• Zalo

Máy bay VietnamAirlines bị xịt lốp được cấp cứu thế nào?

Thời sựThứ Bảy, 09/01/2016 08:42:00 +07:00Google News

Nhận tin sự cố, ngành hàng không lập tức kích hoạt phương án khẩn nguy, không cho 10 máy bay gần Nội Bài hạ cánh; dưới mặt đất các máy bay chuẩn bị cất cánh đượ

Nhận tin sự cố, ngành hàng không lập tức kích hoạt phương án khẩn nguy, không cho 10 máy bay gần Nội Bài hạ cánh; dưới mặt đất các máy bay chuẩn bị cất cánh được sơ tán, xe cứu thương, cứu hỏa túc trực đề phòng nguy cơ cháy nổ. 

"Chúng tôi rất căng thẳng khi được thông báo máy bay bị xịt lốp. Nếu xử lý sai, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng", ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không nhớ lại thời điểm nhận tin về sự cố sáng 8/1 với máy bay Airbus A321 từ Đà Nẵng ra Hà Nội.

Chuyến bay thường lệ của Vietnam Airlines khởi hành từ Đà Nẵng lúc 8h59, trên máy bay Airbus A321 có 173 người, gồm 162 khách và phi hành đoàn, dự định hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 9h57. Tổ lái gồm cơ trưởng người nước ngoài và cơ phó người Việt.
Kiểm tra lốp máy bay sau khi hạ cánh. Ảnh: Người Lao Động.
Kiểm tra lốp máy bay sau khi hạ cánh. Ảnh: Người Lao Động.  

Bay được 30 phút tới địa phận Nghệ An, khi đang ở độ cao 8.850 m thì tổ bay phát hiện lốp ngoài bên trái bị xịt và yêu cầu trợ giúp khẩn nguy từ mặt đất.

"Các phương án khẩn nguy được kích hoạt. Toàn bộ lực lượng tại sân bay Nội Bài cũng như tại Đài kiểm soát không lưu được huy động. Xe cứu thương, cứu hỏa, lực lượng trải bọt trên đường hạ cất cánh sẵn sàng để phòng cháy nổ", Cục trưởng Hàng không kể lại.

Lãnh đạo ngành hàng không đã tính đến việc máy bay tiếp đất bằng bụng và chuẩn bị phun bọt phòng cháy nổ. Song phương án này có thể gây trơn trượt khiến máy bay bị văng ra ngoài đường băng. Sau khi theo dõi, phi công cho biết, lốp gặp sự cố không bị nổ, vẫn còn hơi nên có thể tiếp đất được.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Đinh Việt Thắng nhận định, nếu mất một lốp máy bay vẫn có thể hạ cánh, nhưng phải xem xét vì có thể lốp hỏng tác động tới lốp còn lại.

Kiểm soát không lưu sau đó yêu cầu tổ bay bay vòng đến Hà Nam khoảng 15 phút để tiêu hao nhiên liệu và xả bớt dầu, giảm nguy cơ cháy nổ. Phi công được chỉ đạo hạ cánh thử trên đường bằng (không tiếp đất) để kiểm tra hệ thống càng trước khi quyết định phương án an toàn nhất.

Cùng lúc đó, 10 máy bay trong vùng tiếp cận sân bay Nội Bài để chuẩn bị hạ cánh, đã được chỉ đạo không tiếp đất. Các máy bay chuẩn bị cất cánh đều được đưa vào khu chờ để dành diện tích ưu tiên cho máy bay khẩn nguy.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chúc mừng phi hành đoàn điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. Ảnh: Báo Giao thông.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chúc mừng phi hành đoàn điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. Ảnh: Báo Giao thông. 

Sau khi hạ cánh thử, hệ thống càng tàu bay được ghi nhận vẫn hoạt động tốt nên tổ điều hành quyết định cho máy bay tự hạ cánh. Kết quả, máy bay hạ xuống đường băng an toàn lúc 10h24, chậm 27 phút so với lịch trình. 

"Chúng tôi ghi nhận cách xử lý của tổ lái rất bình tĩnh, chứng tỏ tâm lý rất vững. Các kiểm soát viên không lưu và tổ bay đã nhận định đúng tình huống", ông Đinh Việt Thắng nhận xét. 

Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức chia sẻ, tùy từng trường hợp, hành khách trên máy bay được thông báo về sự cố để chuẩn bị tinh thần. Với trường hợp khẩn nguy, để tránh hoảng loạn phi hành đoàn chỉ thông tin máy bay phải bay vòng do sự cố không lưu. Sau khi hạ cánh an toàn, hành khách mới được thông tin đầy đủ về sự cố. 

Đánh giá sự cố đe dọa an toàn bay mức C (mức A là cao nhất), Cục Hàng không đã thành lập tổ điều tra nguyên nhân. Nhận định ban đầu là máy bay bị xịt lốp do vật bên ngoài va chạm trên đường cất cánh tại sân bay Đà Nẵng.


Video Vietnam Airlines lên tiếng vụ cơ trưởng, tiếp viên bị bắt
 

Nguồn: VNE
Bình luận
vtcnews.vn