Dù không sôi động như thị trường máy tính mới máy tính cũ vẫn được bán tràn lan ở những con đường trong TP.HCM như Cách mạng tháng Tám (quận 3), Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh)... với giá dao động từ 800.000 – 1,5 triệu đồng, không đi kèm màn hình. Các trang rao vặt hay nhóm mua bán trên Facebook cũng bán rầm rộ không kém.
Những mẫu máy này vẫn được bán nhiều là do nhu cầu của người dùng vẫn cao, chủ yếu là học sinh, sinh viên, người về hưu, các bà nội trợ… vốn cần các chức năng cơ bản. Họ không quan tâm nhiều đến cấu hình mạnh hay yếu, miễn chỉ cần hoạt động ổn định và kết nối Internet được là đủ.
Chị Thu Hằng, sinh viên năm nhất trường Đại học Hoa Sen, vừa làm xong thủ tục mua chiếc máy vi tính cũ ở một cửa hàng trên đường Bàu Cát (quận Tân Bình). Trong khi đợi các nhân viên hỗ trợ buộc bộ máy vừa mua lên xe, chị cho biết, mình mua chiếc máy tính này cho mục đích lên mạng xã hội, đọc báo, xem YouTube... với giá chỉ 2 triệu đồng, trong đó màn hình 1,2 triệu đồng.
Duy Phương (quận Tân Phú) cho biết, anh cũng mới mua cho bố mình một chiếc máy tính cách đây ít lâu. Vì gia đình đã có sẵn màn hình vi tính, nên anh chỉ mua thêm bộ CPU và phụ kiện với giá 1 triệu đồng. "Nhu cầu của bố tôi là xem tin tức, đọc các tài liệu và sách mà ông thích, nên không cần máy đắt tiền. Ông đã dùng gần một tháng và nó hoạt động khá ổn định, ngoại trừ tốc độ không được nhanh", anh Phương nói.
Cũng tương tự chị Hằng và anh Phương, ông Đăng Thanh (huyện Nhà Bè) cho biết mình mua bộ máy tính có giá 2,5 triệu đồng cho đứa con học lớp 7. "Do điều kiện gia đình không mấy khá giả nên tôi chọn mua lại chiếc máy cũ làm công cụ hỗ trợ học tập cho con. Vì được cam kết bảo hành lâu dài nên tôi cũng an tâm", ông Sơn cho biết.
Hầu hết các mẫu máy bán ra trên dưới 1 triệu đồng đều có cấu hình khá yếu nếu so sánh với thông số của máy tính hiện tại, dù bên ngoài vẫn được tân trang như mới. Ví dụ, một chiếc máy tính gồm mainboard G31, CPU Intel Celeron 1,6 GHz, RAM 1GB, ổ cứng 80GB có giá 850.000 đồng; hay mẫu máy chạy Intel Core 2 duo 2.2GHz, RAM 2GB, ổ cứng 160GB giá 1,2 triệu đồng. Chúng không còn được bảo hành từ phía hãng do đã bị ngừng sản xuất từ lâu, nhưng được các cửa hàng tự bảo hành, với thời gian từ 15 ngày đến 6 tháng tùy nơi.
Với cấu hình này, hầu hết các thiết bị trên dùng để lướt web, nghe nhạc... là chủ yếu, bởi chúng khó có thể cài được nhiều ứng dụng lên máy cùng lúc, cũng như chạy các ứng dụng "nặng", đòi hỏi khả năng xử lý như phần mềm đồ họa, game 3D... Tuy nhiên, nếu so sánh với máy tính xách tay cùng thông số, khả năng hoạt động của nó ổn định hơn.
Theo lời tư vấn của một quản lý cửa hành máy tính trên đường như Huỳnh Tấn Phát (quận 7), người dùng có thể an tâm đến chất lượng của những mẫu máy này, bởi nó được nhập nguyên bộ từ Mỹ, Nhật Bản… và mới chỉ bị dùng "lướt", chưa có sự xáo trộn linh kiện bên trong. Người này cũng tiết lộ rằng, cửa hàng anh bán được 2 – 3 bộ mỗi ngày và trường hợp khách tỉnh lấy 20 – 30 bộ để làm quán Internet không phải là hiếm.
Tuy nhiên, theo một người am hiểu về thị trường PC cũ, chỉ một phần máy tính có xuất xứ đúng như người quản lý trên mô tả, nhưng chúng đã bị thải loại sau thời gian dài sử dụng chứ không phải mới bị dùng qua. Chúng hầu hết là máy bộ, mang các thương hiệu lớn như IBM, DELL, HP, COMPAQ… Với các mặt hàng này, người dùng cần cảnh giác bởi theo Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, áp dụng từ 15/12/2015, máy tính là một trong những thiết bị nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, đồng nghĩa với những sản phẩm được quảng cáo có xuất xứ từ nước ngoài là hàng nhập lậu, hoặc đã bị xáo trộn kinh kiện kém chất lượng vào bên trong. Điều này sẽ rất nguy hiểm về lâu dài, khiến máy hoạt động không ổn định, làm hỏng các bộ phận khác, thậm chí là xảy ra tình trạng cháy nổ.
Bên cạnh đó, các mẫu máy này còn có nhiều nguồn gốc khác nhau, phổ biến nhất là hàng tồn kho từ các công ty máy tính lớn, hoặc hàng thanh lý từ các cơ quan, trường học, tiệm Internet… "Sau thời gian dài sử dụng, những chiếc máy này sẽ bị lỗi thời và phải nâng cấp phần cứng. Chúng sẽ được các cửa hàng hoặc dân buôn thu mua, được tân trang lại và bán với giá rẻ. Về cơ bản, linh kiện trong máy vẫn là hàng chính hãng và có thể tin tưởng được tuy là đồ cũ", người này cho biết.
Nghiêm trọng nhất là nhiều gian thương đã tìm cách tân trang lại các thiết bị hư hỏng bằng linh kiện không rõ nguồn gốc và có giá rẻ nhập từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) để "hô biến" thành chiếc máy tính mới nhằm kiếm lời bất chính. Để thoái thác trách nhiệm, họ chỉ bảo hành thiết bị trong thời gian ngắn, thậm chí là không bảo hành.
Do đó, nếu đủ kiến thức, người mua có thể tự mình kiểm tra các thông số của máy, hoặc nhờ người quen am hiểu vấn đề này xem xét và tư vấn trước khi lựa chọn. Đây là cách an toàn nhất để lựa chọn một chiếc máy tính phù hợp với nhu cầu cơ bản. Bên cạnh đó, nên suy xét kỹ, tham khảo nhiều cửa hàng, so sánh cấu hình và những dịch vụ hậu mãi kèm theo, lựa chọn cửa hàng uy tín... để có thể chọn lựa cho mình một bộ máy tính ưng ý.
Bình luận