. Chúng tôi tìm được tiếng nói chung trong chuyện này và tôi cám ơn vì anh ấy đã luôn hiểu tôi như thế!
Bình luận