- Người xưa cho rằng, lễ Vu Lan là dịp để con cái báo hiếu cha mẹ, ông bà. Họ cũng quan niệm “trần sao âm vậy” nên nhiều gia đình Việt Nam đã không tiếc tiền, công sức đốt các mặt hàng vàng mã "xa xỉ" như siêu xe, biệt thự, điện thoại... cho người đã mất. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Tôi cảm thông với sự "nặng tình" của các vị phận con báo hiếu với cha mẹ thông qua việc đốt vàng mã để chăm lo cho đời sống vật chất của cha mẹ ở thế giới bên kia! Nhưng khi họ quá lo lắng vì cha mẹ không đủ đầy hay muốn bù đắp cho họ thì thực tế hành động của họ chỉ thoả mãn những người đang sống.
Tôi tin là người đã thác về bên kia thế giới cũng không coi trọng cái vật chất được "hoá" cho họ, mà coi trọng cái tâm hướng về. Nên đừng coi vật chất là phương tiện biểu đạt tình cảm, hãy để tâm tưởng thanh thản và những ký ức về cha mẹ luôn đong đầy trong đời sống của chúng ta. Tôi cho thế thì sống dễ dàng và đẹp hơn.
- Anh có kỷ niệm đáng nhớ nào về bố mẹ, anh có thể chia sẻ với độc giả được không?
Hồi còn bao cấp, năm 1986 lạm phát phải đổi tiền, tôi còn bé, có tích luỹ tiền “mừng tuổi” trong bụng một con cá nhựa trong suốt. Cá mỗi ngày một “béo”, tôi nhìn thấy rõ là nhiều tiền, công lao tích góp từ khi chưa biết gì… ấy thế mà bố mẹ dỗ ngon ngọt mổ cá để bố mẹ đổi cho tiền mới.
Lúc về bố mẹ chỉ đưa cho tôi một đồng tiền giấy duy nhất, tôi khóc oà vì tức tối, càng giận bố mẹ hơn khi số tiền chỉ đủ mua một vốc to bỏng ngô… Rất lâu sau bố mẹ và tôi không làm lành được…
Rồi chuyện đó qua đi, đến tận khi trở thành sinh viên, học về lạm phát năm 1985-1986, tôi mới hiểu ra và nhớ lại, mắt lại rơm rớm vì trách bố mẹ nhầm.
- Bài học mẹ dạy anh nhớ nhất là gì? Bà có ảnh hưởng đến anh như thế nào trong cuộc sống, công việc của anh sau này?
Bài học lớn nhất mẹ dạy lại chính là "nói ít mà nghĩ nhiều", tinh tế và thấu đáo trong hành động khi sống bên nhau.
MC Lê Anh
Mẹ đối với tôi đã trở nên quá đỗi gần gũi, hình ảnh mẹ luôn thường trực trong cuộc sống hàng ngày của tôi! Mẹ thật hiền và luôn tin tưởng con trai của mình. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ nghiêm túc dạy dỗ tôi điều gì, kể cũng lạ, như nhà khác thì mẹ sẽ nhắc nhở, bảo ban, thậm chí mắng mỏ... để dạy con, còn mẹ tôi thì quá ư giản dị, chưa từng "tỏ ra nguy hiểm" (cười) làm mấy đứa con chúng tôi chột dạ!
Hay là mẹ phải chịu đựng chúng tôi? Rồi những quan sát, những ứng xử hàng ngày đã khiến chúng tôi hiểu ra nhiều sau mỗi năm bên mẹ, rồi tự điều chỉnh hành vi để sống đúng đắn hơn.
Bạn hỏi khiến tôi ngẫm ra, có lẽ bài học lớn nhất mẹ dạy lại chính là "nói ít mà nghĩ nhiều", tinh tế và thấu đáo trong hành động khi sống bên nhau.
- Nhiều người trẻ mải mê công việc, tình cảm cá nhân mà quên rằng mình còn có cha mẹ cô đơn ở quê nhà, đến lúc khi cha mẹ già yếu, thậm chí không còn trên cõi đời họ mới giật mình tiếc nuối. Anh suy nghĩ gì về vấn đề này? Anh có lời khuyên nào nhắn nhủ đến những người trẻ hiện nay?
Chuyện này là bi kịch không hiếm gặp và dường như ai cũng biết. Nhưng lại nhiều người ân hận vì biết mà không "hành động". Tôi có cậu bạn làm nghề sự kiện, mùa Vu lan này, cậu ấy tâm huyết tổ chức một chương trình dành cho các bậc cha mẹ, giúp anh em bạn bè có dịp bày tỏ sự tri ân đối với cha mẹ mình.
Nhưng khi ngồi riêng với nhau, cậu ấy buồn rầu nói: "Anh nhớ đưa ông bà đi xem show của em nhé, ý nghĩa lắm đấy. Anh còn cha mẹ thì cố gắng đi, chứ em làm gì còn cha mẹ mà tri ân nữa". Câu nói khiến tôi lặng người.
- Là một MC nổi tiếng, đắt sô chắc hẳn anh đã từng dẫn nhiều chương trình về tri ân người mẹ. Xin anh chia sẻ về cảm xúc khi dẫn các chương trình này?
Rất nhiều chương trình tôi được găp các Mẹ Việt Nam anh hùng, các mẹ neo đơn, nghèo và cô đơn, không còn con cháu, các mẹ khuyết tật... Mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận, mỗi vẻ ngoài khác biệt nhưng đều khiến tôi trầm tĩnh lại nhiều lúc.
Có một điều tôi muốn mà ít khi dám làm, là nhìn thẳng vào những đôi mắt đầy tâm trạng, đầy khắc khoải của các mẹ khi làm chương trình. Vì dù bản lĩnh đến đâu, tôi biết mình sẽ khó kìm lòng khi những ánh mắt nhiều phần đã loà ấy lại kể được những câu chuyện chất chứa bao ưu tư về nhiều cuộc đời xung quanh cuộc đời của mẹ, làm nên chính cuộc đời của mẹ.
Mẹ Việt Nam cam chịu và vất vả quá. Tôi những mong từ trong văn hoá cho đến cuộc sống văn minh, các mẹ được bỏ bớt những gánh nặng từ lễ giáo cho đến trách nhiệm xã hội quy định không thành văn, để những ánh mắt của mẹ được sáng lên cùng những cái nhoẻn miệng mẹ cười cho cuộc đời được vui.
- Chương trình nghệ thuật "Tim Sen" diễn ra vào 15/9 tới đây là chuyến hành hương về cõi Phật cũng là lời tri ân đặc biệt đến những người phụ nữ, đặc biệt là Mẹ. Cảm xúc, tâm trạng của anh khi tham gia với tư cách là MC của chương trình?
“Tim Sen” là một chương trình ý nghĩa bởi chương trình đề cập đến người Mẹ trong một dịp đặc biệt là lễ Vu lan. Đây là khoảng thời gian để chúng ta hồi tưởng lại những ký ức đẹp về mẹ để thêm trân trọng, kính yêu các đấng sinh thành.
Tôi có một sắc giọng gần gũi với việc biểu cảm những chương trình như thế này và tôi tự hào vì những biểu cảm của mình không chỉ đến từ kỹ năng diễn giọng và sự tưởng tượng. Nó đến từ những cảm xúc chân thực qua những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những trải nghiệm không thể quên của tôi trong hơn 20 năm qua.
Tôi đi rất nhiều, nghiên cứu về văn hoá, con người và luôn tâm niệm rằng: làm MC không chỉ nói cho trôi chảy mà được; MC cần có cả những nghẹn ngào từ trái tim.
Bình luận