Chúng ta mỗi người đều hy vọng mình có khả năng san sẻ và giúp đỡ ai đó đang khó khăn ngoài kia, suy nghĩ này thật tốt. Tuy nhiên, chúng ta có đang thực sự giúp đỡ đúng cách, như thế nào mới là san sẻ thật sự.
Khi gặp một người nghèo khổ đang cần giúp đỡ, bạn sẽ làm gì? Có không ít người suy nghĩ thế này: “Đợi mình giàu có mình sẽ giúp”, nhưng cuối cùng mấy ai thực hiện được lời hứa đó?
Kỳ thực, việc giúp đỡ người khác không nhất thiết phải đợi đến lúc bản thân có đầy đủ khả năng, tiền bạc. Chúng ta phải biết rằng, cứu giúp người khác ngay cả khi mình chưa đủ khả năng mới thật ý nghĩa.
Làm việc thiện, giúp đỡ người khác là tùy thời, tùy chỗ mà thực hành chứ không phải đợi đến lúc mình có đủ khả năng. Rất nhiều khi chúng ta lấy “khả năng chưa đủ” để không giúp đỡ người khác, thực ra đó chỉ là một cái cớ hoặc ngộ nhận.
Thật ra khi bạn cho một thứ gì đó, chỉ cần nó phải xuất phát từ “trái tim” của bạn. Tức bạn “cho đi” không vì mục đích tư lợi cho bản thân. Thì bạn cho đi cái gì cũng được. Miễn sao sự cho đi nó giúp đỡ được người khác. Dù chỉ là một phần rất rất nhỏ. Miễn là bạn thật lòng. Bạn cho đi với tâm thế không mong muốn nhận lại. Bạn cảm thấy vui và hạnh phúc khi làm điều đó.
Giúp đỡ người khác tức là đang giúp chính mình. Chúng ta nên nhớ rằng: chúng ta không sống một mình, chúng ta sống với mọi người xung quanh. Vì thế không phải việc gì chúng ta cũng có thể tự mình vượt qua tất cả. Sức mạnh của nhiều người là sức mạnh không gì bẻ gãy được. Đừng từ chối sự giúp đỡ cho dù nó đến từ phía bạn hay từ những người khác.
Có rất nhiều hình thức để chúng ta có thể làm việc thiện, cho đi, giúp người mà không cần đợi đến lúc giàu có. Thay vì cho “con cá” tại sao ta không cho “cầu câu”? Làm việc thiện bằng nhiều cách và tùy vào từng đối tượng chứ không nhất thiết phải cho tiền tỷ, tặng quà đắt tiền.
Đó có thể là một bó rau, con cá, một vài ký gạo hay chai nước mắm. Đó có thể là sự động viên, an ủi, việc bạn ngồi nghe họ tâm sự về cuộc sống. Bạn có thể giúp đỡ một bà cụ đi xuống bậc thang. Bạn có thể giành thời gian để chơi với mấy đứa bé. Bạn có thể gọi điện hỏi thăm khi một người bạn gặp khó khăn. Đó là những hành động tuy rất nhỏ nhưng cũng là góp phần cho đi và giúp đỡ. Và nó không phải là tiền bạc. Chỉ cần nó xuất phát từ “trái tim” của bạn.
Làm việc thiện dù ở góc độ nào cũng đều mang tính nhân văn, vì vậy đừng vì sợ “thương nhầm” mà không dám sẻ chia, và cũng đừng vì một vài cá nhân lợi dụng từ thiện để “trục lợi” mà không vào cuộc chung tay chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Quan trọng là trước khi cho đi, chúng ta nên tìm hiểu về đối tượng mà mình muốn giúp đỡ, rồi mới nên có quyết định làm gì cho họ.
Bạn sẽ càng hạnh phúc hơn khi bạn cho đi nhiều hơn. Và nên nhớ: Cho đi không cần phải là một dịp hay sự kiện đặc biệt nào đó. Bạn chẳng cần phải đến một nơi xa xôi mới có thể cho đi cũng chẳng cần phải có tiền tỷ trong túi. Làm việc thiện - cho đi là một thói quen, nó có thể diễn ra bất cứ khi nào, vào hoàn cảnh nào và với mọi hình thức nào.
Bình luận