Ngày 8/2, hãng tin Interfax của Nga trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định, Nga vẫn luôn mong muốn đối thoại, bao gồm cả ở cấp độ chính trị. Chính phủ Hà Lan trước đó cũng bày tỏ tin tưởng rằng các quan chức Nga sẽ sớm tổ chức cuộc gặp để thảo luận về vụ việc.
Tháng 7/2014, chiếc máy bay mang số hiệu MH17, đang trên hành trình từ thành phố Amsterdam của Hà Lan đến Kuala Lumpur, Malaysia đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine. Toàn bộ 298 người trên máy bay đã thiệt mạng, trong đó có tới 196 người mang quốc tịch Hà Lan.
Ngày 24/5/2018, các chuyên gia của Đội điều tra chung quốc tế (JIT), bao gồm Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đưa ra một bản báo cáo tạm thời cho rằng MH17 bị bắn hạ bởi một tên lửa từ hệ thống phòng không do Nga sản xuất. Báo cáo cũng cho rằng vụ việc có liên quan đến Lữ đoàn phòng không số 53 đang được triển khai tại thành phố Kursk, Tây Nam nước Nga.
Trước báo cáo này, Nga lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc JIT đưa ra. Bộ Quốc phòng Nga nói không có một hệ thống phức hợp phòng không nào từng đi qua biên giới Nga – Ukraine, trong khi đó các chuyên gia Nga tuyên bố nhận dạng được tên lửa bắn hạ máy bay là tên lửa mà Liên Xô chuyển đến lãnh thổ Ukraine năm 1986, trước khi tan rã và tên lửa này chưa bao giờ quay trở về Nga kể từ đó.
Ngày 25/5, Australia và Hà Lan ra tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về tai nạn MH17. Ngày 31/5, Bộ trưởng Giao thông Malaysia tuyên bố không có bằng chứng nào đủ mạnh để cho thấy trách nhiệm của Nga trong thảm họa này.
Bình luận