• Zalo

Máy đo an toàn thực phẩm: Công nghệ 'lừa đảo'?

Kinh tếThứ Hai, 07/12/2015 06:57:00 +07:00 Google News

Máy đo an toàn thực phẩm: Công nghệ 'lừa đảo'?

Thực tế trên thị trường hiện nay, chưa có sản phẩm máy đo an toàn thực phẩm nào có thể đo được tất cả các loại chỉ số liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như quảng cáo, dù giá bán không hề rẻ.

Thổi phồng công năng


Một sản phẩm máy đo an toàn thực phẩm đang được nhiều người truyền tai nhau là có thể kiểm tra được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phóng xạ… trong rau, quả, thực phẩm với giá bán dao động từ 4,5 triệu đến 6,5 triệu đồng.

Sản phẩm khá nhỏ gọn, được cài đặt sẵn phần mềm tiếng Việt. Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ thì sản phẩm này chỉ có chức năng kiểm tra dư lượng nitrat (muối diêm) - một hóa chất thường được sử dụng bảo quản thực phẩm.

Theo đó, khi muốn kiểm tra một sản phẩm nào đó, chỉ việc cắm ngập đầu thanh kim loại vào thực phẩm cần đo. Trong vòng 20 giây, chỉ số nồng độ nitrat sẽ hiển thị và ngay lập tức, máy sẽ đối chiếu với mức nitrat quy định và đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người tiêu dùng.

Với chức năng như vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm chứ không nên gọi là máy đo an toàn thực phẩm để tránh người tiêu dùng hiểu lầm về công năng của nó.


Hơn nữa, việc đo nitrat bằng máy này sẽ khó có độ chính xác vì các nguyên nhân như việc bảo quản máy, đầu cắm… Bên cạnh đó, chiếc máy này chỉ đo được những thực phẩm có thể cắm đầu test vào nên các loại thực phẩm như rau, sản phẩm dạng nước sẽ không đo được.

Mới đây, đại diện Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng cho biết, các thông tin trên các trang mạng bán sản phẩm này đã đưa tin, quảng cáo thổi phồng, sai lệch so với hồ sơ đăng ký lưu hành. Theo đó, đây chỉ là bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi.

Sử dụng kit thử như thế nào?

Trên thực tế, hiện trên thị trường có nhiều bộ sản phẩm giúp phát hiện các độc tố trên thực phẩm. Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ phát hiện được một loại độc tố, không có sản phẩm nào phát hiện được nhiều loại độc tố cùng một lúc.

Trong khi đó, chất bảo vệ thực vật gây hại đến sức khỏe con người có tới hàng nghìn chất, chưa kể các tác nhân khác, vì vậy không có loại máy nào giúp bà nội trợ có thể lựa chọn thực phẩm an toàn một cách tuyệt đối.

Hơn nữa, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều kit thử độc tố thực phẩm với giá từ 10.000 đến 70.000 đồng, tuy nhiên những sản phẩm này chỉ sử dụng được 1 lần nên tính ra giá thành cho mỗi lần sử dụng khá đắt. Do đó chỉ có các khối cơ quan, doanh nghiệp hay các nhà hàng mới mua, người dân rất ít sử dụng.


Theo tư vấn các chuyên gia, các bà nội trợ cũng có thể sử dụng các kit thử độc tố thực phẩm với mục đích chọn cho mình một địa chỉ tin tưởng để mua thực phẩm.

Chẳng hạn một số kit thử độc tố thực phẩm như hàn the, kiểm tra độ sạch bát đĩa, nước cứng, thuốc trừ sâu, phẩm màu, formon, nitrat, nitrit... của Viện Kỹ thuật hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an) hiện được bán với giá vài chục nghìn đồng.


Hay mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Hóa học TP.HCM cũng đã nghiên cứu thành công que thử chất cấm tồn dư trong gia súc, gia cầm.

Với sản phẩm này, người dùng chỉ cần nhúng que thử vào nước tiểu của vật nuôi khoảng 5 phút, khi chữ T trên que thử mất đi có nghĩa là vật nuôi đó vẫn tồn dư các chất cấm.

Hiện, giá thành mỗi que thử vào khoảng 70.000 - 100.000 đồng. Các đơn vị phối hợp nghiên cứu đang hoàn thiện sản phẩm và hạ giá thành để có thể đưa sản phẩm sớm được đưa ra sử dụng đại trà.

Nguồn: An ninh Thủ đô
Bình luận
vtcnews.vn