Trong chương trình “Đánh thức Tết” tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, các đại sứ đã có những chia sẻ nhằm giúp sinh viên nhận thức được giá trị của Tết hiện tại, chủ động tận hưởng Tết. Từ đó, những bạn trẻ có thể nâng niu và gìn giữ những giá trị cổ truyền theo cách riêng của mình.
Giới trẻ hiện nay đang dần đánh mất sự háo hức với những hoạt động gắn liền với Tết cổ truyền và không chủ động đón nhận, tận hưởng Tết của hiện tại.
Điều này khiến Tết đáng lẽ là khoảng thời gian ý nghĩa nhất năm trở nên nhàm chán và cũ kỹ đối với người trẻ. Do đó, hãy để Tết không chỉ đẹp mà còn trở nên thú vị và đáng được tận hưởng, trân trọng.
Chia sẻ tại chương trình, MC Phan Anh tâm sự: “Khi vào đến trường Đại học Ngoại thương và nhìn thấy các bạn sinh viên, điều đầu tiên là tôi rất xấu hổ vì đến muộn bởi lý do cá nhân. Tuy nhiên, khi xuất hiện, nhiều sinh viên reo hò, những ánh mắt trìu mến đó khiến tôi rất vui và có phần xúc động”.
Với tư cách là một trong những đại sứ của chương trình “Đánh thức Tết”, Phan Anh mong muốn những chia sẻ của mình sẽ khiến các bạn sinh viên đón cái Tết thật ý nghĩa.
MC Phan Anh bật mí khi còn là sinh viên cũng khá "sợ Tết" vì khi gặp mọi người thường nhận được các câu hỏi như " học kỳ này có học bổng không, có người yêu chưa, bao giờ lấy vợ...".
Chính những câu hỏi của những người lớn tuổi đã khiến cho Phan Anh từ việc háo hức chờ đón được gặp gỡ mọi người dịp Tết lại trở nên e ngại mỗi khi Tết về.
Tuy nhiên, Tết đối với chàng MC điển trai này không vì thế mà mất đi ý nghĩa.
“Đó là niềm tin ở trong tôi. Tôi tin, Tết này sẽ là Tết ý nghĩa đối với các bạn”, MC Phan Anh khẳng định.
Chàng MC điển trai này cho rằng, Tết là của gia đình, của sự yêu thương và sự kết nối, vậy nên, hãy chủ động đón cái Tết giản dị nhưng ý nghĩa.
MC này nhận thấy bây giờ xã hội quá hiện đại, khiến không khí Tết mai một dần. Nhưng đối với Phan Anh, Tết thật ấm áp, đó là quãng thời gian đẹp đẽ và thiêng liêng.
"Vì vậy, các bạn sinh viên hãy làm việc cùng gia đình, cùng những người thân yêu và chia sẻ với nhau về kế hoạch để tránh tình trạng “chán Tết”, Phan Anh nói.
Video: Rộ tin đồn ăn chặn 24 tỷ đồng, MC Phan Anh phản pháo.
MC Phan Anh gửi đến sinh viên thông điệp: “Thay vì bạn mong mỏi rất nhiều điều thì hãy viết ra giấy những lời như con yêu mẹ, con yêu bố, hay Tết này sẽ đưa bố đi mua đào.
Bạn hãy ước những điều nhỏ, hãy chủ động cho mình cái Tết cổ truyền thật ý nghĩa. Hãy nói với bản thân, hãy làm những điều bình dị cho chính cuộc sống của mình”.
Tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội) cho biết, không chỉ sinh viên mà tất cả mọi người đều kêu Tết bây giờ khác ngày xưa.
"Các em nói trên lớp, Tết bây giờ không vui", Vị Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế nói.
PGS Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ: “Cuộc chơi nào cũng có luật chơi. Khi các em vào trường thì phải tham gia luật chơi của nhà trường, còn khi các em tham gia vào Tết thì phải tham gia luật chơi của Tết là phải cùng chia sẻ với gia đình. Chúng ta hay phàn nàn khi không chủ động tham gia cuộc chơi mà thường bị động bị người khác lôi kéo vào cuộc chơi”.
“Mỗi người hãy đón một cái Tết vừa hành động vừa sẻ chia với nhau”, PGS Nguyễn Hoàng Anh nói.
Khi MC đưa ra câu hỏi “Giới trẻ hiện nay đang mắc căn bệnh chung là ‘chán Tết’, quá kỳ vọng vào Tết”, bạn suy nghĩ sao về hiện trạng này?”, Người đẹp truyền thông 2016 Phùng Bảo Ngọc Vân vui vẻ chia sẻ quan điểm của bản thân.
"Các bạn sinh viên hay mọi người quá kỳ vọng vào Tết thì không có gì là sai trái. Nhưng vấn đề ở đây là hãy chủ động với cái Tết của mình", Phùng Bảo Ngọc Vân nói.
Tết là khoảng thời gian các bạn trẻ không phải đi học hay đi làm, vậy nên, hãy làm những điều đơn giản với những ý định đặt ra để cái Tết thật ý nghĩa.
Còn đối với nhà văn, nhà báo Trang Hạ, năm nay là năm rất đặc biệt vì được làm đại sứ cho chiến dịch “Đánh thức Tết”.
Trang Hạ khuyên các bạn sinh viên: "Bạn hãy bỏ qua ảo tưởng rằng 140 ngày nghỉ trong năm, có những thứ bạn không làm được hay những chỗ không đi được thì đừng mong ra ngày Tết sẽ đi được.
Nhưng nếu bạn về nhà, gắn kết tình thân thì đó là nền tảng quan trọng giúp các bạn trong hành trình mới".
Trang Hạ hy vọng các bạn sinh viên trường Ngoại thương có nhiều kế hoạch để đón năm mới một cách chủ động.
Để tránh tình trạng “chán Tết” của giới trẻ, nhà văn Trang Hạ đã đưa ra lời khuyên các bạn sinh viên hãy hỏi các thầy cô cách để cùng tương tác với cộng đồng.
Còn nếu ở nhà, các bạn trẻ cũng đừng dành trọn thời gian cho máy tính mà hãy gặp và trò chuyện thật nhiều cùng thầy cô, bạn bè, người thân.
"Hãy dành những ngày Tết ý nghĩa vì đó là nền tảng để giữ quan hệ", Trang Hạ nói.
Chiến dịch “Đánh thức Tết”- Để Tết không còn là hoài niệm là dự án truyền thông xã hội do Câu lạc bộ Truyền thông ĐH Ngoại Thương Hà Nội (YMC) khởi xướng tổ chức, cùng với đơn vị đồng tổ chức: Ban Chương trình và Hỗ trợ sự kiện N- ĐH Kinh tế quốc dân, đơn vị hỗ trợ truyền thông: Câu lạc bộ Phát triền năng lực lãnh đạo hiệu quả ĐH Hà Nội (DEL) và đối tác tư vấn chiến lược Tomorrow Marketers.
Chiến dịch xuất phát từ một thực trạng là giới trẻ hiện nay đang dần đánh mất sự háo hức với những hoạt động cổ truyền gắn liền với Tết trong hoài niệm nhưng lại không chủ động đón nhận và tận hưởng Tết của hiện tại. Điều này khiến Tết, đáng lẽ là khoảng thời gian ý nghĩa nhất năm, càng trở nên nhàm chán và cũ kỹ đối với người trẻ.
Với mục đích nhằm giúp các bạn sinh viên nhận thức được giá trị của Tết hiện tại, chủ động tận hưởng Tết, nâng niu, gìn giữ những giá trị cổ truyền theo cách riêng của người trẻ, để Tết không chỉ đẹp trong hoài niệm mà trở nên thú vị và đáng được tận hưởng, trân trọng.
BTC mong muốn, thông điệp “Để Tết không còn là hoài niệm” sẽ được lan tỏa rộng rãi không chỉ tại Hà Nội mà trên khắp cả nước, đế góp phần thay đổi suy nghĩ và khơi gợi cảm hứng thay đổi, làm mới Tết của những người trẻ đang tìm kiếm cái Tết của riêng mình.
> > > Đọc thêm: MC Phan Anh, người đẹp Phùng Bảo Ngọc Vân trong 'vòng vây' sinh viên Ngoại thương cùng 'Đánh thức Tết'
Bình luận