• Zalo

Máy bay, tàu ngầm 'made in Vietnam' ngậm ngùi xuất ngoại

Thời sựThứ Hai, 28/07/2014 08:00:00 +07:00Google News

Ông Phan Bội Trân cho biết, ông cũng muốn tàu ngầm của mình được sử dụng tại Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh này thì ông đành bán cho nước ngoài.

Ông Phan Bội Trân cho biết, ông cũng muốn tàu ngầm của mình được sử dụng tại Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh này thì ông đành bán cho nước ngoài để có thêm điều kiện nghiên cứu tiếp.

Ông Phan Bội Trân, người chế tạo thành công tầu ngầm mini tại TP.HCM cho biết, sau hai năm loay hoay, ông cũng đã tìm được hướng ra cho sản phẩm của mình. Một công ty kinh doanh du lịch tại Malaysia đã đặt hàng năm chiếc tàu ngầm do ông chế tạo để phục vụ du lịch.


Chiếc máy bay VAM nằm trong kho tại quận 12, TPHCM từ năm 2007 tới nay chờ giấy phép thử nghiệm.
Chiếc máy bay VAM nằm trong kho tại quận 12, TPHCM từ năm 2007 tới nay chờ giấy phép thử nghiệm. 

Vẫn mong tàu ngầm được sử dụng trong nước

Ông Trân nói: “Tôi cũng muốn tàu ngầm của mình được sử dụng tại Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh này thì tôi đành bán cho nước ngoài để có thêm điều kiện nghiên cứu tiếp”.

Theo ông Trân, sau khi thử nghiệm thành công chiếc tàu ngầm cách đây hai năm, ông phải dừng các hoạt động nghiên cứu vì thiếu kinh phí và điều kiện thử nghiệm.

Tàu ngầm của ông Phan Bội Trân không phải là sản phẩm khoa học duy nhất chưa được ứng dụng trong nước. Câu chuyện tương tự cũng xảy đến với chiếc máy bay VAM do ông Vimar Nguyễn và Hội Cơ học Việt Nam chế tạo cách đây gần 8 năm.

Tàu ngầm do ông Phan Bội Trân chế tạo đang thử nghiệm năm 2012 (ảnh 1) và thử nghiệm thành công tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải Quân TPHCM (ảnh 2)
Tàu ngầm do ông Phan Bội Trân chế tạo đang thử nghiệm năm 2012 (ảnh 1) và thử nghiệm thành công tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải Quân TPHCM (ảnh 2) 

Ngay sau khi chiếc VAM-1 được Hội Cơ học Việt Nam chế tạo và bay thử nghiệm thành công tại sân bay Long Thành - Đồng Nai vào cuối tháng 12/2005, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời cả nhóm chế tạo đến nhà riêng dùng trà.

Tại đây, Nguyên Thủ tướng đã nghe GS.TS Nguyễn Văn Đạo – Trưởng Ban chỉ đạo dự án trao đổi về tình hình, tiến độ của dự án.

Nguyên Thủ tướng đã đánh giá cao tinh thần học hỏi, dám nghĩ dám làm của những người tham gia dự án. Nguyên Thủ tướng cũng cho rằng, trong tương lai, nhu cầu máy bay nhỏ sẽ phát triển rất mạnh và việc chế tạo, sản xuất máy bay nhỏ sẽ là cơ hội để cho nhiều ngành kinh tế phát triển mạnh.

Sau khi thử nghiệm thành công chiếc VAM-1, cả nhóm đã chế tạo tiếp chiếc VAM-2 hoàn chỉnh hơn. Nhưng rồi sau đó cả hai chiếc đều phải nằm “bẹp” trong một nhà kho tại quận 12, TP HCM.

Cách đây hơn ba tháng, ông Vimar Nguyễn đã dẫn PV đi thăm hai chiếc máy bay, được nói là trong tình trạng “rất tốt” vì dù không được bay, chủ nhân của chúng vẫn bảo dưỡng đầy đủ.

Suốt mấy năm trời, hai chiếc máy bay chỉ nằm chờ duy nhất một thứ: giấy phép bay thử nghiệm tiếp theo. Đây là cơ sở để dự án có thể tiến hành sản xuất hàng loạt.

Theo các nhà sáng chế, nhu cầu máy bay nhỏ ở Việt Nam “đang rất thiếu”. GSTS Nguyễn Thiện Tống- Nguyên trưởng khoa Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TPHCM nói: “Nhu cầu sử dụng máy bay nhỏ trong cấp cứu y tế, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tuần tra kiểm soát trên biển, du lịch, bảo vệ rừng… còn rất lớn.

Song chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý, nhất là trong việc cho phép sử dụng máy bay và được bay. Đây chính là rào cản lớn nhất khiến cho chiếc máy bay VAM phải nằm đắp chiếu chưa bay được”.

Ông Vimar Nguyễn nói, một công ty tại Campuchia đã ngỏ ý mời ông đem máy bay VAM qua thử nghiệm, nếu thành công họ sẽ đặt hàng mua với số lượng lớn.

“Thành công thì không ngại vì chúng tôi đã có những bước thử nghiệm ban đầu rất tốt ở Việt Nam. Nhưng như thế thì có gì gọi là niềm tự hào của người Việt? Tôi vẫn mong muốn chiếc VAM này sẽ được bay đầu tiên ở Việt Nam và cố gắng để chờ cho đến ngày đó”, ông Vimar Nguyễn nói.

Khác với chiếc tàu ngầm do ông nông dân Thái Bình hay chiếc máy bay trực thăng do ông “Hai lúa” ở Tây Ninh chế tạo, chiếc tàu ngầm mini và hai chiếc máy bay VAM đều do những Việt kiều được đào tạo chuyên môn làm ra.

Ông Trân trở về từ châu Âu còn ông Vimar Nguyễn trở về từ Canada, cả hai đều được học hành bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến, từng làm việc trong những môi trường kỹ thuật hiện đại.  

Ông Phan Bội Trân mong tàu ngầm của mình sẽ được sử dụng trong các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Còn ông Vimar Nguyễn thì cho biết, nếu Việt Nam có công nghệ chế tạo máy bay thì không những người Việt sẽ có được máy bay giá rẻ để sử dụng mà còn có thể áp dụng công nghệ chế tạo máy bay cho nhiều hoạt động khoa học khác.

Còn phải chờ

Theo ông Phan Bội Trân, hiện nay ông chưa làm được thủ tục xuất khẩu tàu ngầm bởi trong danh mục xuất khẩu hàng hóa vẫn chưa có mã số xuất khẩu dành cho... tàu ngầm.

Và nếu đến hạn chưa xuất được thì ông đành chọn giải pháp xuất khẩu khuôn mẫu bởi theo tìm hiểu của ông, chỉ có khuôn là có thể xuất khẩu được ngay. Điều đó có nghĩa là những chiếc tàu ngầm được nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam sẽ được sản xuất tại Malaysia. Còn những chiếc máy bay VAM, đối tác ở Campuchia vẫn đang chờ cái gật đầu của ông Vimar Nguyễn.

Ông Trân nói ở châu Âu, mỗi quốc gia đều có các tổ chức chỉ chuyên hỗ trợ các hoạt động sáng tạo. Bất cứ cá nhân nào có ý tưởng hay đều có thể làm dự án rồi trình bày cho tổ chức đó.

Tổ chức đó sẽ tìm những người có chuyên môn cao để phản biện, thẩm định dự án. Nếu dự án được chấp nhận thì tổ chức đó sẽ tài trợ tiền và lo toàn bộ thủ tục để dự án được thực hiện tốt. Theo ông Vimar Nguyễn, tại Canada chính quyền cũng luôn có chính sách hỗ trợ để người có ý tưởng sáng tạo có thể thực hiện được tới cùng sáng tạo của họ.

May mắn cho ông Trân và ông Vimar Nguyễn, những ý tưởng của họ cũng nhận được những hỗ trợ nhất định từ một số tổ chức. PGS. TS Lê Kế Lâm - Chủ tịch Hội Biển TPHCM cho biết, Hội đã nỗ lực giúp chiếc tàu ngầm thử nghiệm bước đầu, nhưng để thành công và đưa vào sử dụng thì còn rất nhiều việc phải làm mà việc đó cần phải có sự giúp đỡ của nhiều ngành, nhiều cấp quản lý. Còn với dự án máy bay VAM, GS.

Theo ông Phan Bội Trân, hiện nay ông vẫn chưa làm được thủ tục xuất khẩu tàu ngầm bởi trong danh mục xuất khẩu hàng hóa vẫn chưa có mã số xuất khẩu dành cho... tàu ngầm. Và nếu đến hạn chưa xuất được thì ông đành chọn giải pháp xuất khẩu khuôn mẫu.
TSKH Nguyễn Xuân Hùng - nguyên Chủ nhiệm dự án thuộc Hội Cơ học Việt Nam cho biết: “Hồi Giáo sư Nguyễn Văn Đạo - chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam còn sống, nhờ sự nỗ lực và tâm huyết của giáo sư nên dự án VAM mới có những thành công nhất định. Giáo sư mất đột ngột dự án mới bị treo đến bây giờ”.  


Trao đổi với PV, ông Phan Bội Trân và ông Vimar Nguyễn hoàn toàn không tỏ ý chán nản hay bi quan.

Ông Trân nói: “Phải thông cảm cho đất nước. Bên châu Âu người ta đã có hơn 300 năm cách mạng khoa học nên họ tiến bộ là đương nhiên, Việt Nam chỉ có chưa tới 40 năm thống nhất, còn phải học hỏi rất nhiều”. Ông Vimar Nguyễn vẫn tin rằng, dự án máy bay VAM của ông sẽ có ngày được cấp phép.
Đại tá Nguyễn Văn Lợi- Nguyên Phó Viện trưởng Viện kỹ thuật Hải quân- Phó Chủ nhiệm CLB Cán bộ Ngành kỹ thuật Hải quân Khu vực TPHCM nói: “Tôi rất tiếc vì lý do thủ tục hành chính rườm rà phức tạp mà tới nay, dự án tàu ngầm của ông Phan Bội Trân vẫn chưa tiến thêm một chút nào. Là người đã theo sát dự án nghiên cứu của ông Trân, tôi khẳng định đây là một dự án có khả năng thành công rất cao bởi quá trình nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm tàu ngầm được ông Trân làm rất nghiêm túc, bài bản và khoa học. Ông Trân đã áp dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến mà ông ấy được học từ nước ngoài nên tôi tin nếu được cấp phép và giúp đỡ của ngành chức năng thì dự án tàu ngầm của ông Trân sẽ sớm thành hiện thực”.

» Bí mật về 5 tàu ngầm 'made in Việt Nam' bán sang Malaysia
» Bên trong 'doanh trại' xuất 5 tàu ngầm Việt Nam sang Malaysia
» Tàu ngầm của hậu duệ Phan Bội Châu sắp sang Malaysia


Theo TPO
Bình luận
vtcnews.vn