Tân Hoa Xã dẫn thông tin cho biết, hai phi cơ của hãng Hàng không Phương Nam và Hàng không Hải Nam cất cánh từ sân bay ở đảo Hải Nam lúc 8h30 và 8h40 sáng nay. Hai chiếc máy bay hạ cánh tại sân bay mà nước này mới xây dựng phi pháp ở đá Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam 2 giờ sau đó.
Máy bay của hãng Hàng không Hải Nam hạ cánh xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 1. Ảnh: Tân Hoa xã |
Một ngày trước đó, Trung Quốc đã cho máy bay đáp thử xuống sân bay trên hai thực thể địa lý này. Chiếc CE-680 của trung tâm thử nghiệm bay thử của Hãng hàng không Trung Quốc được huy động để thực hiện chuyến bay đúng ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hãng thông tấn Trung Quốc ngang ngược nói rằng hai sân bay và các cơ sở vật chất trên các đá này giúp hỗ trợ việc vận chuyển ở quần đảo Trường Sa.
Trong 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa, Tòa PCA đồng ý với quan điểm của Philippines khi cho rằng đá Châu Viên, đá Chữ Thập và đá Gạc Ma là đá trong khi đá Tư Nghĩa và đá Vành Khăn là bãi đá ngầm, nơi chìm dưới nước khi thủy triều lên cao. Như vậy đá Tư Nghĩa và Vành Khăn chỉ được hưởng vùng an toàn 500 m quanh đảo.
Tòa không đồng thuận với tuyên bố của Philippines về đá Ga Ven khi cho rằng đây là đá, không phải bãi đá ngầm. Với đá Xu Bi, PCA cũng đưa ra phán quyết tương tự. Ngoài ra, tòa còn khẳng định Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong là bãi đá chìm, nằm trong khu vực thuộc thềm lục địa của Philippines.
Ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 1 cho thấy đường băng của Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xu Bi (trái) và Vành Khăn. Ảnh: CSIS |
Trước đó, hồi tháng 1, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cung cấp hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc sắp hoàn tất hai đường băng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chúng gồm một đường băng dài 2.644 m trên đá Vành Khăn và đường băng dài 3.250 m trên đá Xu Bi.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng xây dựng các cơ sở khác nhau trên đá Xu Bi, gồm một tường chắn sóng, bến cảng và một tòa tháp cao 30 m, theo CSIS.
Đá Xu Bi là thực thể nằm xa nhất về phía bắc của quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng. Trung Quốc đã bồi lấp khu vực có diện tích khoảng 4 triệu m2 và xây dựng đường băng trên đó. Hoạt động xây dựng có thể nhìn rõ qua ảnh vệ tinh. Trong tự nhiên, đá Xu Bi chìm dưới nước khi thủy triều dâng cao.
Ngày 27/10/2015, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Xu Bi, động thái nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đồng thời bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc bắt đầu các hoạt động cải tạo đá Vành Khăn từ đầu năm 2015 với khoảng 5,5 triệu m2 được bồi lấp. Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự và hệ thống liên lạc vệ tinh tại đây.
Vị trí đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: New York Times |
Việc Trung Quốc mở rộng lối vào vùng nước sâu nằm giữa rạn san hô cho thấy Bắc Kinh có ý định tạo ra một căn cứ hải quân trong đá Vành Khăn. Tàu USS Lassen của Mỹ cũng từng áp sát đá Vành Khăn với mục đích tương tự việc áp sát đá Xu Bi.
Trước việc Trung Quốc liên tục xây dựng và vận hành các cơ sở xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo này.
Trong phát biểu ngày 4/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình tuyên bố: “Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.
Bình luận