Ngôi nhà gần 30 m2 của vợ chồng Trung úy Nguyễn Bá Thế (nhân viên tuần thám, Lữ đoàn 918 Phòng không – Không quân) nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng).
Từ hôm nhận tin anh Thế cùng 8 đồng đội mất tích trên biển trong khi tìm kiếm máy bay chiến đấu Su-30MK2, đồng đội, người thân, bạn hữu và đại diện chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình.
Lặng lẽ mời chúng tôi chén nước, chị Đào Ngọc Tuyết (SN 1984, vợ Trung úy Thế) nói trong nghẹn ngào: “Ngày nào còn chưa tìm được các anh ấy thì tôi vẫn còn hy vọng, không chỉ tôi mà tất cả các gia đình của 9 người trên chuyến bay Casa-212 đều tin như vậy".
Rồi ngay sau đó, chị Tuyết như tự động viên chính mình, gạt nước mắt để kể về chồng mình bằng ánh mắt đầy tự hào.
“Anh Thế là người cởi mở, vui tính, chu đáo, sống chân thành. Đó là nhận xét không chỉ của tôi mà còn là nhận xét chung của những người xung quanh” - chị Tuyết nhớ lại.
Cảm mến trước sự chân thành, chu đáo, vui tính của anh lính hải quân Nguyễn Bá Thế thuộc Lữ đoàn 602 Quân chủng Hải quân nên sau 1 năm tìm hiểu, tháng 7/2008, anh Thế và chị Tuyết đã lên duyên chồng vợ.
Đến tháng 10/2009, sau quá trình phấn đầu, rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ, anh Thế được đơn vị lựa chọn, cử đi học tại Sài Gòn 1 năm, rồi tiếp tục được cử sang Thụy Điển học nghiệp vụ 1 tháng với kết quả học tập tốt, anh trở lại đơn vị cũ công tác.
Sau thời gian công tác, với nhiều thành tích xuất sắc, anh Thế được phong hàm Trung úy chuyên nghiệp, là nhân viên tuần thám, được Chủ tịch Nước tặng thưởng huy chương chiến sỹ vẻ vang hạng ba.
“Ngoài ra, anh ý cũng được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen của đơn vị và cấp trên, nhưng nhà em chật chội nên anh ý không cầm về nhà treo mà để luôn ở đơn vị” - chị Tuyết tự hào chia sẻ.
Đầu năm 2012, anh Thế chuyển lên công tác tại Lữ đoàn 918 (Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân. Kể từ đó, anh thường xuyên được đơn vị tạo điều kiện thuận lợi, bố trí thời gian hợp lý, nhất là vào những ngày cuối tuần không đi công tác hay phải trực ban, anh được về thăm gia đình nội ngoại và vợ con ở Hải Phòng.
Sinh ra trong một gia đình có 6 chị em tại quê lúa Thái Bình, 4 chị gái đã đi xây dựng gia đình, anh Thế và người anh trai là Nguyễn Bá Bương đều theo con đường binh nghiệp. Cách đây 2 năm, anh Bương đã qua đời vì một cơn đột quỵ khi đang công tác trong đơn vị Hải đoàn 129 Vũng Tàu.
Trước đó, bố anh cũng đã qua đời năm 2006 nên anh Thế trở thành điểm tựa tinh thần của người mẹ già sống một mình nơi quê nhà Quỳnh Phụ (Thái Bình) và là trụ cột chính của hai bên gia đình nội, ngoại.
Khoảng 1 tuần trước khi xảy ra vụ việc máy bay Casa-212 và 9 sỹ quan, quân nhân gặp nạn, anh Thế vẫn còn chăm sóc bố vợ bị mắc căn bệnh ung thư phổi đang chữa trị ở Hà Nội, vậy mà không ngờ, sau đó cả nhà nhận tin dữ.
Biết tin con trai, người mẹ già của Trung uý Thế ở quê gần như ngã quỵ. Các anh chị, con cháu họ hàng ở quê phải thay nhau túc trực bên cạnh để chăm sóc, an ủi, động viên bà.
Chị Tuyết cho biết thêm, sau khi xảy ra vụ máy bay Casa-212 cùng phi hành đoàn mất tích, đơn vị nơi anh Thế ngày nào cũng cử cán bộ về thăm hỏi, động viên mẹ con chị và người mẹ già ở quê.
Đơn vị cũng chắp nối gia đình của 9 quân nhân để thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin, động viên, chia sẻ lẫn nhau. Chị Tuyết vẫn hy vọng sẽ có một phép màu nào đó, một kỳ tích xảy ra như với anh Cường (phi công Su-30MK2). Nhà nước, đơn vị cũng như các gia đình của 9 người lính sẽ tìm được các anh ấy trở về.
Video: Trục vớt các vật thể, mảnh vỡ của máy bay Casa-212 trên biển
Bình luận