Giant N là một trong số rất nhiều máy đào tiền điện tử chuyên dụng (Asic) do Trung Quốc sản xuất. Thiết bị này được công ty Baikal giới thiệu hôm 11/3 và cho đặt trước với giá 3.600 USD. Cùng thời điểm, một số đại lý tại Việt Nam bắt đầu chào bán sản phẩm với giá 85-99 triệu đồng, tuỳ số lượng.
Theo nhà sản xuất, Giant N có thể giải mã thuật toán Cryptonight với tốc độ 20 kH mỗi giây và Cryptonight-lite tốc độ 40 kH mỗi giây. Như vậy, với cùng thuật toán, thiết bị chuyên dụng của Trung Quốc mạnh gấp khoảng bốn lần máy đào VGA ("trâu") mà giá đắt gấp đôi. Đáng chú ý, Giant N có công suất tiêu thụ điện chỉ 60 watt, bằng một phần mười so với "trâu".
Thời điểm mới ra mắt, ước tính một tháng Giant N đem về cho người đầu tư khoảng 17 triệu đồng, tức là sẽ mất khoảng sáu tháng để hoàn vốn dù thị trường tiền điện tử đang vào giai đoạn không khởi sắc. Chỉ sau vài ngày, một số cửa hàng nói trên đã có khách đặt hàng hết lô máy đợt đầu với số lượng lên đến hàng trăm thiết bị.
Giant N chưa kịp về Việt Nam thì Bitmain, công ty Trung Quốc chuyên sản xuất thiết bị và khai thác tiền điện tử hàng đầu thế giới, đã giới thiệu dòng máy cạnh tranh với đối thủ. Antminer X3 của Bitmain được công bố với tốc độ 220 kH mỗi giây cho thuật toán Cryptonight, tức mạnh gấp 11 lần sản phẩm của Baikal. Trong khi giá bán của dòng máy ra sau là 12.000 USD, đắt gấp 3,3 lần Giant N.
Như vậy, máy Asic của Bitmain ra sau vài ngày nhưng có giá rẻ hơn ba lần so với thiết bị Baikal Giant N. "Nó không khác gì 'cú đánh trời giáng' vào đối thủ nhưng quan trọng hơn là 'đánh thủng' túi tiền của nhà đầu tư", anh Đức Hoàng, một người kinh doanh máy đào tại Hà Nội, nhận xét. "Bản thân chúng tôi cũng bất ngờ trước thông tin của các nhà sản xuất".
Trước sự biến động "chóng vánh" của thị trường, Giant N đã phải giảm 1/3 so với giá cũ, hiện được chào bán với khoảng 35-37 triệu đồng. Dĩ nhiên, những người mua máy đợt đầu thì chấp nhận giá như cũ. "Nhiều khách hàng thấy bất lợi muốn huỷ 'cọc' nhưng bản thân tôi mua máy cũng phải đặt với hãng nên điều này là không thể", anh Hoàng cho hay.
Tiền điện tử được cảnh báo là lĩnh vực nhiều rủi ro nhưng vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư vì mức lợi nhuận cao. Riêng với máy đào Asic, thu nhập từ dòng thiết bị này có thời điểm lên đến cả triệu đồng mỗi ngày nhưng máy cũng có nguy cơ thành "sắt vụn" khi có dòng máy mới với hiệu năng cao ra đời. Các nhà sản xuất Asic Trung Quốc còn vướng phải nghi vấn tiêu cực như cho máy đào trước rồi mới bán thiết bị ra thị trường, giao máy chậm, "thổi giá" tiền ảo nhằm thu hút khách hàng...
Video: Bitcoin có thể là bong bóng lớn nhất trong lịch sử
Asic (Application-specific integrated circuit), tức vi mạch được thiết kế để làm một nhiệm vụ chuyên dụng. Thiết bị này bao gồm một hay một vài bo mạch, được tích hợp chip với thiết kế đặc biệt nhằm "đào" khoẻ hơn nhưng lại "ngốn" ít điện hơn. Các thành phần khác của Asic khá đơn giản như bộ điều khiển, quạt, cổng LAN để kết nối Internet, đèn báo hiệu...
Trong 2017, đã có hơn 7.000 máy đào Bitcoin, Litecoin nhập về Việt Nam qua Cục Hải quan TP HCM và Hà Nội. Trong số này hầu hết là thiết bị từ Trung Quốc, được nhập nhiều nhất vào dịp cuối năm.
Bình luận