Nước tiểu là lượng nước dư thừa và những chất thải được thận lọc từ bên trong cơ thể rồi thải ra ngoài. Màu vàng nhạt tự nhiên của nước tiểu là do sự bài tiết một chất có màu ở trong máu gọi là urochrome. Vì vậy, tùy thuộc vào lượng nước bạn đã uống mà nước tiểu có màu từ vàng thật nhạt (khi cơ thể đã đủ nước) cho đến màu cam hay vàng đậm (khi cơ thể đang thiếu nước).
Màu vàng đậm
Nếu sau khi đã uống nước đầy đủ (2,5 lít/ngày), thay đổi chế độ ăn mà nước tiểu vẫn có màu vàng đậm, có thể là do sự xuất hiện của sắc tố mật trong nước tiểu. Lúc này bệnh nhân có thể mắc một số bệnh lý gan mật như viêm gan do vi rút, vàng da tắc mật, ung thư gan, nhiễm trùng đường mật... Nếu nước tiểu vàng đậm cùng các triệu chứng đi tiểu nhiều lần, nóng rát, ngứa buốt… thì có thể là do bệnh viêm niệu đạo.
Màu đỏ
Ở người có sức khỏe bình thường, trong nước tiểu không bao giờ có máu. Nước tiểu màu đỏ có thể do tiểu ra máu hoặc do chất chuyển hóa có màu đỏ như thuốc uống heparin, kháng vitamin K, thức ăn được thận đào thải.
Cần chú ý khi thấy nước tiểu màu đỏ bởi đây có thể là dấu hiệu của việc thận bị chấn thương hoặc vi khuẩn thâm nhập đường tiết niệu; mắc các bệnh lý như sỏi thận - đường tiết niệu, viêm bọng đái, thận đa nang; ung thư thận, ung thư bọng đái, ung thư tiền liệt tuyến… sẽ làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, bàng quang, niệu quản, đài bể thận, cầu thận… từ đó dẫn đến màng lọc cầu thận bị hư hỏng, suy yếu và mất đi chức năng của nó khiến hồng cầu thoát ra cùng nước tiểu, gây tiểu máu.
Bị vẩn đục
Đó là dấu hiệu của vi khuẩn trong nước tiểu và nó có thể chỉ ra bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Hiện tượng nước tiểu bị đục đến từ sự bài tiết của vi khuẩn và bạch cầu hoặc có thể là những tế bào chống lại vi khuẩn. Thậm chí nếu bạn vẫn thấy cơ thể bình thường, không bị nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn nên chú ý bởi có thể đó là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nhưng đang trong quá trình ủ bệnh.
Nước tiểu sủi bọt
Khi gặp phải dấu hiệu này, bạn có nguy cơ mắc bệnh thận cao. Khi thận không hoạt động đúng cách, có thể dẫn đến sự tích tụ protein trong nước tiểu. Protein này sẽ tạo ra bọt khí khi nó tiếp xúc với nước trong bồn cầu.
Bệnh thận có khả năng xuất hiện khi bạn có tiền sử huyết áp cao, tiểu đường hoặc thành viên trong gia đình từng mắc phải.
Màu nâu, màu cam, màu xanh
Nước tiểu có những màu bất thường này bởi ảnh hưởng từ thức ăn có phẩm màu hóa học hoặc do các loại thuốc đang uống. Nhưng nếu hiện tượng này thường xuyên xuất hiện, cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.
Chúng ta nên tập thói quen sau khi đi tiểu xong nên quan sát màu sắc nước tiểu. Khi nước tiểu có màu bất thường cần đi đến phòng xét nghiệm để thử nước tiểu ngay. Cũng nên xét nghiệm nước tiểu kiểm tra định kỳ hằng năm, vì nó giúp nhận biết được các bệnh lý thận niệu từ giai đoạn rất sớm.
Ngoài ra, khi thấy có những triệu chứng bất thường về đường tiểu như nước tiểu rỉ ra khi bạn cười to hoặc bạn phải thường xuyên thức dậy nửa đêm để đi tiểu… bạn cũng nên đến bác sĩ ngay để được phát hiện kịp thời những căn bệnh có liên quan.
Video: Giúp việc pha nước tiểu vào sữa của trẻ em
Bình luận