• Zalo

MC Nguyên Khang kể về nghề 'bỏ bùa' người nghe

Giáo dụcThứ Bảy, 06/04/2013 08:25:00 +07:00Google News

MC đa tài Nguyên Khang sẽ chia sẻ tất tần tật về công việc khá hấp dẫn này.

MC đa tài Nguyên Khang sẽ chia sẻ tất tần tật về công việc khá hấp dẫn này.


Là phát thanh viên kỳ cựu trên đài, Nguyên Khang (tên thật Đoàn Nguyên Khang, sinh năm 1984, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa TP HCM) được khá nhiều bạn trẻ yêu thích.

Với phong cách trẻ trung, năng động pha chút hóm hỉnh, Nguyên Khang luôn đem đến những phút giây thoải mái nhất cho người nghe.

Bên cạnh phát thanh viên, Nguyên Khang còn là một MC truyền hình được rất nhiều người yêu mến qua các chương trình: Trò chơi âm nhạc, VN trong tim tôi (VTV3), SV 2012, Chuyên cơ số 6 (VTV6).


Chia sẻ với PV, Nguyên Khang hào hứng kể tất tần tật những bí kíp, kinh nghiệm để trở thành một Phát thanh viên giỏi.
Nguyên Khang đang là Phát thanh viên và MC truyền hình được rất nhiều người yêu thích.  
- Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công việc Phát thanh viên vậy?

- Ngày còn là học sinh THPT, Khang là đã là một fan của các chương trình trên radio như Làn sóng xanh, Những ca khúc bất hủ, Quà tặng âm nhạc…và mến mộ giọng nói của các anh chị như Huyền Thanh, Đông Quân, Mai Trinh, Trí Quyền... Lúc đó Khang cũng không nghĩ sau này sẽ trở thành một phát thanh viên đâu.

Năm 2006, Khang được ca sĩ Lan Trinh giới thiệu dẫn chương trình gameshow cho đài. Thế là Khang nộp hồ sơ phỏng vấn và gần 1 năm sau, Khang nhận được cuộc điện thoại mời làm DJ cho chương trình đó. Khang đã rất vui và chớp lấy cơ hội ấy.

- Anh đã gặp phải những khó khăn nào khi bước vào nghề?

- Đó là lần đầu tiên làm việc với ê kip nước ngoài. Những thuật ngữ và phong cách làm việc của họ khiến mình cảm thấy bỡ ngỡ và lạ lẫm.

Thứ hai là Khang cảm thấy khó khăn trong việc điều tiết âm lượng và tông giọng trong tiếng nói của mình. Vì đeo headphone nên đôi khi cao độ và cường độ Khang phải nói sao cho phù hợp. Thứ ba đó là khả năng ứng biến, tung hứng với bạn dẫn. Thứ tư là kiến thức lúc đó của mình cũng chưa được rộng, phong phú nên lên sóng hơi bị khô khan và nhàm chán. Cách tốt nhất để cải thiện nó là bạn nên đọc sách, tìm kiếm thông tin thường xuyên để nâng cao vốn sống, vốn kiến thức.
Nguyên Khang luôn luôn trung thành với phong cách dẫn trẻ trung, vui nhộn và hài hước.  
- Để trở thành một phát thanh viên cần hội tụ những yếu tố nào, theo anh?

 

A lô, anh đó hả. Em đăng ký không phải để tham gia gameshow mà là để gặp anh bởi vì em rất thích anh, em muốn nói rằng em yêu anh

MC Nguyên Khang chia sẻ kỷ niệm
 
- Nghề phát thanh viên không yêu cầu bạn phải có ngoại hình nhưng giọng nói là yếu tố đầu tiên bởi bạn là người truyền tải thông tin, cảm xúc đến với người nghe. Đam mê sẽ vẫn chưa đủ nếu bạn không kiên nhẫn học hỏi, lĩnh hội từ những anh chị đi trước để thu nạp kinh nghiệm cho bản thân.


Bạn nên xây dựng một cá tính cho riêng mình, sự khác biệt để người nghe nhận ra đó chính là bạn. Thường có vài phong cách chính để bạn chọn: Hoặc bạn là người trẻ trung, sôi nổi, hài hước, hoặc bạn trầm tính, hoặc bạn có thể đanh đá, chua ngoa hơn một tí (cười).

- Phát thanh viên là nghề “bỏ bùa” bằng giọng nói. Theo anh giọng nói quyết định như thế nào đến thành công của nghề này?

- Giọng nói chỉ quyết định từ 30% - 40% thành công của nghề. Cá nhân Khang nghĩ phong cách mới chính là yếu tố quyết định. Khang từng có một giọng nói tệ, phát âm không chuẩn. Để có được thành quả như ngày hôm nay, đó là một sự khổ luyện vất vả, sự nỗ lực không ngừng.

- Để có một giọng nói tốt, hấp dẫn người nghe, anh phải tập luyện thế nào?

- Ngày xưa, khi còn học THPT giọng nói của Khang không được ngọt ngào thế đâu, Khang cũng nói tông không hợp tai người nghe. Khang đã biến sở đoản thành sở trường của mình bằng cách tập luyện. Khang mua sách tiếng nói sân khấu về tập luyện, thâu âm trong 1 cuốn băng cassette, nghe đi nghe lại thường xuyên và chỉnh sửa. Nhiều người cứ nghĩ cái gì đã là thuộc tính cố hữu của bản thân sẽ khó thay đổi, nhưng Khang nghĩ có quyết tâm sẽ làm được thôi.

- Bên cạnh những yếu tố đó, người phát thanh viên cần thêm những kỹ năng nào nữa?

- Người phát thanh viên giỏi trước hết nên là một người biên tập giỏi. Nếu bạn biên tập tốt bạn sẽ chủ động được những gì mình sẽ nói khi lên sóng.Nếu dẫn một chương trình ca nhạc, giọng nói bạn nên nhẹ nhàng, sâu lắng. Ngược lại dẫn một chương trình gameshow thì giọng nói của bạn phải hào hứng, sôi nổi, hấp dẫn.

- Ở nghề phát thanh viên điều gì luôn hấp dẫn anh?

- Có hai điều. Người phát thanh viên dùng năng lực giọng nói của mình để “điều khiển” cảm xúc người nghe, hướng họ đến sự vui vẻ hay tông nhẹ nhàng, trầm buồn tùy vào câu chuyện, âm nhạc.

Thứ hai: Nghề phát thanh viên giúp bạn phát huy cá tính của mình một cách mạnh mẽ nhất. Hoặc bạn sẽ thật nổi bật, hoặc bạn sẽ lu mờ cá tính ấy nếu không chọn cho mình con đường phù hợp.

- Cá tính và phong cách mà anh đang theo đuổi là gì?

- Đó là một phong cách trẻ trung, sôi nổi, thậm chí là hài hước.
Nguyên Khang trong phòng thu hướng dẫn thí sinh Next Top Model 2011. 
- Khó khăn khi phải dẫn cặp cùng với một phát thanh viên khác là gì?

- Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là làm sao mình và bạn dẫn có thể diễn ăn ý với nhau. Có thể bạn và bạn dẫn có tính cách khác nhau, không hiểu nhau, thế nên phải tập sao cho người tung kẻ hứng thật duyên dáng. Tránh trường hợp cướp lời người khác, trùng lặp ý mà người kia đã nói.

Với những bạn dẫn khác vùng miền, ngôn ngữ và cách diễn đạt đôi khi cũng là trở ngại. Tốc độ nói cũng nên lưu tâm, các thính giả Bắc thường bảo Khang nói nhanh. Chính vì vậy, Khang cố gắng tiết chế bằng cách nói chậm lại cho phù hợp.

- Tai nạn nghề nghiệp mà anh từng gặp phải?

- Khi dẫn chương trình trực tiếp Khang thi thoảng bị lẹo lưỡi, phát âm không đúng. Có những trường hợp đang dẫn thì mình và bạn dẫn bật cười vì ý tứ của câu chuyện, đôi khi sặc cả nước. Càng chuyên nghiệp mình đã hạn chế và khắc phục được điều đó.

- Tình huống "oái ăm" nhất anh từng gặp với thính giả trên sóng phát thanh?

- Có những vị khán giả “tán tỉnh” mình trên đài như: “A lô, anh đó hả. Em đăng ký không phải để tham gia gameshow mà là để gặp anh bởi vì em rất thích anh, em muốn nói rằng em yêu anh”. Hay có những thính giả đang đi xe bus mà được gọi tham gia trực tiếp thì la lên: “A, tôi được chọn tham gia chương trình rồi!”. Thậm chí có những cặp vợ chồng chỉ vì yêu quý mình mà đặt tên con là Nguyên Khang… Tình cảm của thính giả tiếp lửa đề mình tiếp tục gắn bó với nghề, đến nay đã gần 7 năm rồi.

- Nghề Phát thanh viên dường như ít có cơ hội nổi tiếng như MC truyền hình. Anh nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy. Một người phát thanh viên ít khi trở thành một MC truyền hình nếu như không có ngoại hình tốt. Nếu bạn có thêm yếu tố này con đường đến với MC truyền hình của bạn khá gần bởi bạn đã có phong cách và giọng nói.

Không làm được MC truyền hình, bạn cũng không cần lo, với giọng nói và phong cách, bạn có thể tham gia đọc voice cho các mẫu quảng cáo trên truyền hình, lồng tiếng phim… Những công việc này vẫn có nguồn thu nhập tốt và ổn định.
Nguyên Khang không ngần ngại chia sẻ tất tần tật những kinh nghiệm của mình cho những bạn trẻ yêu công việc Phát thanh viên. 
- Anh nghĩ cơ hội để các bạn trẻ đến với nghề này thế nào?

- Cơ hội cho những bạn trẻ đến với nghề phát thanh viên khá tiềm năng bởi vì radio ở Việt Nam mới bắt đầu quay trở lại trong những năm gần đây, khi mà giới trẻ bắt đầu có thói quen nghe radio trên điện thoại hay nghe trực tuyến trên internet. Bên cạnh đó nhu cầu cuộc sống của con người cũng ngày càng tăng cao như nghe radio trong xe hơi, xe bus…đã tạo điều kiện cho radio phát triển hơn.

- Một lời nhắn nhủ của anh tới các bạn trẻ đang nuôi ước mơ trở thành một Phát thanh viên?


- Có 4 từ dám tôi muốn gửi đến các bạn: Dám nghĩ, dám làm, dám thất bại, dám làm lại. Hãy thử sức với công việc yêu thích bạn sẽ nhận ra được 2 điều: Nếu thành công thì phải phấn đấu để thành công hơn. Nếu thất bại thì phải tìm cách để rút tỉa kinh nghiệm.

Trong cuộc đời, không thể dự đoán trước được điều gì. Điều quan trọng hãy cứ dám dấn thân để rút có những bài học mà không phải ngôi trường nào cũng dạy bạn. Nếu bạn thật sự đam mê công việc này hãy cứ thử sức, đừng sợ thất bại. Các bạn còn rất trẻ, mình vẫn có thời gian để quay lại và bắt đầu tìm mối lối đi mới, đúng không?
Yếu tố cần có ở một người phát thanh viên:
- Giọng nói
- Sự kiên trì
- Cá tính, phong cách riêng
- Sự sáng tạo

Kỹ năng cần thiết:
- Biên tập
- Khả năng ứng biến với tình huống
- Biến hóa giọng nói

Nghề Phát thanh viên thi khối C, D. Bạn có thể học tại các khoa Báo chí - Truyền thông tại các trường:

Phía Bắc: ĐH KHXH&NV Hà Nội , Học viện Báo chí Tuyên truyền, Cao đẳng Truyền hình, Cao đẳng Phát thanh truyền hình Hà Nam...

Phía Nam: ĐH KHXH&NV TP HCM, ĐH Huế , CĐ Phát thanh truyền hình II...

Ngoài ra bạn có thể học thêm kỹ năng này ở các Nhà văn hóa, CLB như: Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM.


Theo Xuân Tân/Ione

Bình luận
vtcnews.vn